Rét đậm, thị trường áo khoác đại hàn lại “nóng”

(Baohatinh.vn) - Sự bất thường của thời tiết mùa đông năm nay đã khiến thị trường đồ đông cũng thoắt “nóng”, thoắt “lạnh”. Điều đó cũng tạo nên tâm lý thiếu ổn định trong nhập hàng của các chủ shop bán quần áo ở Hà Tĩnh…

Rét đậm, thị trường áo khoác đại hàn lại “nóng”

Rét đậm kéo dài, nhiều bà mẹ mới tìm mua áo khoác đại hàn cho con

Khác với mọi năm, năm nay, thời tiết rét muộn, các đợt rét lại không kéo dài nên hầu như các chủ shop đều không dám “ôm” hàng đông, nhất là đồ đại hàn. Với những người lỡ “ôm” lượng hàng lớn thì luôn sống trong tâm thế thấp thỏm lo bị tồn hàng. Thậm chí, một số shop đã “chạy” chương trình khuyến mãi, giảm giá để “đẩy” bớt hàng đông.

Tuy nhiên, đợt rét đậm trong đợt nghỉ tết dương lịch này đã khiến thị trường áo khoác đại hàn cả của người lớn lẫn trẻ em “nóng” trở lại. Với giá mỗi chiếc dao động từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với áo khoác trẻ em và từ 250.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với áo khoác người lớn, khách hàng có khá nhiều sự lựa chọn tuỳ theo nhu cầu của mình.

Rét đậm, thị trường áo khoác đại hàn lại “nóng”

Không chỉ phụ nữ, cánh đàn ông cũng đi tìm mua cho mình những chiếc áo khoác để giữ ấm

Chị Trần Thị Oanh - chủ một shop quần áo trẻ em ở đường Lý Tự Trọng cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi kinh doanh mặt hàng này nên ngay từ đầu mùa đã “ôm” khá nhiều hàng, nhất là các loại áo phao đại hàn. Trừ đợt đầu mùa, khách hàng đến mua nhiều, còn lại đồ đại hàn hầu như ế ẩm. Các đợt nắng nóng kéo dài giữa mùa đông khiến tôi hết sức lo lắng vì các kho hàng đã chào hàng hè rồi mà vẫn còn rất nhiều đồ đông chưa bán hết. Tuy nhiên, đợt rét đậm lần này đã khiến thị trường đồ đại hàn “nóng” trở lại. Chỉ trong 2 ngày đầu của đợt rét, kho hàng của tôi đã bán đi phân nửa”.

Với tâm lý cầm chừng, nhiều chủ kinh doanh thời trang cũng không dám ôm hàng nhiều. Thậm chí có nhiều chủ hàng lại nhập về cả đồ đông lẫn đồ hè để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Chị Trần Thị Hằng – chủ quầy hàng thời trang ở chợ trung tâm thành phố Hà Tĩnh cho biết: “Thời tiết thất thường khiến tôi và các bạn hàng không dám nhập về các loại áo phao cao cấp như năm ngoái. Ngược lại, năm nay lại nhập về chủ yếu các loại áo măng tô, áo dạ 1 lớp với độ ấm vừa phải. Đợt rét đậm kéo dài này, nhu cầu áo phao siêu ấm của khách hàng khá lớn nhưng quầy của tôi lại không có nhiều để bán. Thật sự rất tiếc nhưng bây giờ không kịp để nhập thêm hàng nữa”.

Rét đậm, thị trường áo khoác đại hàn lại “nóng”

Trải qua những ngày dài ế ẩm, những chiếc áo dạ đắt tiền này đã bắt đầu rơi vào tình trạng "khan" hàng.

Những ngày qua, các cửa hàng thời trang lớn nhỏ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh luôn tấp nập khách vào ra. Rét đậm nên đa số khách hàng tìm đến những chiếc áo có độ ấm cao.

Chị Như Khánh - chủ shop Hương Boutique (đường Nguyễn Công Trứ) cho biết: “Nếu như từ đầu mùa đến nay shop chủ yếu bán các loại váy áo thu đông có độ ấm vừa phải thì những ngày qua, mặt hàng áo dạ lông cừu, dạ hồ ly với giá dao động từ 2 - 6 triệu đồng lại thu hút khách hàng. Tuy nhiên, với đặc trưng thời tiết năm nay, shop cũng không có nhiều loại áo này để phục vụ khách hàng. Nếu rét kéo dài thì tôi phải liên hệ với nhà sản xuất để được phân phối thêm áo dạ để đáp ứng thị trường”.

Rét đậm, thị trường áo khoác đại hàn lại “nóng”

Tại các sạp hàng bán áo phao giá rẻ ở đường Phan Đình Phùng, khách hàng tấp nập suốt 3 ngày qua

Ở phân khúc bình dân, các sạp hàng phao giá rẻ ở đường Phan Đình Phùng, tầng 2 chợ trung tâm thành phố và các shop hàng second-hand cũng thu hút đông đảo khách hàng sau những ngày dài ế ẩm.

Tại sạp hàng số 64 Phan Đình Phùng, trong suốt những ngày rét đậm vừa qua, lượng khách tăng lên gấp 5 - 6 lần. Với lợi thế giá cả rẻ, mẫu mã khá đẹp lại có “mác” Việt Nam nên người lao động vẫn tin tưởng lựa chọn. Chị Nhân - một khách hàng cho biết: “Đồ phao ấm giá rẻ năm nay cũng đẹp hơn mọi năm cả về kiểu dáng, màu sắc lẫn chất liệu. Với giá dao động từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/chiếc áo ấm nam nữ, người lao động như chúng tôi có khá nhiều sự lựa chọn”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast