Toàn cảnh cuộc họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; phương án sử dụng nguồn tăng thu, cắt giảm tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2021...
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thực hiện và dự kiến danh mục, mức vốn bố trí cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo ý kiến của ủy ban về báo cáo của Chính phủ.
Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, ý kiến giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và hoan nghênh Chính phủ kịp thời trình nội dung này. Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã tranh thủ thời gian họp để có báo cáo ý kiến về nội dung báo cáo của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Nghị quyết số 43/2022/QH15 về các giải pháp tài chính tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong 2 năm (2022-2023), đã được Quốc hội ban hành ngay từ đầu năm 2022, trong Kỳ họp bất thường.
Đến nay đã qua 5 tháng chưa có danh mục cụ thể các dự án sử dụng nguồn vốn của chương trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, phần nào đó làm giảm hiệu quả của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá nguyên nhân của sự chậm trễ. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, triển khai quyết liệt hơn để sớm triển khai và có kết quả cụ thể của gói chính sách quan trọng này theo nghị quyết của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chậm gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thì sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả của chương trình. Chia sẻ rằng đây là nội dung rất khó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tăng cường kỷ cương, cố gắng làm sớm, không để lâu, vì đã qua nửa năm trong tổng thời gian 2 năm thực hiện chương trình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành với khung và số kiểm tra mà Chính phủ đã báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương thông báo số vốn còn lại, bao gồm 14.000 tỷ đồng cho lĩnh vực hạ tầng y tế; 11.830 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng khác để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có căn cứ đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục đầu tư.
Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định để Chính phủ hoàn thiện danh mục, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi phân bổ vốn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trên tinh thần là gói nào đã rõ, chắc thì trình luôn, không nhất thiết phải chờ một đợt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp nhiều lần để chia sẻ với Chính phủ và để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ là dành 9.620 tỷ đồng trong tổng số gói 176.000 tỷ đồng thuộc Nghị quyết số 43/2022/QH15 để phân bổ vốn cho 3 dự án đường cao tốc thuộc danh mục và chương trình dự án quan trọng quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong Kỳ họp thứ 3; bao gồm 3.800 tỷ đồng cho đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng giai đoạn 1 và 2.330 tỷ đồng cho đường bộ cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cùng 3.800 tỷ đồng cho dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1.