Thiếp chúc tết của Bác Hồ năm 1956 (ảnh Internet).
Thơ chúc mừng năm mới của Người không phải là lời thơ chúc tụng thường tình mà đó là lời chúc mừng, động viên, dặn dò, kêu gọi. Tết cổ truyền năm Nhâm Thìn 1952, từ mạch nguồn tư tưởng lớn, từ cảm hứng lạc quan về cuộc kháng chiến chống thực dân đang chuyển sang giai đoạn mới, Bác đã chúc tết đồng bào và chiến sĩ cả nước bằng bài thơ Xuân:
“Xuân này, xuân năm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
Chắc thắng trăm phần trăm
Chiến sĩ thi giết giặc
Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta.
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”(1)
Đó là thời điểm dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta tiếp tục giữ thế chủ động, tiến công liên tục tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích rộng khắp. Lời thơ reo vang trong niềm tin thắng lợi: “Chắc thắng trăm phần trăm”, “Thắng lợi ắt về ta”. Đó cũng là hồn cốt của bài thơ Xuân. Đây là lời chúc mừng, động viên, là dự báo thiên tài của Người về cuộc kháng chiến. Dự báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đúng vào thời điểm cuộc kháng chiến đang diễn ra căng thẳng, ác liệt, nhưng trong điều kiện thế và lực của quân và dân ta trên các chiến trường đang lớn mạnh, ta đang chủ động tấn công để mở rộng vùng giải phóng.
Bác Hồ trồng cây tại Ba Vì (Hà Tây) mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969 (ảnh: Internet).
Người kêu gọi, khơi dậy tinh thần yêu nước của toàn dân, toàn quân, tích cực thi đua tăng gia sản xuất, thi đua giết giặc lập công, đưa cuộc kháng chiến mau chóng giành thắng lợi. Lời chúc tết của Người nhanh chóng được tuyên truyền sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; cổ vũ, động viên, khích lệ toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đẩy nhanh thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 giành thắng lợi hoàn toàn. “Chắc thắng trăm phần trăm...” - một sự khẳng định dứt khoát, chắc chắn.
Cũng nhân ngày tết Nhâm Thìn 1952, Bác Hồ đã có bài nói chuyện với đồng bào, chiến sĩ và kiều bào về tình hình thế giới và trong nước. Sau khi phân tích tình hình, đề ra nhiệm vụ lớn trong năm 1952, Bác đã nhấn mạnh phải quyết tâm loại trừ 3 căn bệnh, 3 vấn nạn đang gây ra trở ngại: một là chống bệnh quan liêu; hai là chống nạn tham ô; ba là chống nạn lãng phí. Đó cũng là một thực tế, một dự báo mà đến nay vẫn thời sự.
12 năm sau, đón xuân Giáp Thìn 1964, trong “Thư chúc mừng năm mới”, Bác Hồ viết:
“Bắc Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà
Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”(2)
Lời thơ chúc tết năm Giáp Thìn 1964 của Bác thể hiện sự nhất quán, niềm tin sắt son mục tiêu chiến lược đấu tranh thống nhất. Đó là khẳng định chân lý vĩnh cửu, bất di bất dịch thống nhất dân tộc: “Bắc Nam như cội với cành”. Bắc Nam là anh em ruột thịt. Đó là ý chí quyết tâm, đồng lòng, đồng sức đấu tranh thống nhất đất nước. Đó là niềm tin, dự báo “Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”, non sông liền một dải. Mong ước, tâm nguyện của Người đã trở thành hiện thực.
Một điều đặc biệt là thơ chúc tết của Bác Hồ năm Giáp Thìn 1964 và bài thơ chúc tết năm Nhâm Thìn 1952 đều được kết lại bằng 2 câu thơ lục bát cùng chung một ý. Năm 1952, Bác viết: “Mấy câu thành thật nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”; năm 1964, Bác viết: “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.
Ảnh: Internet.
Thơ chúc tết của Người đã bày tỏ tất cả tấm lòng, tình cảm, nội dung thực tế thời điểm chúc mừng năm mới. Đó là sự chân thành, đồng cảm thương yêu, niềm mong ước của Người dành cho đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ta mỗi khi tết đến, xuân về. Chính vì vậy, những lời chúc đầu năm, cả những vần thơ của Bác đã thấm sâu trong lòng người dân Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài luôn có những dự báo chính xác vượt thời gian. Bao giờ cũng vậy, đầu xuân khởi đầu của sự đổi thay vạn vật đất trời, của con người, Bác luôn dành những lời chúc tốt đẹp nhất, những mong ước cho thành công mới. Và bao giờ, ở đó cũng là những tiên đoán, dự báo để tạo niềm tin, khát vọng phấn đấu vươn lên. Niềm tin đó là động lực, cảm hứng mà Người truyền lại cho ta mỗi khi tết đến, xuân về.
-----------------------------
(1). Theo Hồ Chí Minh toàn tập, CD-ROM (xuất bản lần thứ 3), tập 7, trang 292.
(2). Sách đã dẫn, tập 14, trang 224.