Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

(Baohatinh.vn) - Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, trong đó có phương thức cầm quyền của Đảng duy nhất lãnh đạo, phải gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Không ngừng nâng cao năng lực và đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới”. Đây là lần đầu tiên trong các văn kiện của Đảng gắn liền hai khái niệm “lãnh đạo” và “cầm quyền” với nhau. Đảng vừa có vai trò lãnh đạo, phải chịu trách nhiệm lãnh đạo của mình, vừa nắm quyền lực quản lý đất nước.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Toàn cảnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Đảng lãnh đạo gồm 3 hoạt động chính: đề ra đường lối chủ trương; tổ chức thực hiện các quyết định lãnh đạo; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định lãnh đạo.

Còn cầm quyền là vị thế, trách nhiệm của Đảng khi đã giành được chính quyền, được Nhân dân ủy thác, suy tôn để quản lý đất nước. Đảng sử dụng quyền lực cầm quyền để tác động chi phối Nhà nước và xã hội nhằm phụng sự Nhân dân và chịu trách nhiệm trước dân tộc theo phương châm Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Từ thắng lợi của cách mạng, khi Đảng lãnh đạo trở thành Đảng cầm quyền đó là điều kiện để Đảng thực hiện mục tiêu cách mạng, nhưng đồng thời nếu không nhận thức đầy đủ để phòng tránh thì dẫn đến lạm dụng cầm quyền, sinh cậy quyền, xa dân và thoái hóa. Vì thế, phương thức gắn lãnh đạo với cầm quyền của Đảng là hết sức hệ trọng trong xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng bao gồm toàn bộ các cách thức, hình thức, biện pháp, quy trình, quy chế, quy định, lề lối làm việc… mà Đảng sử dụng quyền lực của mình để tác động chi phối Nhà nước và xã hội nhằm thực hiện cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng xứng đáng với vai trò, vị thế và trách nhiệm của một Đảng duy nhất lãnh đạo và cầm quyền.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 7 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng cương lĩnh, chủ trương, nghị quyết và các chính sách lớn; bằng vai trò của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, hoạt động ở các cơ quan Nhà nước để lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa, cụ thể hóa thành hiến pháp, pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đảng lãnh đạo, cầm quyền bằng vai trò tiên phong gương mẫu của đảng viên, bằng việc tuyên truyền thuyết phục vận động quần chúng thông qua hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ, đồng tình và tích cực thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để đưa vào cuộc sống.

Đặc biệt, Đảng lãnh đạo, cầm quyền phải hết sức quan tâm đến công tác cán bộ; thống nhất và tập trung lãnh đạo công tác tổ chức và công tác cán bộ trong việc giới thiệu những đảng viên ưu tú, có đủ năng lực và phẩm chất đảm nhận các chức danh chủ chốt của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các cấp, các ngành, các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Phải hết sức coi trọng việc kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đối với tổ chức Đảng cũng như cán bộ, đảng viên của Đảng trên các lĩnh vực trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước.

Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền, trong đó có phương thức cầm quyền của Đảng duy nhất lãnh đạo, phải gắn với yêu cầu, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng; phải thích nghi, phù hợp và không cứng nhắc, máy móc.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Đại hội XIII của Đảng chủ trương tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo và năng lực cầm quyền của Đảng, gắn lãnh đạo với cầm quyền thành phương thức lãnh đạo, theo những nội dung sau đây:

1. Cần giữ vững và tăng cường vai trò, vị thế và trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời phát huy cao độ vai trò trách nhiệm của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi thuộc về Nhân dân. Trong điều kiện Đảng cầm quyền cần gắn lãnh đạo với cầm quyền nhằm phát huy triệt để vai trò, trách nhiệm của Nhà nước để đường lối chủ trương của Đảng được thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đầy đủ và thắng lợi. Như thế cũng là đảm bảo tính thống nhất giữa mục đích lãnh đạo, cầm quyền của Đảng với quyền lực và lợi ích của Nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về Nhân dân.

2. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thể hiện năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng. Do đó, đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng và cả hệ thống chính trị; đồng bộ với đổi mới kinh tế - xã hội, thích ứng với những biến động của đất nước và thế giới. Theo đó, phải lấy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo mục tiêu đề ra; lấy niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng làm thước đo đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

3. Đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng phải tuân thủ các nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của Đảng trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ; tuân thủ Điều lệ Đảng và những điều đảng viên không được làm; tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Phải tăng cường mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Đảng gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân với những quy định của mình.

4. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải hết sức quan tâm đến việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong tổ chức Đảng, các cơ quan Nhà nước và hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo, cầm quyền qua vai trò của các Đảng đoàn, ban cán sự Đảng của cấp ủy Đảng trong các cơ quan Nhà nước và hệ thống chính trị trong việc giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo; trong việc tổ chức thực thi các chủ trương, quyết sách của Đảng; kịp thời làm tốt việc thể chế hóa, cụ thể hóa, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhất là việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ; chống quan liêu, vô cảm, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch, tham ô, tham nhũng, tiêu cực…

5. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền cần hết sức quan tâm đến thực thi dân chủ, trước tiên là dân chủ trong Đảng, tăng cường đối thoại, tự phê bình, phê bình. Cầu thị trước sự góp ý phê bình, phản biện từ các thành viên trong hệ thống chính trị và Nhân dân một cách công khai, minh bạch từ việc đề ra chủ trương, nhiệm vụ, việc tổ chức thực hiện và bố trí cán bộ.

Thực thi kiểm tra, giám sát việc thực thi kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Kiểm soát quyền lực phải từ yêu cầu tự thân của Đảng và nền dân chủ thực sự; ở thể chế chính trị - pháp luật; ở năng lực lãnh đạo và cầm quyền. Không một cá nhân nào, tổ chức nào được đặt ngoài sự kiểm tra, giám sát của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giám sát của Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu phải nêu gương, chính trực, liêm chính, tuân thủ kỷ luật và pháp luật, thực thi văn hóa chính trị gắn với văn hóa pháp luật.

Thực hiện sự nghiệp đổi mới là một quá trình, trong đó việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là hết sức hệ trọng, cần được gắn liền với đổi mới cơ chế quản lý xã hội; cũng như với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo, cầm quyền là một khoa học, chủ động đổi mới có chọn lọc trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đáp ứng với từng giai đoạn cách mạng, nên cần có thái độ cầu thị, chọn lọc để nắm bắt được thực tiễn, rút ra được những bài học kể cả thành công và vấp váp, vận dụng được kinh nghiệm về tinh hoa chính trị, quản trị quốc gia làm phong phú thêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trước sứ mệnh cao cả dẫn dắt dân tộc phát triển với khát vọng hùng cường, thịnh vượng, thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

  • Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
    Nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII: An sinh xã hội lấy con người làm trung ...

    “An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội… Công tác trợ giúp xã hội từng bước chuyển sang hướng tiếp cận dựa trên quyền con người, lấy con người làm trung tâm”. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá như vậy về lĩnh vực an sinh xã hội trong bài phát biểu tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (15-17/5/2023).

Chủ đề BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).