Tơ đá, nhũ đá hàng chục nghìn năm trong hang "Sơn Đoòng của Ba Bể"

Hang Thắm Phầy là một hang nước mới ở xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Do mới được phát hiện, hang còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ bí với những tuyệt tác thạch nhũ tuyệt đẹp.

Hang đổ nước ra hệ thống hồ Ba Bể. Chúng tôi xin phép chính quyền địa phương, rồi khởi hành ngày 5/5, với 2 ôtô, 3 xe máy và 13 thành viên (trong đó có 3 bạn nữ). Thường đi thám hiểm hang động chỉ nên tối đa nhóm 5-7 người, nhưng do đã mấy tháng mùa rét, chúng tôi chưa có chuyến thám hiểm hang động nào, hơn nữa tôi mới trải qua quá trình hồi phục sau tai nạn ngã hang, nên chúng tôi rất háo hức.

Qua cửa hang, xuống sâu phía dưới, cả đoàn bắt gặp ngay dòng suối chảy từ hang ra, nước rất trong và hơi lạnh. Đây cũng là địa điểm năm 2016, đoàn đi tới nhưng phải bỏ cuộc do nước chảy xiết. Hiện là thời điểm cuối cùng trước mùa mưa mà chúng tôi có thể thám hiểm hang Thắm Phầy.

Phải mất hàng nghìn, hàng chục nghìn năm, thiên nhiên mới tạo ra được những nhũ đá như thế này. Trong hang nước, độ ẩm trong không khí rất cao nên chúng tôi không cảm thấy khát, nhưng độ ẩm cao sẽ rất có hại cho các thiết bị điện tử như máy ảnh, đèn... Vì vậy máy ảnh, máy quay, đèn đi hang thường là loại chịu nước.

Một chú dế sống trong hang. Sau khi đi qua một đoạn đường dài, có lúc đoàn còn cùng nhau lặn qua một hốc nhỏ, đến một phòng hang rộng chừng 300 m2, có ánh nắng mặt trời le lói chiếu xuống. Hóa ra nơi đây có một lỗ giếng trời thông thiên, phía trên là khu rừng rậm rạp, cây cối um tùm.

Đoàn thám hiểm với đèn đeo trán chuyên dụng trong một góc hang, xung quanh là những khối đá hình thù kỳ dị, sáng rực rỡ như ban ngày.

Hứng nước từ những sợi tơ đá. Chúng tôi không bao giờ chạm tay vào những tơ đá và nhũ đá trong hang, bởi mồ hôi tay có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tạo nhũ đá tự nhiên hàng trăm nghìn năm này.

Thường trong quá trình thám hiểm hang động, đoàn sẽ ưu tiên đi những nhánh hang chính trước, hoặc đi theo nhánh hang có nước, đi hết nhánh trục chính rồi mới đến các nhánh phụ của hang. 2 nhánh hang phía trước đều to và có nước chảy, nên nhóm quyết định đi nhánh bên trái trước.

Đi sâu bên trong, chúng tôi bắt gặp một tấm phản bằng đá khổng lồ, bên dưới là vô số sợi tơ đá lóng lánh rất đẹp mắt.

Nghiên cứu "đặc sản" tơ đá chỉ có trong hang nước.

Sau khi đi một đoạn dài và sâu hun hút, đến một đoạn hang khá thấp, mọi người phải cúi xuống để bò qua. Cũng rất vất vả khi phải bò trên đá lổn nhổn và phải kéo theo một balo đầy đồ.

Nhũ đá lấp lánh dưới ánh đèn của nhóm thám hiểm.

Bò qua đoạn hang thấp, chúng tôi tới một phòng hang rộng khoảng 100 m2, và không thấy đường đi tiếp, nên cả đoàn ngồi nghỉ, ăn trưa. Một vài thành viên trong đoàn tranh thủ đi trước dò đường.

Trong khi đi tìm đường, một thành viên trong đoàn đã suýt bị lạc, bởi hang nhiều ngõ ngách và rộng. Xác định đây là điểm kết thúc của nhánh hang này, cả đoàn chụp thêm vài tấm ảnh kỷ niệm rồi quay ra.

Đoàn tiếp tục khám phá nhánh hang còn lại, đoạn đường cũng sâu và khó khăn không kém nhánh hang ban đầu. Thám hiểm hang động có một điều thú vị là ta không thể biết được điều gì đang đợi ta ở phía trước - đôi khi là những khó khăn, thậm chí nguy hiểm, đôi khi là những cảnh đẹp làm ta sững sờ! Chúng tôi đi tới giếng trời là điểm khám phá cuối cùng sau 8 tiếng thám hiểm Thắm Phầy. Cả đoàn mở champagne ăn mừng, rồi thu dọn hết rác và quay trở ra.

Vị trí hang Thắm Phầy ở xã Hoàng Trĩ (dấu đỏ), huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Google Maps.

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói