
Chiều 8/4, Bộ Công thương phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến công bố Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do của các địa phương năm 2024 (Bộ chỉ số FTA Index).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Thành chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.

Theo Bộ Công thương, đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Các FTA đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho nền kinh tế như thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất và tính cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ chỉ số FTA Index là một công cụ mang tính định lượng và hệ thống, được xây dựng dựa trên khảo sát thực tế doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện công bố Bộ chỉ số FTA Index.

Nội dung khảo sát của Bộ chỉ số FTA Index tập trung vào 4 khía cạnh chính:
- Mức độ tiếp cận thông tin về FTA của doanh nghiệp;
- Tình hình tuân thủ các quy định pháp luật nội luật hóa từ cam kết FTA;
- Hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA;
- Việc triển khai các cam kết phát triển bền vững trong các FTA tại địa phương.
Chỉ số tổng hợp FTA Index là điểm số tổng hợp của 4 chỉ số thành phần theo thang điểm 10 và tổng hợp thành thang điểm 40.
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số FTA Index năm 2024, tỉnh Cà Mau là địa phương có điểm số cao nhất với 34,9 điểm; tỉnh Quảng Trị có điểm số thấp nhất với 14,49 điểm. Mức điểm trung bình cả nước là 26,2 điểm. Tỉnh Hà Tĩnh xếp thứ 51 với 18,71 điểm.

Việc xây dựng FTA Index không chỉ mang ý nghĩa xếp hạng đơn thuần mà còn là một bước đi chiến lược trong việc đo lường hiệu quả hội nhập quốc tế ở cấp địa phương. Kết quả khảo sát cho thấy, việc tiếp cận thông tin về các FTA của doanh nghiệp đã có những thành công nhất định về chiều rộng; các doanh nghiệp đã nhận thức được cơ quan đầu mối ở Trung ương và địa phương trong việc cung cấp thông tin về các FTA; hình thức cung cấp thông tin FTA tại các địa phương khá đa dạng, tiếp cận được đến các doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng được các ưu đãi với các mức độ khác nhau phụ thuộc vào ngành hàng, vào địa phương và theo từng hiệp định…
Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại như: mức độ quan tâm, dành nguồn lực cho việc tìm hiểu và tận dụng các FTA của doanh nghiệp vẫn chưa thật sự cao; công tác hướng dẫn, tổ chức hướng dẫn doanh nghiệp về các văn bản pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết FTA của Cơ quan quản lý Nhà nước địa phương chưa mở rộng trên nhiều lĩnh vực...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Bộ chỉ số FTA Index là công cụ quan trọng giúp đo lường mức độ thực thi và tận dụng các FTA của địa phương. Đồng thời, phản ánh hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam xác định rõ công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; là động lực quan trọng để đưa đất nước vào kỷ nguyên mới. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các FTA đã ký kết, nâng cao chất lượng thực thi cam kết quốc tế, mở rộng thị trường và ký kết thêm các FTA mới để đa dạng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.
Nhấn mạnh xuất khẩu là một trong các động lực tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tự lực, tự cường, phân cấp, phân quyền, giảm 30% chi phí, thời gian thực hiện và số thủ tục hành chính trong năm nay để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn; giảm chi phí đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số, phát triển các động lực tăng trưởng mới.
Cùng đó, phải cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh, quy hoạch lại vùng nguyên liệu phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu ; tích cực chống buôn lậu; bảo vệ bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ; phải biến khó khăn, thách thức thành thời cơ, thuận lợi.