Tổng Bí thư chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm chống tham nhũng

Sáng 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị được tổ chức tập trung tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tư pháp) và 63 tỉnh, thành. Nhiều địa phương kết nối trực tuyến đến điểm cầu ở cấp huyện, xã.

Sau khai mạc, đại biểu nghe báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022; xem phóng sự về kết quả này. Sau phần thảo luận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ phát biểu kết luận.

Tổng Bí thư chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm chống tham nhũng

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: VGP

Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được; những hạn chế, yếu kém trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đồng thời chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Đại biểu tham dự hội nghị sẽ thống nhất nhận thức và hành động, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương (Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực), 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị xử lý do tham nhũng.

Hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng (đầu năm 2021) đến nay, 50 cán bộ diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng.

Ban chỉ đạo đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở ba cấp độ; trong đó Ban Chỉ đạo trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 180 vụ án, 133 vụ việc. Các cơ quan chức năng đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 120 vụ án, với gần 1.100 bị cáo, có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý...

Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm Trưởng ban. Tháng 2/2013, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền trong việc chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước.

Tháng 9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Theo Viết Tuân/VNE

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).