Đạn dum-dum
Đạn dum-dum. Nguồn: RIA Novosti
Đạn dum-dum đã chính thức bị cấm trong các hoạt động quân sự, tuy nhiên vẫn được các thợ săn sử dụng rộng rãi. Với lực sát thương vô cùng lớn, trong hầu hết các trường hợp, nạn nhân bị trúng loại đạn này sẽ tử vong hoặc bị thương tật vĩnh viễn. Những viên đạn loại này được xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng thời gian trước những năm 1890 và được đặt tên là dum-dum. Dum dum là tên của vùng ngoại ô thành phố Calcutta của Ấn Độ, ở đó có một nhà máy sản xuất vũ khí của Anh. Năm 1899, Hội nghị Hague đầu tiên đã thông qua việc cấm sử dụng đạn dum-dum trên chiến trường.
Bom napalm
Sức công phá của bom napalm. Nguồn: army-news.ru.
Đứng vị trí thứ hai sau đạn dum-dum là bom napalm. Bom napalm là một trong những loại vũ khí gây cháy khủng khiếp nhất từng được con người sử dụng trong chiến tranh. Napalm thực chất là một chất lỏng dễ cháy, hỗn hợp của một loại chất khi trộn với xăng hay các nhiên liệu tương tự sẽ cho ra được một dạng keo cháy. Khi tiếp xúc với cơ thể con người, bom napalm sẽ gây ra vết thương rất nặng. Nạn nhân của bom napalm rất khó sống sót nếu phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nó.
Bom napalm chỉ bị cấm vào năm 1980, khi Liên Hợp quốc thông qua Công ước về cấm hoặc hạn chế sử dụng vũ khí thông thường và Nghị định thư về cấm hoặc hạn chế sử dụng vũ khí gây thương tổn.
Bom chùm
Bom chùm là các loại bom bi cỡ nhỏ được chứa trong các quả bom mẹ cỡ lớn. Khi nổ, bom mẹ không có tác dụng đối với mục tiêu, mà chỉ có tác dụng bắn bom thứ cấp ra một vùng rộng lớn. Khi rơi xuống mục tiêu, bom thứ cấp sẽ nổ gây sát thương cho người hay phá hủy các xe cơ giới.
Cấu tạo của bom chùm. Nguồn: RIA Novosti.
Loại vũ khí nguy hiểm này mới bị cấm trong thời gian gần đây. Tháng 12-2008, tại Dublin (Ireland), 93 quốc gia đã ký Công ước về bom chùm, loại trừ hoàn toàn việc sử dụng chúng trong tình trạng thù địch. Tuy nhiên, các nhà sản xuất và khai thác bom chùm và đạn hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Hàn Quốc, Pakistan và Israel đã từ chối tham gia vào thỏa thuận này với lý do loại vũ khí này có sức công phá cao nhưng các nước này cũng tuân thủ việc không sử dụng loại vũ khí này một cách bừa bãi, chẳng hạn như việc cấm sử dụng bom chùm trong khu vực đông dân cư.
Bom, đạn chùm dành cho không quân với trọng lượng khoảng 10 kg được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột. Một quả bom chùm chứa đến 100 quả bom nhỏ với khả năng tấn công đa mục tiêu. Tuy nhiên, hạn chế của bom chùm là không phải quả bom con nào của bom chùm cũng đều nổ khi tiếp xúc với mặt đất. Bom chùm hiện đại thường có cơ chế tự hủy theo thời gian nhằm giảm nguy cơ tử vong và thương tích không mong muốn cho dân thường.
Photpho trắng
Hình ảnh photpho trắng bốc cháy khi ra ngoài không khí. Nguồn: RIA Novosti.
Các loại đạn nhồi photpho trắng chính thức bị cấm bởi các điều khoản bổ sung từ năm 1977 của Công ước Geneva về bảo vệ nạn nhân chiến tranh. Photpho trắng là chất hóa học có khả năng gây cháy được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự, chủ yếu nó được nhồi vào các loại bom với mục đích tạo ra các màn khói hoặc gây sát thương, tiêu diệt sinh lực của đối phương. Photpho trắng cũng được coi là loại vũ khí hóa học. Photpho trắng rất dễ cháy, khi ra ngoài không khí ở nhiệt độ bình thường nó cũng tự động bốc cháy. Lửa của photpho trắng rất nguy hiểm với con người, khi nạn nhân bị dính photpho trắng sẽ bị bỏng nặng do nó có khả năng ngấm sâu vào cơ thể người đến tận xương, vào các mô ở bên trong cơ thể và phá hủy chúng.
Mìn chống bộ binh
Lính thủy đánh bộ Mỹ và mìn chống bộ binh Claymore trong một buổi tập luyện. Nguồn: RIA Novosti.
Loại vũ khí này đã được sử dụng ồ ạt từ đầu thế kỷ XX trong tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang để vô hiệu hóa lực lượng bộ binh của đối phương. Mìn chống bộ binh thường không chỉ tiêu diệt mà còn gây thương tật vĩnh viễn cho nạn nhân nếu họ sống sót. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng có thể tìm thấy và phá hủy tất cả các bãi mìn sau khi kết thúc chiến tranh.
Công ước Ottawa năm 1997 đã quy định cấm hoàn toàn việc sản xuất, sử dụng và tàng trữ các loại mìn chống bộ binh. Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc, vẫn chưa ký kết. Ngoài ra, mìn chống bộ binh còn là một vũ khí yêu thích của phần tử khủng bố thuộc các tổ chức cực đoan và phong trào du kích.