TP Hà Tĩnh thu ngân sách gần 80 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Thời điểm này, các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ ở TP Hà Tĩnh đang trở lại ổn định và bắt đầu đà tăng mới. Từ đầu năm đến nay, nguồn thu ngân sách từ hoạt động này đạt gần 80 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020.

Mỗi ngày, nhà hàng hải sản Đại Hương Biển (đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh) đón khoảng 300 - 350 lượt khách.

Mỗi ngày, nhà hàng hải sản Đại Hương Biển (đường Hàm Nghi, TP Hà Tĩnh) đón khoảng 300 - 350 lượt khách tới thưởng thức hải sản. So với thời điểm dịch bệnh Covid-19 xảy ra hồi đầu năm và cùng kỳ năm 2020 thì lượng khách đã tăng khá mạnh.

Ông Tôn Chính Đại - chủ nhà hàng cho biết: “Ngay cả khi điều kiện kinh doanh không thuận lợi do dịch bệnh thì chúng tôi vẫn giữ tiêu chí kinh doanh đó là nguồn hàng chất lượng - kinh doanh uy tín và hướng đến sự hài lòng của đa số khách hàng. Nguồn hàng lấy từ các vùng biển Hà Tĩnh, được bảo quản tươi sống, sử dụng hết trong ngày và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính điều này đã giúp khách hàng trở lại với nhà hàng nhanh hơn”.

So với đầu năm, cả lượng khách và doanh thu của nhà hàng đều đã tăng trưởng mạnh.

Hiện tại, doanh thu của nhà hàng đã tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu năm nay và cao rất nhiều so với thời điểm cùng kỳ năm 2020. Tính bình quân, mỗi tháng, nhà hàng đóng nộp ngân sách Nhà nước 15 - 20 triệu đồng.

Tại TP Hà Tĩnh, hoạt động thương mại - dịch vụ chiếm khoảng trên 63% cơ cấu kinh tế. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã chủ động các giải pháp để cân đối cung - cầu, linh hoạt, nhạy bén trong kinh doanh để phù hợp với điều kiện dịch bệnh.

Trong đó, các lĩnh vực như: kinh doanh hàng hóa, nhà hàng ăn uống, dịch vụ giải trí… có dấu hiệu phục hồi sớm và cho kết quả tích cực kể từ đầu tháng 3 lại nay với mức doanh thu tăng bình quân từ 20 - 30% so với đầu năm.

Doanh thu của cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thanh Hạnh đạt khoảng 250 - 300 triệu đồng/tháng.

Nhiều cơ sở tin tưởng mức tăng trưởng này còn có thể sẽ tốt hơn trong những tháng tới, khi các thị trường hàng hóa ổn định trở lại và dịch vụ du lịch vào mùa sôi động.

Ông Nguyễn Đặng Thanh - chủ cơ sở sản xuất kẹo cu đơ Thanh Hạnh (đường Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Hiện tại, bình quân mỗi ngày, cơ sở chúng tôi sản xuất khoảng 1.000 tấm cu đơ và đều xuất bán hết trong ngày, đạt doanh thu khoảng 250 - 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, từ tháng 4 - 8 mỗi năm là cao điểm mùa du lịch thì số lượng hàng xuất đi có thể tăng thêm".

Vào cuối năm 2020, kẹo cu đơ Thanh Hạnh đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây chính là “tấm vé” để cơ sở đủ sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng khắt khe, khó tính.

Một số quán hàng kinh doanh đồ ăn sáng từ thực phẩm bò, lợn gặp khó khăn hơn nhưng vẫn chủ động giải pháp ứng phó tốt bằng cách chuyển đổi nguồn thực phẩm (ảnh Ngọc Loan).

Trong khi đó, một số cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn sáng (bún, phở…) mặc dù đối mặt với khó khăn do ảnh hưởng của dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu Phi, song cũng đang nỗ lực để ứng phó với tình hình kinh doanh mới như chuyển đổi sử dụng nguồn thực phẩm từ bò, lợn sang dê, gà, cá...

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ sôi động trở lại góp phần tăng thu ngân sách cho thành phố.

Theo UBND thành phố Hà Tĩnh, đến đầu tháng 4/2021, địa phương đã thành lập mới 296 hộ kinh doanh; 71 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký gần 300 tỷ đồng. Theo đó, nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt gần 80 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm hơn 51,8% tổng thu ngân sách trong quý I/2021 của TP Hà Tĩnh.

Hiện tại, thành phố đang đưa ra các giải pháp nhằm khai thác tối đa các nguồn thu, nhất là từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ, không chỉ đảm bảo để địa phương hoàn thành kế hoạch thu ngân sách mà còn tạo sự phát triển bền vững cho địa phương.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói