Trước đây, hai bức tranh với trị giá ước tính 100 triệu USD (2.272 tỷ đồng) đã được đem trưng bày trong một viện bảo tàng tôn vinh những siêu phẩm hội họa của Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan.
Năm ngoái, trong một cuộc điều tra tội phạm buôn bán chất cấm, cảnh sát Ý đã tìm thấy hai bức tranh này. Giám đốc Viện bảo tàng Van Gogh - ông Axel Rueger chia sẻ: “Những bức tranh đã trở về, đây là một trong những ngày đặc biệt nhất trong lịch sử bảo tàng chúng tôi”.
Du khách khi tới thăm Hà Lan, có dịp lưu lại thủ đô Amsterdam, thường không quên ghé thăm bảo tàng Van Gogh để được chiêm ngưỡng những siêu phẩm hội họa của vị danh họa nổi tiếng nhất xứ sở hoa tulip.
Hai bức tranh của danh họa Vincent Van Gogh đã trở về quê nhà Hà Lan sau khi bị đánh cắp 14 năm trước.
Bức “Cảnh biển ở Scheveningen” (1882) là một trong hai bức tranh sơn dầu đáng giá hàng triệu USD bị kẻ trộm đột nhập lấy đi khỏi bảo tàng ngày 7/12/2002.
Bức “Giáo đoàn rời khỏi nhà thờ tin lành ở Nuenen” (1884-1885) là bức sơn dầu còn lại bị đánh cắp trong cùng vụ việc. Bức tranh này khắc họa ngôi làng nơi cha mẹ Van Gogh sinh sống, ông từng thực hiện bức tranh để tặng mẹ.
Phát biểu tại sự kiện trả tranh quý lại cho bảo tàng, tướng Gianluigi D"Alfonso của lực lượng cảnh sát kinh tế Ý kể lại quá trình tìm thấy tranh: “Hai bức tranh lúc được tìm thấy hồi năm ngoái được bọc trong những tấm vải, cất trong một thùng giấu kín sau một bức tường giả, đặt trong một nông trại gần thành phố Naples, Ý”.
Ở nông trại này, người ta đã tìm thấy nhiều tài sản quý giá, thậm chí cả một chiếc máy bay cỡ nhỏ phục vụ cho việc tẩu thoát. Hai bức tranh bị cất giấu phía sau một bức tường giả, được xây lên để ngụy trang. Kẻ trộm đã đột nhập vào bảo tàng Van Gogh ngày 7/12/2002 lúc 8h sáng, khi viện bảo tàng còn chưa mở cửa.
Kẻ trộm đã dùng thang leo lên nóc bảo tàng, đột nhập vào trong, sử dụng dây thừng để leo ra. Kẻ trộm ngay sau đó đã bị tóm gọn bởi dấu vết DNA để lại hiện trường. Dù vậy, hai người này chỉ là “tay sai” thực hiện, tranh đã bị đưa đến cho kẻ chủ mưu từ trước đó - một tay trùm buôn bán chất cấm.
Giám đốc bảo tàng Van Gogh - ông Axel Rueger (trái) và bà Jet Bussemaker - Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học Hà Lan, cùng xuất hiện tại sự kiện trả tranh.
Hiện giờ, hai bức tranh đã được trưng bày trở lại tại bảo tàng. Dù vậy, trong những năm tháng lưu lạc vừa qua, đã có những tổn hại nhất định đối với hai bức tranh.
Hai kẻ trộm tranh đã lĩnh mức án 4 năm tù. Sau khi bị bắt, hai người này khai rằng thoạt tiên họ định đánh cắp bức “Hoa hướng dương” nổi tiếng, nhưng bức tranh này có bức độ bảo vệ an ninh quá cao, khó đánh cắp. Vì vậy, họ chuyển hướng sang hai bức cài đặt ít thiết bị an ninh hơn.
Bức “Những người ăn khoai tây” cũng rất nổi tiếng và ít cài đặt thiết bị an toàn, nhưng kích thước lại lớn, không thể đưa qua lỗ hổng tầng mái.
Bức “Cảnh biển ở Scheveningen” là bức duy nhất mà viện bảo tàng sưu tập được về thời kỳ Van Gogh còn sinh sống tại thành phố Den Haag (Hà Lan), từ năm 1881-1883. Trong thời kỳ này, Van Gogh chỉ vẽ hai bức tranh khắc họa cảnh biển, cho thấy rõ phong cách hội họa ngay từ buổi đầu cầm cọ của ông.
Bức “Giáo đoàn rời khỏi nhà thờ tin lành ở Nuenen” được Van Gogh vẽ tặng mẹ. Đó là một bức tranh cỡ nhỏ khắc họa nhà thờ nơi cha của Van Gogh từng là mục sư. Năm 1885, sau khi cha mất, Van Gogh đã hoàn tất bức tranh, vẽ thêm những người đi lễ nhà thờ ở tiền cảnh, trong số này, có những người phụ nữ đang choàng khăn tang như một sự gợi nhớ tới người cha đã mất.
Giám đốc bảo tàng Van Gogh chia sẻ: “Khi cảnh sát Ý liên hệ, tôi cũng hy vọng lắm nhưng có hoài nghi, bởi trong suốt những năm qua, tôi đã nhiều lần nhận được những cuộc gọi khẳng định rằng người ta biết hai bức tranh bị đánh cắp đang ở đâu. Nhưng mỗi khi thông tin được xác minh là giả mạo, tôi lại thấy quá thất vọng”.
Hai bức tranh bị đánh cắp dù không phải những tác phẩm trứ danh của Van Gogh nhưng vẫn là những tài sản quý giá trong bộ sưu tập của bảo tàng. “Mức độ an ninh trong bảo tàng giờ đây đã được nâng lên mức tối đa, vì vậy, chúng tôi có thể tự tin rằng mọi bức tranh trong bảo tàng giờ đều được an toàn”, giám đốc bảo tàng khẳng định.
Sau những năm tháng lưu lạc, hai bức tranh đã chịu những tổn hại nhất định.
Hiện tại, hai bức tranh đã được đem trưng bày trở lại. Tiếp theo đây, người ta sẽ tính phương án phục chế.
Hiện tại, giới mỹ thuật Hà Lan đang rất hồ hởi với tin vui mới này.
5 vụ trộm tranh lớn nhất gây sốc với thế giới:
Vụ trộm tranh 100 triệu USD ở Paris (Pháp) tháng 8/1911: Vincenzo Peruggia, một cựu nhân viên bảo tàng Louvre đã tận dụng những hiểu biết của mình về nội tình trong bảo tàng để đánh cắp bức “Mona Lisa” của danh họa Leonardo da Vinci. Đây là vụ trộm tranh “khét tiếng” nhất. Peruggia trốn trong một chiếc tủ, chờ tới khi nhân viên về hết, liền đánh cắp bức tranh, cất giấu dưới tà áo khoác rộng. Cảnh sát đã bắt Peruggia khi kẻ trộm tranh này đang thực hiện cuộc giao dịch bán tranh sau đó hai năm.
Vụ trộm tranh 300 triệu USD tại Boston (Mỹ) tháng 3/1990: Hai người đàn ông dùng trang phục cảnh sát giả, khống chế nhân viên an ninh tại phòng triển lãm Isabella Stewart Gardner, lấy đi băng ghi hình an ninh của phòng trưng bày, đồng thời lấy đi bức tranh khắc họa cảnh biển duy nhất mà danh họa người Hà Lan Rembrandt từng thực hiện - bức “Bão ngoài biển Galilee”, thêm đó là các bức - “Buổi hòa nhạc” của danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer, “Chez Tortoni” của danh họa người Pháp Édouard Manet. Cho tới giờ, tranh vẫn chưa được tìm thấy, và tội phạm cũng vẫn chưa sa lưới pháp luật.
Vụ trộm tranh 100 triệu USD ở Amsterdam (Hà Lan) tháng 12/2002: Kẻ trộm đột nhập vào bảo tàng Van Gogh, lấy đi hai bức tranh “Cảnh biển ở Scheveningen” và “Giáo đoàn rời khỏi nhà thờ tin lành ở Nuenen”.
Vụ trộm tranh 65 triệu USD ở Scotland tháng 8/2003: Sau khi tham gia một tour tham quan lâu đài Drumlanrig ở Scotland, hai người đàn ông tách đoàn và đánh cắp bức “Madonna of the Yarnwinder” của danh họa người Ý Leonardo da Vinci. Hệ thống an ninh trong lâu đài khi đó không bật, những người nhìn thấy hai kẻ trộm tranh thực hiện phi vụ phạm tội ngay giữa ban ngày có tiến lại can thiệp, nhưng hai tên này khẳng định rằng mình là… cảnh sát ngầm đang luyện tập phương án an ninh cho lâu đài. Tất cả… đều tin ngay. Bức tranh được tìm thấy lại năm 2007, nhưng hai kẻ trộm tranh thì vẫn “nhởn nhơ”.
Vụ trộm tranh 120 triệu USD ở Oslo (Na Uy) tháng 8/2004: Những nhân viên làm việc tại bảo tàng Munch đã bị khống chế bởi những kẻ trộm có vũ trang ngay giữa ban ngày. Hai bức tranh của danh họa Edvard Munch đã bị lấy đi, gồm bức “Tiếng thét” và “Madonna”. Đến tháng 5/2006, cảnh sát bắt được những tên trộm. Hai bức tranh được tìm thấy 3 tháng sau đó.