Triển khai có trọng tâm, trọng điểm các hoạt động tư pháp

(Baohatinh.vn) - 6 tháng đầu năm, ngành tư pháp đã tập trung triển khai toàn diện, kịp thời 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 56 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác tại chương trình hành động của ngành.

Sáng 20/7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long điều hành hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Giám đốc Sở Tư pháp Lê Viết Hồng và Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quốc Tuấn điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Tĩnh.

6 tháng đầu năm, ngành tư pháp đã tập trung triển khai toàn diện, kịp thời 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 56 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác tại chương trình hành động của ngành.

Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành 186 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); các địa phương ban hành 1.540 văn bản QPPL cấp tỉnh, 1.135 văn bản QPPL cấp huyện và 57 văn bản QPPL cấp xã.

Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 15 đề nghị xây dựng văn bản và 73 dự án, dự thảo văn bản QPPL; các sở tư pháp thẩm định 198 đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND và 2.030 dự thảo văn bản QPPL; các phòng tư pháp thẩm định 1.212 dự thảo văn bản QPPL.

Bộ Tư pháp đã thẩm định 18 điều ước quốc tế; góp ý 118 điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tiếp tục được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Các hình thức PBGDPL tiếp tục được đổi mới về nội dung, hình thức. Cả nước tiếp nhận hơn 53.346 vụ việc hòa giải, hòa giải thành 42.066, đạt 79%.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Tĩnh.

Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia đã tiếp nhận và xử lý được 189.434 thông tin. Các sở tư pháp đã cấp được 563.038 phiếu lý lịch tư pháp. Bên cạnh đó, ngành tư pháp tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Đề án 06/CP.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để đưa ra 12 nhiệm vụ và 5 giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: Chú trọng thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; bồi thường nhà nước; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký biện pháp bảo đảm; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tiếp tục tập trung thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ của ngành tư pháp theo Đề án 06/CP...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực toàn ngành đã đạt được trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị, toàn ngành tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL. Các địa phương đôn đốc, tự kiểm tra và kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. Tiếp tục quan tâm tổ chức cuộc thi hoà giải viên.

Thực hiện tốt chỉ tiêu thi hành án về việc và tiền, quan tâm thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Chủ động huy động các nguồn lực triển khai tốt Đề án 06/CP. Thực hiện căn cơ, bài bản Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, nâng cao vai trò “nêu gương, dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm” của đội ngũ lãnh đạo...

6 tháng đầu năm 2023, Sở Tư pháp Hà Tĩnh đã thẩm định 36 dự thảo văn bản QPPL; góp ý 78 dự thảo văn bản QPPL của Trung ương và của tỉnh. Phòng tư pháp các huyện đã thẩm định 22 dự thảo văn bản QPPL.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 3.505 cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp với 415.257 lượt người tham dự, cấp phát 144.549 tài liệu PBGDPL cho cán bộ, Nhân dân trên địa bàn.

Chủ đề Chủ trương - Chính sách

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói