Triều Tiên thử thành công tên lửa “quái vật”?

Ngày 18-11 không phải lần đầu tiên Triều Tiên phóng thử loại tên lửa về lý thuyết có tầm bắn có thể vươn tới Mỹ. Nhưng giới phân tích lại rất chú ý tới đợt phóng loại tên lửa mà họ gọi là "quái vật" này.

Triều Tiên thử thành công tên lửa “quái vật”?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đi cùng con gái khi tới giám sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có tên Hwasong-17 hôm 18-11 - Ảnh: KCNA

Ngày 19-11, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa giám sát vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa mới nhất của nước này vào ngày trước đó.

ICBM mới, ái nữ lộ diện

KCNA cho biết ông Kim đã chỉ đạo vụ phóng tên lửa “cùng với vợ và con gái yêu quý của mình” hôm 18-11. Hình ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố cho thấy ông Kim nắm tay con gái mặc áo khoác trắng, mang giày đỏ đi phía trước khu đặt tên lửa. Đây là lần đầu tiên người ta biết mặt con gái ông Kim.

Đây là vụ phóng ICBM thứ hai của Triều Tiên trong tháng này. Tên lửa rơi xuống vùng biển phía tây Hokkaido, đảo nằm xa nhất về phía bắc của Nhật Bản.

KCNA cho biết loại tên lửa mới là Hwasong-17, đã bay gần 1.000km trong khoảng 69 phút và đạt độ cao tối đa 6.041km. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nói loại vũ khí này có thể bay xa tới 15.000km, đủ để vươn tới lục địa nước Mỹ.

Bà Soo Kim, cựu chuyên gia phân tích tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện làm việc cho Tổ chức RAND, cho rằng điều quan trọng rút ra từ vụ phóng ICBM ngày 18-11 là chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng sẽ kéo dài vì nó cần thiết đối với ông Kim.

Với vụ phóng này và hình ảnh ái nữ của ông Kim được công bố, bà Soo Kim nói “chúng ta đã tận mắt chứng kiến thế hệ thứ tư của gia đình Kim”. Bà nói: “Ông Kim chắc chắn sẽ chuẩn bị cho con gái mình (vào vị trí nào đó)”.

Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un tuyên bố các mối đe dọa từ Mỹ và đồng minh của Washington - những bên mà Bình Nhưỡng cáo buộc đang theo đuổi chính sách thù địch và “buộc đất nước của ông phải đẩy nhanh đáng kể việc củng cố năng lực răn đe hạt nhân áp đảo của mình”.

Và vụ phóng tên lửa Hwasong-17 - “vũ khí chiến lược mạnh nhất trên thế giới” - là một phần trong chiến lược xây dựng quốc phòng, nhằm thiết lập “năng lực răn đe hạt nhân tuyệt đối và mạnh mẽ nhất”, theo KCNA.

Những câu hỏi quan trọng

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên phóng loại ICBM mà giới chuyên gia đánh giá về lý thuyết có thể vươn tới lục địa Mỹ.

Năm 2017, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông James Mattis cho biết vụ phóng tên lửa Hwasong-15 trong năm đó cho thấy Triều Tiên có khả năng “tấn công mọi nơi trên thế giới”.

Theo báo Washington Times, một số chuyên gia nước ngoài nhận định tên lửa Hwasong-17 vẫn đang trong quá trình phát triển, nhưng là tên lửa đạn đạo tầm xa nhất của Triều Tiên. Nó được thiết kế để mang nhiều đầu đạn hạt nhân cùng lúc nhằm vượt qua các lá chắn tên lửa của Mỹ.

Triều Tiên từng tuyên bố đã phóng Hwasong-17 thành công lần đầu ngày 24-3 năm nay, nhưng giới chức tình báo Hàn Quốc và Mỹ nghi ngờ điều này và sau đó kết luận thật ra Triều Tiên phóng Hwasong-15.

Tuy nhiên lần này giới phân tích cho rằng có vẻ như Triều Tiên đã phóng thành công Hwasong-17 và gọi đây là “tên lửa quái vật”.

Theo trang 38 North, đường kính của tên lửa được ước tính từ 2,4 - 2,5m và tổng khối lượng của nó (khi đã chứa đầy đủ nhiên liệu) có thể nằm trong khoảng từ 80.000 - 110.000kg.

Ông Joseph Dempsey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đánh giá: “Vụ phóng này quan trọng vì được cho là vụ thử nghiệm đầy đủ và thành công đầu tiên của Hwasong-17”.

Tuy nhiên điều đáng chú ý là giống các vụ thử ICBM trước, Hwasong-17 cũng được phóng với quỹ đạo cao hơn bình thường (gần như thẳng đứng) để tránh bay qua các nước khác.

Theo ông Dempsey, điều này đồng nghĩa vẫn chưa có câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng về ICBM của Triều Tiên, gồm khả năng “sống sót” của tên lửa này khi trở về bầu khí quyển Trái đất và độ chính xác khi hoạt động ở phạm vi lớn hơn. Đồng thời việc sản xuất tên lửa này có thể sẽ khó khăn hơn do nguồn lực hạn chế.

Ông Ankit Panda, nhà nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, nói rằng ông không coi vụ phóng ICBM ngày 18-11 của Triều Tiên “như một thông điệp”, nhưng coi đây là một phần của “quá trình Triều Tiên phát triển các năng lực mà ông Kim đã xác định là cần thiết cho việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của họ”.

Hội đồng Bảo an họp

Theo Hãng tin Reuters, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ thảo luận về vấn đề Triều Tiên trong cuộc họp ngày 21-11 theo đề nghị của Mỹ, sau khi Bình Nhưỡng thử ICBM có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Phái đoàn Mỹ tại Liên Hiệp Quốc nói Hội đồng Bảo an có trách nhiệm bảo vệ hòa bình và an ninh toàn cầu cũng như duy trì các nghị quyết của mình.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.