Doanh thu giảm mạnh
“Ngày mai trở đi, quán chị tạm nghỉ em nhé! Nghỉ đợi hết dịch rồi tính tiếp chứ cứ duy trì “cầm hơi” thế này không ổn. Ngày được mươi suất xôi, dăm suất ram không đủ tiền mặt bằng chứ đừng nói đến tiền nguyên liệu, tiền công em ạ” – chủ quán ăn sáng trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) chia sẻ.
Các cửa hàng ăn uống...
Những ngày gần đây, nhiều nhà xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Hà Nội liên tục phát ra thông báo tạm dừng hoạt động. Vắng khách thời gian dài, nhiều nhà xe phải đối mặt với tình trạng lỗ hàng trăm triệu, có nhà xe lên tới cả tỷ đồng. Và, phương án tối ưu họ đưa ra là “đứng yên, đợi tình hình lăn bánh”…
Chưa đến mức phải ngừng hoạt động, nhưng một số doanh nghiệp có tiếng trên địa bàn phải “toát mồ hôi” để cân đối thu – chi giữa đại dịch. Cắt giảm lao động, giảm lương, xoay sở sang lĩnh vực khác… là phương án tình thế được đưa ra nhưng tình hình vẫn bộn bề khó khăn.
Theo thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, trong tháng 2, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 7.723 tỷ đồng, giảm mạnh so với tháng trước (giảm 14,4%); doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành ước tính cũng giảm 9,91% với cùng kỳ năm trước.
... đến quán cà phê đều trong tình trạng vắng khách.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị mini, trung tâm thương mại trên địa bàn, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng hơn 1 tháng nay, lượng khách đến tham quan, mua sắm giảm so với trước đó.
Chị Nguyễn Thị Nhàn - chủ hàng quần áo tại chợ trung tâm TP Hà Tĩnh, ngán ngẩm: “Trong chợ người bán nhiều hơn người mua, các quầy hàng thực phẩm còn có người vào ra, còn những mặt hàng khác chỉ mở cửa chờ khách. Như quầy hàng của tôi, 2 ngày rồi chưa mở hàng”.
Hàng loạt doanh nghiệp lữ hành đang đứng trước tình trạng hủy tour liên tục. Lượng khách giảm quá nhanh, quá lớn khiến doanh thu tuột dốc nhanh chóng. Vấn đề chi phí để duy trì bộ máy hiện nay là bài toán rất khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.
Nhiều hãng xe “nằm dài” tại bến do dịch Covid-19.
Đặc biệt, lĩnh vực vận tải đang gặp nhiều khó khăn từ đầu năm lại nay khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại đang “giảm” theo mức độ “tăng” của đại dịch.
Theo đó, vận tải hàng hóa hiện đạt doanh thu gần 500 tỷ đồng, giảm 2,18% so với cùng kỳ; doanh thu vận tải hành khách đạt 342 tỷ đồng và ngày càng ảm đạm do hàng loạt nhà xe tạm dừng hoạt động.
Mặt hàng thực phẩm có xu hướng tăng nhẹ do diễn biến mới của dịch bệnh.
"Ánh sáng" từ Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ
“Doanh thu quý 1/2020 của công ty chưa được 200 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước là hơn 2 tỷ đồng. Hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành hiện nay gần như tê liệt. Hiện, công ty đã được tiếp cận gói hỗ trợ của ngân hàng với mức vay 650 triệu đồng để chi phí trong thời điểm khó khăn " – Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen Nguyễn Tiến Trình cho hay.
Chợ trung tâm TP Hà Tĩnh người bán nhiều hơn người mua.
Để kịp thời “trợ lực” cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, hiện, các ngân hàng đang nỗ lực triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Huy Tiến - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Chi nhánh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thiệt hại do dịch Covid-19 để triển khai các giải pháp phù hợp giúp khách hàng tháo gỡ khó khăn. Đồng thời, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trong việc tiếp cận vốn, khôi phục sản xuất”.
Agribank Hà Tĩnh nỗ lực thực hiện các chính sách tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bằng các chính sách tín dụng. Ảnh tư liệu
Mặc dù hai tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn vẫn bám sát khung kế hoạch dự toán. Tuy nhiên, từ tháng 3, những ảnh hưởng của dịch Covid - 19 chắc chắn sẽ tác động đến toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, người nộp thuế trên toàn địa bàn.
Bà Lê Thị Tâm - Chủ cửa hàng ăn uống Tâm Anh (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Có doanh thu, nộp thuế là điều tất yếu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh mà các hàng quán gần như vắng bóng khách. Trong lúc khó khăn này, nếu được giảm, giản nộp thuế là một sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền đối với chúng tôi”
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Trương Quang Long cho biết: “Tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hiện nay đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid–19. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ ảnh hưởng khá nặng nề. Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng cục Thuế, ngành Thuế Hà Tĩnh hiện đã ban hành văn bản chỉ đạo toàn ngành rà soát tình hình doanh nghiệp để miễn, giảm thuế và gia hạn thuế đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Theo đó, chỉ thị đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng). Bộ Tài chính rà soát, trình Chính phủ ban hành nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… |