Trời thu thay áo mới...

(Baohatinh.vn) - Thiên nhiên vần xoay theo quy luật 4 mùa: xuân, hạ, thu, đông. Mỗi mùa đều có vẻ đẹp riêng, dấu ấn riêng, gắn với các sự kiện lịch sử của dân tộc và cảm xúc của con người. Nếu như mùa xuân gắn với mừng Đảng ra đời thì mùa thu lại định vị trong lòng người dấu mốc Cách mạng tháng Tám thành công, mừng tết Độc lập 2/9.

Trời thu thay áo mới...

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn và ý chí quật cường của toàn thể nhân dân. Ảnh tư liệu: TTXVN

Trong bài thơ “Đất nước”, để diễn tả cảm xúc hân hoan, vui sướng ngập tràn của người dân một nước độc lập, khi đau thương đã lùi xa, đất trời tự do, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết:

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha!

Dù thời gian đã lùi xa gần 8 thập kỷ nhưng mỗi độ thu về, nhìn rừng cờ đỏ tươi hừng lên trong màu nắng vàng thu, lòng người Việt Nam ai cũng bồi hồi nhớ về những năm tháng đau thương của dân tộc khi màn đêm nô lệ bao trùm, ách thống trị của đế quốc, phong kiến làm cho đất nước điêu linh, dân ta “một cổ hai tròng” - cực khổ muôn vàn.

Từ cuối năm trước đến đầu năm Ất Dậu - 1945, 2 triệu người dân Việt Nam đã chết đói, người xin ăn la liệt khắp làng quê, phố phường. Xem lại những thước phim tư liệu, những bức ảnh về những tháng ngày bi thương ấy, ai không xót xa trong lòng! Nhưng, Cách mạng tháng Tám đã xé toang màn đêm nô lệ, mở ra ánh sáng huy hoàng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thông qua Mặt trận Việt Minh, toàn dân như nước vỡ bờ đã đứng lên giành chính quyền từ tay thực dân, phong kiến, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Ngày 19/8, Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Ngày 2/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”(*).

Trời thu thay áo mới...

Từ mùa thu năm 1945, toàn thể dân tộc Việt Nam đã bước sang trang mới. Ảnh tư liệu.

Từ mùa thu ấy, lịch sử dân tộc đã sang trang mới. Việt Nam từ một nước nô lệ trở thành nước có chủ quyền, người dân từ mất nước trở thành người làm chủ. Đói rét, tủi nhục lùi xa, hạnh phúc, tự do trong tầm tay. Dù suốt những năm tháng dài sau đó, Nhân dân ta còn phải tiếp tục đấu tranh với ngoại xâm để gìn giữ độc lập, nhưng mùa thu 1945 đã thành mùa hạnh phúc, mùa tự hào, vinh quang và rạng ngời đối với lịch sử dân tộc cũng như số phận mỗi con người.

“Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ…”. Mùa thu cổ truyền Việt Nam, trong gió thu dịu mát, đêm đêm, biết bao nhiêu bà mẹ trên đất nước này đã kể cho con nghe câu chuyện một thời của nước ta. Cảnh tủi nhục, nước mất nhà tan, “nửa đêm thuế thúc trống dồn, sân đình máu chảy, đường thôn lính đầy”(**); đói rét, thất học, mù chữ. Cồn Cồ, Cồn Sa, Đỗ Đen ở thị xã Hà Tĩnh, km số 3 ở Thái Bình… trở thành nơi chôn người chết hàng loạt…

Cách mạng về, cuộc đời mẹ, cuộc đời người dân nước Việt sang trang. Toàn dân rầm rập đi phá kho thóc của Nhật để cứu đói, biểu tình giành chính quyền. Và, rất nhanh, người Hà Nội hân hoan dự mít tinh tại Quảng trường Ba Đình, nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. “Yêu hòa bình Tổ quốc chúng ta”, mẹ đã hòa vào chúng bạn nắm tay nhau hát vang bài hát hòa bình…

Mẹ và toàn dân bắt đầu học chữ để “diệt giặc dốt”. Bảng chữ cái tiếng Việt dựng lên khắp nơi. Đêm đêm, các lớp học xóa mù chữ vang lên tiếng đánh vần. “Không thuộc mặt chữ cái là không được vào chợ mua bán đó con ạ. Phải làm thế mọi người mới mau biết chữ. Vui lắm, sướng lắm!”.

Trời thu thay áo mới...

Bác Hồ thăm một lớp bình dân học vụ. Ảnh tư liệu

Sống qua những mùa thu lịch sử, thấm hết lẽ buồn vui ở đời, những người ông, người bà, người cha, người mẹ luôn dặn dò con cháu: Tuyệt đối không được quên ơn cách mạng, quên ơn Đảng và Bác Hồ. Ơn ấy lớn lắm! Hôm nay, các con, các cháu sung sướng, đủ đầy, hạnh phúc, không được phép quên các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu, mồ hôi, công sức để chúng ta có được cuộc sống yên bình, tươi đẹp như ngày hôm nay.

Mùa thu này, kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, dù ở đâu khắp đất nước hay ở nước ngoài, gần trăm triệu con dân nước Việt vẫn hướng về Hà Nội - Thủ đô ngàn năm yêu dấu. Nơi ấy, mùa thu 1010, vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về nơi mảnh đất thiêng, đặt tên là Thăng Long, nghĩa là rồng bay lên. Được trao truyền giang sơn gấm vóc từ cha ông, bao thế hệ cha anh đã đem mồ hôi và xương máu để gìn giữ non sông, đất nước.

Vào mùa thu 1954, 5 đoàn quân từ 5 hướng như 5 cánh hoa đã kéo về Hà Nội trong sự đón chào nồng nhiệt của toàn dân, đánh dấu sự thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp suốt 9 năm ròng rã của dân tộc. Rồi mùa thu 1975, Hà Nội cũng như cả nước ngập trong rừng cờ hoa mừng Quốc khánh khi đất nước sạch bóng xâm lăng.

Làm sao quên được, cũng là Hà Nội, mùa thu 1969, cả dân tộc tiếc thương tiễn đưa vị lãnh tụ kính yêu về với “thế giới người hiền”. Nước mắt hòa cùng nước mưa, toàn dân nghiêng mình tưởng nhớ, biết ơn người anh hùng vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã đi vào cõi vĩnh hằng. “Bác đi... Di chúc giục lòng ta/ Cho cả muôn đời một khúc ca/ Lẽ sống, niềm tin, mong ước lớn/ Và tình thương, ơn nghĩa bao la”(**).

Lịch sử dân tộc gần trọn thế kỷ XX gắn với cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ kính yêu. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình để cho cả muôn đời một khúc ca: khúc ca hòa bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Dù chỉ sống cuộc đời 79 mùa xuân, nhưng di sản Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân Việt Nam là vô cùng to lớn và quý giá, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà cho cả muôn đời sau. Toàn Đảng, toàn dân ta luôn ghi nhớ công ơn của Người, nguyện sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Trời thu thay áo mới...

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tài sản vô giá của Nhân dân ta.

Mùa thu này, đất nước ta đã vượt qua khỏi khủng hoảng bởi đại dịch COVID-19, đang từng bước phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay”(***). “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”. Qua thử thách, lòng dân càng thêm tin tưởng sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, sự đoàn kết của toàn quân, toàn dân. Cội nguồn, gốc rễ của mọi chiến thắng là sự đoàn kết toàn dân dưới ngọn cờ của Đảng, của Bác Hồ. Đó là minh chứng rõ nét, sống động nhất cho sức mạnh Việt Nam, tinh thần Việt Nam, sức sống Việt Nam.

Tháng tám này, suốt một dải núi Hồng - sông La, đâu đâu cũng bừng lên vẻ đẹp thanh tân, yên bình, đầy sức sống. Đi qua các chặng đường lịch sử của dân tộc, miền quê Hà Tĩnh chất chứa những vỉa tầng văn hóa, giàu truyền thống cách mạng đã và đang viết tiếp những trang sử rạng ngời trên con đường đổi mới đất nước. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Hà Tĩnh quyết tâm xây dựng tỉnh nhà giàu đẹp, văn minh, như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.

Trời thu thay áo mới...

Cùng với cả nước, suốt nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện tốt lời di huấn của Người, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh: Thanh Hải).

Nhân dân ta gọi ngày Quốc khánh 2/9 là tết Độc lập. Ngày tết, ai mà không vui sướng, không hân hoan ngóng chờ! Tết giữa ngày thu còn là nét độc đáo của một đất nước phải qua bao gian lao, khó nhọc mới giành được tự do, độc lập, ấm no, hạnh phúc. Ăn tết, nhà nhà đoàn tụ, làng trên xóm dưới rộn ràng trong lễ hội chèo bơi, ca hát, vui chơi… Trẻ con đi chơi tết và tưng bừng sửa soạn cho năm học mới. Tiếng trống khai trường rộn ràng giữa ngày thu độc lập. Lập nước, khai trường, hai niềm vui cộng hưởng trong mùa thu, dưới màu trời xanh biếc và màu nắng vàng rải khắp núi sông, ruộng đồng, biển cả.

Vui sướng biết bao! Tự hào biết bao!

______

(*) Trích: Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

(**) Thơ Tố Hữu.

(***) Trích trong báo cáo của BCH Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày.

Cuối tháng 8/2022

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).