Video người dân Cẩm Xuyên phấn khởi vì dưa chuột trái vụ được giá.
Xã Cẩm Sơn có 9 thôn thì có 4 thôn trồng dưa chuột trái vụ với tổng diện tích hơn 5 ha. Thời tiết năm nay hạn hán lâu ngày, đến vụ đông thì liên tục có các đợt mưa bão nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất dưa. Song, nhờ những giải pháp về khoa học kỹ thuật trong canh tác nên sản lượng trung bình vẫn đạt từ 6 – 7 tạ/sào.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Nguyễn Trọng Phượng dẫn chúng tôi đến thôn Phúc Sơn. Gần như ở đây, hộ nông dân nào cũng trồng cây dưa chuột. Ông Phượng cho biết, giống dưa chuột ở đây là giống dưa địa phương, quả không to nhưng giòn, ngọt, ruột đặc nên được người tiêu dùng ưa thích. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi.
Dưa chuột trái vụ có mức giá giao động từ 10 - 12 nghìn đồng/kg nên người trồng dưa rất phấn khởi.
Gia đình bà Nguyễn Thị Phương là một trong những hộ dân trồng dưa chuột sớm nhất trong xã. Những ngày này, gia đình bà đang cố thu hoạch “mót” những lứa dưa cuối cùng và chuẩn bị xuống giống vụ mới. Bà chia sẻ: “Từ tháng 7 âm lịch tôi đã xuống giống với diện tích hơn 3 sào, sau gần 2 tháng thì dưa chuột cho thu hoạch. Trong hơn 1 tháng qua, gia đình tôi thu hoạch khoảng 2 tấn dưa, với giá bán khoảng 10 nghìn đồng/kg, thu về gần 20 triệu đồng”.
Gia đình bà Nguyễn Thị Thanh đã thu về hơn 6 triệu đồng từ dưa chuột trái vụ.
Những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh cũng bận rộn hơn ngày thường bởi đã vào vụ thu hoạch dưa chuột. Bà Thanh tâm sự, mình chỉ cần hái rồi thương lái đến mua tận nhà với giá khoảng 10 nghìn đồng/kg. Còn nếu chịu khó vận chuyển ra chợ thì bán được giá cao hơn. Tính ra, trồng 2 sào, mỗi ngày vợ chồng tôi hái hơn 5 yến dưa chuột. Dù chưa đến nửa vụ thu hoạch nhưng đã bán được 6 triệu đồng. Vụ này, dưa dễ tiêu thụ và được giá nên chúng tôi phấn khởi lắm.
Theo ông Nguyễn Trọng Hùng, cây dưa chuột dễ trồng, ít chi phí chăm sóc.
Còn nông dân Nguyễn Trọng Hùng cho hay, trồng dưa chuột chi phí thấp, giống truyền thống của địa phương, phân chuồng cũng có sẵn từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi sào dưa vụ đông tính ra cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Sơn Nguyễn Trọng Phượng thông tin thêm: Cây dưa chuột ở Cẩm Sơn chủ yếu được trồng trong vườn hộ. Để đảm bảo chất lượng và nhằm sản xuất nông sản an toàn, xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật canh tác cũng như kỹ năng tiếp cận thị trường cho hàng trăm hội viên nông dân. Đây cũng là cơ sở để địa phương hình thành và phát triển vùng sản xuất dưa an toàn theo hướng hàng hóa.
Dưa chuột ở Cẩm Sơn là cây trồng truyền thống, được người dân lưu giống từ năm này qua năm khác.
Ông Hoàng Văn Hiệp - Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết, thời gia gần đây, xã khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn, trong đó có trồng dưa chuột - một trong những cây trồng có thế mạnh của địa phương. Trước đây, chỉ có một số hộ trồng tự phát nhưng nhờ hiệu quả cao nên đến nay có rất nhiều hộ dân trồng dưa. Đây là cây trồng truyền thống nên địa phương đang cố gắng để xây dựng trở thành sản phẩm OCOP.