Trữ lượng nước ngầm nhiễm mặn vùng ven biển Hà Tĩnh có xu hướng tăng

(Baohatinh.vn) - Theo kịch bản, đến năm 2020, trữ lượng nước nhạt các địa phương ven biển Hà Tĩnh giảm gần 0,5%, ngược lại, trữ lượng nước nhiễm mặn tăng hơn 1%.

Trữ lượng nước ngầm nhiễm mặn vùng ven biển Hà Tĩnh có xu hướng tăng

Bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỉnh Hà Tĩnh

Đây là kết quả nghiên cứu đề tài KH&CN: Tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước ngầm vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh và đề xuất giải pháp quản lý bền vững" do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu chủ trì thực hiện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo kịch bản dự báo đến năm 2020 và 2030, trữ lượng nước nhạt có xu hướng giảm so với thời kỳ nền (1986 - 2005). Trong năm 2020, trữ lượng nước nhạt trung bình năm giảm khoảng từ 0,23% - 0,41%; đến năm 2030, trữ lượng nước nhạt trung bình năm giảm từ 0,30% - 0,48%.

Ngược lại, trữ lượng nước nhiễm mặn có xu hướng tăng so với thời kỳ nền, đến năm 2020, trữ lượng nước nhiễm mặn trung bình năm tăng khoảng từ 1,00% - 1,36%; đến năm 2030, trữ lượng nước nhiễm mặn trung bình năm tăng khoảng từ 1,06% - 1,42%.

Trữ lượng nước nhiễm mặn trung bình năm các thời kỳ 2016 - 2035, 2046 - 2065 và 2080 - 2099 tăng so với thời kỳ nền lần lượt là 1,03%, 1,13% và 1,75%.

Trữ lượng nước ngầm nhiễm mặn vùng ven biển Hà Tĩnh có xu hướng tăng

Nước giếng ở xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) bị nhiễm mặn nặng.

Trên cơ sở phân tích đánh giá tác động của các yếu tố tự nhiên đến nước ngầm, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp kỹ thuật công nghệ khai thác và bảo vệ, quản lý tài nguyên nước dưới đất gồm: Các giải pháp kỹ thuật khai thác nước dưới đất; giải pháp sử dụng nước; giải pháp bảo vệ và phòng tránh suy thoái nguồn nước, giải pháp quản lý và điều tra nhằm bổ sung nguồn thông tin khoa học về các tầng chứa nước để có điều kiện quản lý, phát triển bền vững tài nguyên nước.

Theo tính toán trữ lượng nước dưới đất tại khu vực nghiên cứu, hiện nay, nước dưới đất vẫn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cụ thể, trữ lượng nước nhạt khu vực nghiên cứu vào khoảng 9 km3, trong khi lượng khai thác chỉ vào khoảng hơn 3 triệu m3/tháng.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài là vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Hà Tĩnh bao gồm 10 đơn vị hành chính. Cụ thể, gồm toàn bộ huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Lộc Hà, TX. Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh và một phần các địa phương Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TX. Kỳ Anh.

Chủ đề Tài nguyên – môi trường

Đọc thêm

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.