Trung thu và văn hóa Việt

(Baohatinh.vn) - “Trung thu là tết thiếu nhi/ Mà sao người lớn lại đi là nhiều...” - Những câu thơ mang tính trào lộng của Bút Tre làm nhiều người vẫn tưởng rằng, Trung thu chỉ là thuần túy của thiếu nhi. Trên thực tế, Trung thu là ngày tết của cộng đồng, gắn với tinh thần vui vẻ dân gian. Tuy vậy, trước sự đổi thay của thời cuộc, ít nhiều hình thức trong lễ Tết Trung thu đã không còn như trước.

Vui hội trăng rằm

Đi từ triết lý...

Trung thu, nghĩa là giữa mùa thu. Đó là thời khắc đẹp của nhiều mối giao hòa giữa thiên nhiên, con người và tạo vật. Là chủ thể đặt trong quan hệ thiên - địa (thiên - địa - nhân), trước phong cảnh giao hòa của đất trời với vầng trăng tròn và gió mát, con người đã nghĩ đến những khoảnh khắc tương giao với trời (ngắm trăng), giao hòa với nhau (tổ chức mâm cỗ). Đó là tiền đề để hình thành nên Tết Trung thu - một cái tết thể hiện ứng xử với thiên nhiên, cũng đồng thời là ứng xử với nhau trong đời sống.

Trung thu ngày trước, dĩ nhiên, có nguồn gốc từ Trung Hoa (theo một số sử sách thì bắt đầu từ đời nhà Đường), người ta uống rượu thưởng trăng, tìm sự cảm khái trước tạo vật. Bởi vậy, Tết Trung thu, nhiều người vẫn còn gọi là Tết trông trăng. Trông trăng để tìm vẻ đẹp, tâm lý đó thì đã đành, nhưng trên hết, với người xưa, trông trăng còn là để đoái vọng về không gian thần tiên trên cung trăng gắn với sự tích vua Duệ Tông được tiên ông đặt cầu vồng trèo lên đó. Người ta ngắm trăng bởi trăng gắn với nhiều huyền thoại, từ đó thả hồn mình mơ mộng theo những câu chuyện tưởng tượng nhiều hơn là thực tế. Đó có thể là chuyện về ngọc thỏ, con thiềm thừ gắn với Hằng Nga, rồi chuyện dân gian Việt Nam về chàng Cuội... Từ những tình cảm ấy, trăng tự nhiên gần gũi với nhịp sống của con người hơn các hành tinh khác. Nếu như mặt trời tượng trưng cho sự bất biến, trong khi đời người ai có thể giữ mãi được hình thù, thì mặt trăng lại là biểu hiện của chuyển dịch. Bởi thế, trông trăng vào mùa thu còn là một hành động để xét đoán thời tiết xem mùa đông năm ấy rét hay ấm nhiều hơn.

Cũng phải nói rằng, những ứng xử ấy chỉ khởi phát khi thời gian nhàn nhã, không gian như không đổi thay, tư duy của con người thiên về cảm nhận nhiều hơn là lý tính khoa học. Xem hoa thưởng nguyệt, nhấp rượu làm thơ, nhìn trăng đoán thời tiết vào dịp Trung thu... chỉ có thể trong bối cảnh xưa cũ ấy.

.... đến tết cho nhau và cho con trẻ

Tết trông trăng xưa, trong bối cảnh nông nhàn, người ta bày cỗ bánh trái hình mặt trăng, trưng đèn kết hoa, nhảy múa hát ca và nhiều nơi tổ chức rước đèn, múa lân náo nhiệt. Để cảm khái trước cái đẹp, văn nhân thi sĩ thường làm thơ ứng tác ngay bên mâm cỗ Trung thu. Người ta còn làm ra hình ông nghè, tiến sĩ để giáo dục, thôi thúc thế hệ trẻ theo đuổi học hành. Chính từ hình tiến sĩ ấy mà Nguyễn Khuyến đã mượn “cũng cờ cũng biển cũng cân đai” (của hình tiến sĩ bằng giấy) để chế nhạo những tiến sĩ... không “xịn” ngày trước.

Mua bánh trung thu - hình ảnh thường thấy mỗi dịp trung thu về.

Nhiều nơi trong dịp Trung thu, người ta tổ chức thi làm bánh Trung thu để tôn vinh những bàn tay khéo léo của các bà, các chị. Người ta treo đèn, kết hoa để mâm cỗ thêm sắc màu cho cuộc thi thêm tưng bừng, vui nhộn. Cũng trong Tết Trung thu, người ta làm quà bánh biếu ông bà, cha mẹ, thầy giáo, bạn bè, anh em. Để cho trẻ em vui thỏa thích, nhiều nơi tổ chức rước đèn và thi rước đèn để ca ngợi những bàn tay khéo léo trong việc làm hình mặt trăng, hình các linh vật trên cung trăng trong huyền thoại. Trai gái nhiều nơi, theo tục kể lại, còn tổ chức hát trống quân đối đáp với nhau. Hình thức hát chủ yếu là hát vận (hát theo vần), hát theo ý và hát đố, nhờ đó làm phong phú thêm các hình thức đối đáp ứng khẩu. Theo Ông Văn Thôn trong Văn hóa Nguyệt san, số 23 tháng 5/1957, tục hát trống quân mới có từ đời vua Quang Trung. Khi đó, muốn cho binh sĩ đã đánh Đông dẹp Bắc quên nỗi nhớ nhung cố quận, vị anh hùng áo vải đã cho họ các giờ nhàn rỗi vào những đêm trăng, cùng nhau hội họp vừa hát, vừa đối. Hình thức là, một bên nam, một bên giả nữ, vừa hát đối, vừa đánh nhịp vào một đường dây thép căng trên chiếc thùng rỗng. Nhân dân thấy thú vị nên bắt chước và áp dụng vào ngày rằm tháng Tám âm lịch hằng năm.

Nói đến Trung thu, không thể không nói đến múa sư tử, còn gọi là múa lân. Ngày trước, múa sư tử được tiến hành từ mồng bảy, mồng tám trở ra, có những đám toàn người lớn, có những đám riêng cho trẻ em. Người lớn thường họp đoàn lân vào những đêm gần đêm rằm, trẻ em thì tổ chức sớm hơn. Trong ngày này, các tư gia thường treo các giải để các con lân múa và nhảy lên lấy. Giải thưởng bằng tiền treo trên cao, những người trong lân buộc dựa vào nhau nối thành thang mới lên giật được. Nhiều gia đình còn tổ chức đốt pháo để tán thưởng lân. Những hình thức ấy vô tình trở thành cuộc thi thố không cần giám khảo nhưng vui nhộn. Các đám lân thường gồm một người đội đầu lân và múa, khi chồm lên khi chúi xuống; một người cầm đuôi lân múa theo người kia; một người đi trước đóng vai ông địa, mặc quần dài trắng, cầm quạt phe phẩy, nhảy múa linh hoạt. Trong múa lân thường có những người đánh trống huyên náo khắp các nẻo đường.

Và cái tết nhuốm sắc màu kỹ nghệ

Ngày nay, nhắc đến Trung thu, người ta thường nghĩ về tết chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ. So với ngày trước, trẻ nhỏ trong dịp Trung thu nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và các tổ chức xã hội. Không chỉ trẻ em thành thị mà trẻ em nông thôn cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Hầu hết các thôn xóm, đoàn thanh niên đều tổ chức cho trẻ rước đèn, vui các trò chơi và cùng nhau ăn kẹo. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động không tích cực đến các đêm hội trăng rằm. Các loại đèn phục vụ cho đêm rước không chỉ có đèn ông sao mà có nhiều loại, mang nhiều hình thù, màu sắc không ra vẻ hiền lành, dễ chịu (như các con thú màu đỏ, màu vàng, các loại đèn cá). Các loại đèn này cũng như nhiều loại trò chơi được sản xuất bằng các vật liệu không an toàn mà chủ yếu là nhựa tái chế, kèm theo các bản nhạc rẻ tiền cài sẵn. Nguồn gốc xuất xứ của chúng hầu hết không rõ ràng, hoặc có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Điều đáng nói, đồ chơi của Trung thu ngày nay hầu hết đều mua sẵn. Không có các loại đồ chơi, kể cả đèn rước do bố mẹ hoặc chính các em nhỏ làm. Điều này đã tác động đến tình cảm của trẻ dành cho trò chơi cũng như tới trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ.

Bên cạnh trò chơi, các hình thức múa lân cũng thay đổi, lân chỉ múa trong vài chục phút. Lân không còn được người ta treo thưởng, không có thi thố múa đẹp, múa hay mà chủ yếu là diễn trò để làm vui mắt trẻ con. Các hình thức thi làm mâm cỗ, tặng quà bánh cho người thân (người lớn tuổi) cũng không còn. Tục hát trống quân, theo đó, cũng chỉ còn là chuyện trong sách vở.

Một cái tết giữa thu được tiếp thu từ Trung Hoa song mang đậm sắc màu dân tộc, với tính nổi trội là dân dã, dân gian. Sự thay đổi của thời gian đã làm mai một ít nhiều vẻ đẹp của Trung thu, song bù lại, Trung thu giờ đã là của tất cả trẻ nhỏ. Đành rằng, để trẻ nhỏ vui vẻ và an lành với Trung thu, việc kiểm soát các đồ chơi không an toàn cần được thực hiện tốt. Ngoài ra, một số cơ quan, đơn vị khi tổ chức Trung thu cho trẻ cần tiết chế cảm xúc của người lớn (tránh việc uống rượu, chúc tụng nhau trước mặt trẻ con) để các đêm hội thực sự mang lại cảm giác tuyệt vời cho trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói