Hà Tĩnh tự hào khi cách đây 53 năm, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn chọn thôn 7, xã Hương Đô, huyện Hương Khê làm căn cứ chiến đấu, tiếp sức cho chiến trường miền Nam, nơi đặt Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Sở Chỉ huy Tiền phương Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500.
Hương Đô được xem là địa bàn tạo được sự bất ngờ đối với kẻ địch, bảo đảm được an toàn trong chiến tranh… Vào cuối năm 1965, đầu năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn ác liệt, để đáp ứng yêu cầu vận chuyển vũ khí, đạn dược, nhân lực kịp thời chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 đã quyết định chuyển Sở Chỉ huy Tiền phương từ huyện Minh Hóa (Quảng Bình) về xã Hương Đô, Hương Khê. Lúc này, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó Chủ nhiệm kiêm Tư lệnh Tiền phương Tổng cục Hậu cần.
Khu di tích cách đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn đi qua xã Hương Trà (Hương Khê) 500m
Với lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm, người dân Hương Đô đã nhường 20 ngôi nhà cùng với hàng chục ha vườn để bộ đội xây dựng cơ sở phục vụ tác chiến như: Nhà Sở Chỉ huy; hội trường hội họp và sinh hoạt văn nghệ; bộ phận hậu cần; bộ phận thông tin liên lạc... Đường làng, ngõ xóm, đình, nhà thờ họ, nhà dân đều trở thành nơi chứa hàng hóa, lương thực, thực phẩm của Nhà nước và quân đội. Nhân dân Hương Đô với tinh thần cách mạng cao độ đã che chở, bao bọc, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn.
Ông Phan Văn Đệ - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Khê trò chuyện cùng phóng viên Báo Hà Tĩnh
Ông Phan Văn Đệ - nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Khê nhớ lại: “Năm 1966, khi là Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tôi may mắn có cuộc gặp đầu tiên với ông Đồng Sỹ Nguyên. Ngày đó, ông Nguyên cùng tướng Hoàng Văn Thái (lúc đó là Tư lệnh Đoàn 559), ông Phan Trọng Tuệ (Bộ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ) đến gặp tôi, ông Lê Hữu Kính (Chủ tịch UBND huyện) và ông Đặng Tụy (Bí thư Huyện ủy) để bàn về việc mở con đường sông ở 4 trạm: Trúc (xã Hà Linh), rú Khoai Vạc (xã Hương Thủy), Hương Phố (nay là xã Gia Phố) và nhà thờ Lộc Yên (xã Lộc Yên). Kể từ thời gian đó trở đi, chúng tôi thường xuyên gặp nhau để họp bàn nhiều phương án, kế hoạch quan trọng. Có lúc nếu không thể gặp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên viết thư tay gửi cho cán bộ huyện để triển khai kế hoạch”.
Trong ký ức người cán bộ huyện năm xưa, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn là một người tài ba, tính toán liệu việc như thần và cũng rất chu đáo, quan tâm đến anh em chiến sỹ. Chỉ riêng việc ông dành từng gói lương khô, thực phẩm hay từng chiếc quần gửi tặng dân quân trực chiến đã đủ nói lên sự sát sao trong mọi việc. “Lần cuối tôi gặp lại Trung tướng là vào khoảng năm 1989 - lúc đó, tôi với cương vị là Bí thư Huyện ủy ra thăm sức khỏe ông và xin ông cho ý kiến về Đại đội chủ lực giao thông Hương Khê. Ông hỏi thăm rất nhiều về tình hình quê hương - nơi ông từng có những năm tháng gắn bó” - ông Phan Văn Đệ bùi ngùi.
Năm 2005, quần thể Khu di tích Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia; năm 2013, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đặc biệt trong hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, nhân dân trong và ngoài vùng.
Khu di tích lịch sử kháng chiến quốc gia Sở Chỉ huy Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 và Đoàn 500 (đóng tại thôn 7, xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh). Đây là nơi được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn đặt Sở chỉ huy từ năm 1966 - 1970.
Thầy Lê Khắc Ngọ - Bí thư Đoàn trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê) cho biết: Từ năm 2008, khi học các tiết học lịch sử về chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhà trường đều tổ chức cho các lớp về ngay tại khu di tích để tìm hiểu lịch sử, qua đó giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng của dân tộc cũng như quá trình đấu tranh của dân tộc ta. Hàng năm, nhà trường đều phối hợp với xã Hương Đô chăm sóc, vệ sinh cảnh quan khu di tích. Riêng từ đầu năm 2019, Đoàn trường chính thức đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc khu di tích; mỗi tuần đều có 30 - 40 học sinh tham gia vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan, trồng cây ở các bồn hoa xung quanh các điểm di tích...
Học sinh Trường THPT Phúc Trạch (Hương Khê) chăm sóc, vệ sinh cảnh quan khu di tích.
Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ: Người dân Hương Đô vô cùng tự hào về mảnh đất quê hương, nơi có 4 vị trung tướng từng sinh sống và làm việc: Đồng Sỹ Nguyên - Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương kiêm Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Vũ Xuân Chiêm - Chính ủy Bộ đội Trường Sơn, Nguyễn Đôn - Tư lệnh Đoàn 500, Lê Quang Đạo - Chính ủy Đoàn 500 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước, Đảng bộ và nhân dân Hương Đô đang nỗ lực xây dựng quê hương phát triển vững mạnh, đưa xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2019.
Ảnh: Hà linh và từ nguồn internet
thiết kế: huy tùng