Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần
P.V: Bà có thể cho biết, căn cứ nào để xác định phạm vi bầu cử của cử tri?
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 29, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, việc lập danh sách cử tri căn cứ vào nơi cử tri thường trú hoặc tạm trú, không căn cứ vào nơi cử tri công tác, làm việc. Cụ thể mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri tại nơi mình thường trú hoặc tạm trú.
Theo đó, phạm vi tham gia bầu cử của cử tri được xác định như sau:
- Trường hợp cử tri bầu cử tại nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú mà thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên thì được tham gia bầu ĐBQH và đại biểu HĐND ở tất cả các cấp.
- Trường hợp cử tri bầu cử tại nơi đăng ký tạm trú, nếu thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì được tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND huyện nơi mình đang tạm trú.
Cử tri thôn 7 (xã Quang Thọ, Vũ Quang) tìm hiểu tiểu sử tóm tắt những người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh Văn Chung.
- Trường hợp vì lý do công tác mà cử tri không thể bỏ phiếu tại nơi đã có tên trong danh sách cử tri mà phải “bỏ phiếu ở nơi khác” (khác nơi thường trú, khác nơi tạm trú) thì cử tri được tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh ở nơi mình tham gia bỏ phiếu.
- Cử tri là lực lượng vũ trang tham gia bầu cử tại nơi đóng quân chỉ thực hiện việc bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện.
P.V: Thời gian qua, tại các địa phương ở Hà Tĩnh có nhiều công an chính quy về xã làm việc, bà có thể cho biết việc bầu cử của lực lượng công an xã sẽ diễn ra như thế nào?
Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần: Trường hợp là công an xã đang làm việc tại đơn vị hành chính khác với nơi mình đăng ký thường trú thì việc lập danh sách cử tri được thực hiện như sau:
- Nếu đăng ký bầu cử tại nơi thường trú thì được ghi tên vào danh sách cử tri để tham gia bầu ĐBQH và HĐND ở tất cả các cấp.
- Nếu đăng ký tạm trú tại nơi đang công tác, làm việc khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì có thể đăng ký ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú để tham gia bỏ phiếu. Nếu thời gian đăng ký tạm trú đủ từ 12 tháng trở lên thì được tham gia bầu ĐBQH và HĐND ở tất cả các cấp. Nếu thời gian đăng ký tạm trú chưa đủ 12 tháng thì được tham gia bầu ĐBQH và HĐND cấp tỉnh và cấp huyện tại nơi mình đang tạm trú (lưu ý: Thời gian đăng ký tạm trú, không phải thời gian làm việc hay công tác).
P.V: Xin cảm ơn bà!