Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

(Baohatinh.vn) - Truông Gió (xã Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh) trong những ngày mùa thu lịch sử như trở nên tĩnh lặng hơn. Từ đâu đó, trong vi vu tiếng gió luồn qua eo núi Động Hàn là âm hưởng tiếng trống Xô Viết. Vọng về từ Truông Gió là hình ảnh đấu tranh mạnh mẽ, sôi nổi của nhân dân ta những năm 1930 -1931…

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Truông Gió (Hồng Lộc, Lộc Hà), nơi diễn ra cuộc tập trung biểu tình đầu tiên trong phong trào Cách mạng Xô Viết ngày 1/8/1930 ở Hà Tĩnh

Chỉ là một con đường nhỏ băng qua eo núi, nơi giáp ranh giữa hai ngọn đồi trong dãy núi Động Hàn, nhưng cái tên Truông Gió đã trở thành địa danh lịch sử của phong trào đấu tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931. Không chỉ là “điểm hẹn” nhiều cuộc hội họp bí mật của các cán bộ Đảng, Truông Gió còn là nơi chứng kiến những cuộc tập trung biểu tình có quy mô lớn đầu tiên của nhân dân Can Lộc nói riêng và Hà Tĩnh nói chung dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay sau khi Đảng ta vừa mới ra đời.

Truông Gió những năm 1930 - 1931, trong ký ức những lão thành cách mạng là một ngọn đuốc sáng bừng khí thế. Ông Nguyễn Văn Xân - đảng viên 65 tuổi Đảng ở thôn Trung Sơn (xã Hồng Lộc) nhớ lại: “Truông Gió trước năm 1945 là một vùng heo hút, địa hình hiểm trở, rừng nhiều cây cổ thụ rậm rạp, xa làng xóm nên ít người qua lại. Nhưng cũng chính vì thế mà nơi đây là điểm hẹn bí mật cho các cuộc gặp gỡ và nhất là cuộc tập hợp lực lượng quần chúng nhân dân vùng hạ Can Lộc vào ngày 1/8/1930”.

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Địa danh Truông Gió được nhắc nhiều lần trong sách lịch sử ghi lại các cuộc biểu tình Xô Viết ở Can Lộc. Ảnh: Ông Nguyễn Văn Xân và bà Nguyễn Thị Thiện ôn lại lịch sử Truông Gió cùng một bạn trẻ

Cuốn Lịch sử Xô Viết Can Lộc (do Ban Thường vụ Huyện ủy Can Lộc xuất bản năm 1974), cũng ghi rõ: “Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (3/2/1930), vào tháng 7/1930, nhận thấy phong trào quần chúng đấu tranh dâng cao mạnh mẽ, đặc biệt là khu vực hạ Can Lộc, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh chủ trương tổ chức kỷ niệm ngày chống chiến tranh đế quốc (1/8/1930) trong toàn tỉnh, trong đó, chủ yếu lấy lực lượng biểu tình ở vùng hạ Can Lộc.

Mờ sáng ngày 1/8/1930, tại Truông Gió, gần 1.000 nông dân được tập hợp. Tại đây, các đồng chí Hoàng Khoái Lạc và Hồ Ngọc Tàng (cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ) thay mặt ban lãnh đạo nói chuyện về âm mưu của đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều, về mục đích, ý nghĩa của cuộc biểu tình kỷ niệm ngày “Quốc tế xích Nhật”, kêu gọi nhân dân tham gia. Tinh thần của quần chúng càng thêm hăng hái. Dưới sự dẫn đầu của các đồng chí trong ban lãnh đạo Xứ ủy Trung Kỳ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Huyện ủy Can Lộc, đoàn biểu tình đã giơ cao và hô vang khẩu hiệu đòi yêu sách tiến về trung tâm hành chính huyện Can Lộc nơi thực dân Pháp đang nắm chính quyền…”.

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Gốc đa Giếng Chua (thôn Trung Sơn, Hồng Lộc, Lộc Hà) nằm trước ngõ nhà ông Hồ Đôi và cũng nằm cạnh đồn Pháp trước năm 1945

Thắng lợi của cuộc đấu tranh đầu tiên như tiếp thêm niềm tin và ý chí, ngay sau đó, tại Truông Gió, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cuộc tập hợp lực lượng quần chúng chuẩn bị cho mít tinh, biểu tình thị uy lực lượng đã diễn ra. Tiêu biểu là cuộc biểu tình với quy mô hơn 1.000 nông dân vùng hạ và thượng Can Lộc tại Nghèn vào ngày 7/9/1930. Cuộc mít tinh làm lễ truy điệu 2 đồng chí bị thực dân Pháp bắn chết ở Vinh trước đó, vào ngày 12/10/1930 quy tụ hơn 1.500 nông dân... Cũng từ sau những cuộc biểu tình này, nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân đã diễn ra khắp nơi trên toàn tỉnh, mở đầu cho cao trào Xô Viết, là tiền đề cho phong trào Cách mạng dân chủ (1936 – 1939) và phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc (1939 -1945) thắng lợi sau này.

Truông Gió là địa danh chứng kiến sự khởi nguồn của phong trào đấu tranh cách mạng. Truông Gió chứng kiến khí thế sôi nổi, ngút ngàn của ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của quần chúng nhân dân Can Lộc. Nhưng Truông Gió nói riêng và xã Phù Lưu Thượng (nay là Hồng Lộc, Lộc Hà) nói chung cũng chứng kiến những sự hy sinh cao cả của những chiến sĩ cách mạng đầu tiên trên mảnh đất này.

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Nhà ông Hồ Đôi là nơi diễn ra Đại hội Đảng Bộ huyện Can Lộc lần thứ nhất vào giữa tháng 8/1930. Ảnh: Bà Nguyễn Thị Thiện, cháu ngoại ông Hồ Đôi

Cán bộ thời kỳ đó vẫn còn nhớ rõ sự hy sinh của đồng chí Hồ Ngọc Tàng (cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ). Sau cuộc mít tinh tại Truông Gió ngày 12/10/1930, đồng chí đã bị bắt. Trước khi bị giặc sát hại, đồng chí ngẩng cao đầu nhắn nhủ đồng bào, đồng chí: “Sống làm nô lệ chi cho thối, chết vì sơn hà rứa cũng cam”.

Cho đến nay, những câu chuyện hy sinh anh dũng của cha ông vẫn được các thế hệ con cháu kể lại. Và khi đến tìm hiểu địa danh Truông Gió, tôi đã được biết đến câu chuyện đầy cảm động và cao quý của một gia đình có 4 người là đảng viên, cán bộ hoạt động cách mạng trong những ngày đầu tiên. Đó là gia đình ông Hồ Đôi (bí danh là Hồ Hách, tên thường gọi là thầy Khoái), ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà.

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Bà Thiện xúc động khi kể về người cậu ruột- ông Hồ Phối - từng bị địch bắt tra tấn dã man ngay tại làng. Ông Hồ Phối (1930 -1945) là một trong 5 đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Phù Lưu Thượng (Hồng Lộc, Lộc Hà). Di ảnh của ông được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Bà Nguyễn Thị Thiện (90 tuổi, thôn Trung Sơn) cho biết: Ông ngoại Hồ Đôi của bà vốn hành nghề thầy thuốc, có con gái đầu là Hồ Thị Khoái nên người làng thường gọi là thầy Khoái. Nhà ông ở sát ngay đồn Giếng Chua của Pháp. Tuy nhiên, cả gia đình bà đều sớm giác ngộ cách mạng. Để qua mặt địch, nhà ông trở thành điểm hẹn, hội họp bí mật của các cán bộ cách mạng. Rồi ông tham gia cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 và bị bắt ở Truông Gió. Ông đã bị tra khảo dã man ở nhà tù thành phố Vinh, sau 3 năm ra tù, ông bị bệnh và qua đời.

Con gái của ông Hồ Đôi (bà Hồ Thị Khoái và bà Hồ Thị Nữu) cũng bị giặc truy đuổi, bắn chết ở Thạch Hà và Hương Khê. Đặc biệt, ông Hồ Phối - con trai ông Hồ Đôi cũng tham gia cách mạng và bị giặc bắt tại giếng Ong (gần Truông Gió) cuối năm 1930. Ông bị thực dân Pháp đày giam tại nhà tù Buôn Mê Thuột, phải chịu những cực hình tra tấn dã man ngay tại chỗ. Về sau, đến tháng 10/1945, ông Hồ Phối được giải phóng khỏi nhà tù và cũng qua đời do di chứng của đòn roi tra tấn.

Truông Gió - Tiếng vọng mùa thu...

Một góc xã Phù Lưu Thượng (Hồng Lộc, Lộc Hà) ngày nay, nơi chứng kiến phong trào cách mạng Xô Viết (30-31) sôi nổi

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là cột mốc chói lọi, là tiếng chuông đầu tiên ngân vang tinh thần, ý chí đấu tranh đánh đổ thực dân, đế quốc, chế độ phong kiến của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Và Truông Gió như một chứng nhân lịch sử mãi ngân vang khát vọng mùa thu độc lập dân tộc của người dân Can Lộc, Lộc Hà nói riêng và người dân Hà Tĩnh nói chung.

Chủ đề CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9

Đọc thêm

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Nỗ lực đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 và cả nhiệm kỳ

Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh rà soát mục tiêu, chỉ tiêu KT-XH năm 2024 và các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; đề ra phương hướng, nhiệm vụ, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và cả nhiệm kỳ.