Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC) và bị can Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bị truy nã).
Bị can Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”.
Bị cáo Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Bị can Trịnh Huy Cường (cựu Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định và Tư vấn xây dựng Đồng Nai) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhóm bị can còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo cáo trạng, Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập và điều hành hoạt động Công ty AIC, đồng thời giữ các chức danh: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc từ năm 2005 - tháng 9/2020 và là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Công ty AIC đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh trang thiết bị, dụng cụ y tế, thiết bị xử lý môi trường, xử lý nước thải. Quá trình điều hành công ty, Nguyễn Thị Thanh Nhàn yêu cầu lãnh đạo và nhân viên Công ty AIC phải thực hiện “Quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng” của Công ty cổ phần Tri thức và Công nghệ cao Quốc tế (viết tắt là Công ty TCI - công ty con của Công ty AIC), trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật Đấu thầu.
Từ năm 2003, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã có quan hệ quen biết với Trần Đình Thành, khi đó đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Năm 2007, trước khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp và nhờ Trần Đình Thành (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) mời lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh Đồng Nai ăn trưa để giới thiệu Công ty AIC và nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia các dự án của tỉnh.
Nhàn còn giới thiệu Hoàng Thị Thúy Nga (khi đó là Trưởng Ban quản lý Dự án phụ trách khu vực phía Nam của Công ty AIC) với Trần Đình Thành để phối hợp thực hiện. Sau đó, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga đã nhiều lần gặp gỡ Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái (khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai), Bồ Ngọc Thu (khi đó là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), đề nghị tạo điều kiện để Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn (trên cùng bên trái) và những bị can khác trong vụ án.
Năm 2010, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai chuẩn bị thực hiện thủ tục bổ sung vốn đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào dự án, Bồ Ngọc Thu báo cáo Trần Đình Thành về khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đầu tư thiết bị thì Trần Đình Thành điện thoại cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn đề nghị Nhàn giúp tỉnh Đồng Nai xin vốn Trung ương hỗ trợ cho dự án và được Nhàn đồng ý.
Trước khi UBND tỉnh Đồng Nai ra quyết định bổ sung đầu tư thiết bị y tế chuyên môn vào dự án (tháng 7/2010), Hoàng Thị Thúy Nga đến gặp và mời Trần Đình Thành ăn cơm trưa. Thành điện thoại cho Phan Huy Anh Vũ đến ăn cơm cùng tại một nhà hàng. Tại đây, Trần Đình Thành giao cho Phan Huy Anh Vũ tạo điều kiện để Công ty AIC trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế của Dự án do Công ty AIC có khả năng và uy tín, có nhiều mối quan hệ với Trung ương và có công xin vốn cho tỉnh.
Đầu năm 2013, khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận cho thuê đơn vị tư vấn để điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn phù hợp với tình hình thực tế, Nguyễn Thị Thanh Nhàn giới thiệu Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty Liên doanh TNHH Tư vấn y tế Mediconsult Việt Nam (viết tắt là Công ty Mediconsult) với Phan Huy Anh Vũ để Vũ chỉ định công ty này thực hiện tư vấn điều chỉnh danh mục thiết bị y tế chuyên môn, lập hồ sơ mời thầu (viết tắt là HSMT) và đánh giá hồ sơ dự thầu (viết tắt là HSDT) các gói thầu thiết bị.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo nhân viên Công ty AIC phối hợp cùng nhân viên Công ty Mediconsult làm việc với Bệnh viện về việc đề xuất danh mục thiết bị y tế cần điều chỉnh, bổ sung; thu thập báo giá thiết bị gửi cho Công ty Mediconsult để tư vấn cho chủ đầu tư lập tờ trình đề nghị phê duyệt danh mục thiết bị y tế của dự án.
Sau khi UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt danh mục thiết bị y tế và kế hoạch đấu thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga chỉ đạo nhân viên liên hệ các hãng, các đơn vị cung cấp để thu thập thông số kỹ thuật và đơn giá thiết bị; xác định lợi nhuận dự kiến để làm cơ sở cho việc xây dựng và phê duyệt dự toán gói thầu nhằm bảo đảm mức lợi nhuận mong muốn khi trúng thầu.
Phan Huy Anh Vũ giới thiệu để Hoàng Thị Thúy Nga thống nhất với Nguyễn Công Tiến, nhân viên Công ty Thẩm định giá Đồng Nai (sau này là Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế Hệ Mới) về việc lập Chứng thư thẩm định giá theo giá Công ty AIC đề nghị.
Hoàng Thị Thúy Nga sau đó chỉ đạo nhóm kỹ thuật Công ty AIC lập các báo giá khống (báo giá được nâng từ 1,3 đến 2 lần so với giá thực tế của thiết bị) để gửi một số công ty ký xác nhận rồi chuyển cho Nguyễn Công Tiến để làm căn cứ xác định giá thiết bị trong Chứng thư thẩm định giá. Căn cứ vào các Chứng thư thẩm định giá này, chủ đầu tư phê duyệt dự toán các gói thầu, lập và trình phê duyệt HSMT.
Để đảm bảo Công ty AIC có đủ năng lực dự thầu, Nguyễn Thị Thanh Nhàn chỉ đạo Đỗ Văn Sơn, Kế toán trưởng và Lê Thị Hương - nhân viên kế toán chỉnh sửa các số liệu trong báo cáo tài chính năm 2010, 2011, 2012, 2013 của Công ty AIC để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn (từ nhỏ hơn 1 thành lớn hơn 1) và tăng vốn chủ sở hữu so với báo cáo tài chính đã báo cáo cơ quan Thuế; sau đó thuê đơn vị kiểm toán là Công ty Kiểm toán TKV xác nhận báo cáo tài chính đã chỉnh sửa để đưa vào HSDT.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn chỉ đạo Hoàng Thị Thuý Nga và nhân viên mua hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu cho cả công ty “quân đỏ” và công ty “quân xanh” để nộp hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.
Hành vi trên của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị 665 tỉ đồng.
Ngày 3/11/2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Đồng Nai ban hành 16 kết luận định giá xác định: 14/16 gói thầu nêu trên gây thiệt hại 148 tỉ đồng (gói thầu số 56 và số 65 không có thiệt hại).
Ngoài ra, Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn ký và chỉ đạo Trần Mạnh Hà ký các phụ lục hợp đồng với Chủ đầu tư để điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng trái quy định tại Điều 57 Luật Đấu thầu năm 2005 (tương ứng Điều 67 Luật Đấu thầu năm 2013), gây thiệt hại số tiền hơn 3,5 tỉ đồng. Tổng số tiền thiệt hại là hơn 152 tỉ đồng.
Đối với hành vi “Đưa hối lộ” của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cáo trạng xác định, để thực hiện quản lý việc thu, chi đối ngoại, Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập Ban Thư ký tài chính do Nguyễn Thị Thu Phương làm Trưởng ban. Nguồn tiền do các công ty hợp tác chuyển về thông qua việc ký hợp đồng mua bán hàng hóa nâng giá trị hoặc ký hợp đồng mua hàng hóa với đối tác bên ngoài với giá cao, sau đó đối tác ký xác nhận giảm giá, chuyển lại tiền cho Công ty AIC, rồi được rút, chuyển nhập quỹ của Ban.
Căn cứ lời khai của các bị can, cáo trạng xác định: Để được tạo điều kiện trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chi tiền hối lộ cho Trần Đình Thành, Đinh Quốc Thái, Phan Huy Anh Vũ tổng số 43,8 tỉ đồng.
Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai được thành lập từ năm 1902. Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định giao Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, quy mô 700 giường giai đoạn 1, phát triển lên 1.400 giường trong tương lai. Sau nhiều lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư của dự án lên 2.076 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị là 1.009 tỉ đồng.
Dự án khởi công tháng 12/2008, hoàn thành và đưa vào sử dụng tháng 4/2015.
Công ty AIC là doanh nghiệp được cổ phần hóa từ Trung tâm Xuất khẩu lao động Tralacen thuộc Công ty Xây dựng và Thương mại, sau đó chuyển thành Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại của Bộ Giao thông Vận tải. Sau đó, Công ty AIC mở rộng lĩnh vực kinh doanh và trở thành một tập đoàn đa ngành hoạt động trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ.