Thì cũng mệt mỏi lắm, mỗi sáng đi làm cứ phải chen chân trong đám đông chẹt cứng, nhích từng bước một.
Nhưng tám triệu người khác sống được, sao mình lại không chứ. Việt không về nữa. Việt chỉ nói vậy. Còn những điều khác, Cầm phải tự hiểu. Mà Cầm vốn chậm hiểu lâu nay, trong mối quan hệ với Việt.
Cầm dạy ở trường mầm non cách nhà mấy bước chân. Ngày nhỏ, Cầm cũng học ở đây, chơi ở đây, tô màu, nặn đất sét ở đây.
Trong album ảnh gia đình, có tấm hình Cầm mặc bộ trang phục màu vàng chói, đội chiếc khăn vàng lóng lánh kim tuyến, tô môi son đỏ chót, hai má bôi phấn hồng đậm như ai dán hai miếng giấy màu lên.
Tấm hình chụp năm Cầm năm tuổi, sau buổi văn nghệ chào năm mới của trường mầm non. Tiết mục Cầm biểu diễn là múa Ấn Độ, chung với mấy đứa con gái khác, cũng môi đỏ chót, má dính hai miếng giấy màu hồng đậm.
Việt không về nữa. Vậy mà thỉnh thoảng, đang ngồi tô vẽ cắt dán đồ dùng dạy học, nào đồng hồ, ông mặt trời, cây nấm, tàu lửa từ muỗng nhựa, vỏ chai, nắp lon cũ, Cầm phải bỏ dở vì Việt gọi. “Việt đang ngồi một mình ở quán chỗ ngã tư”.
Cầm lại đi bộ ra chỗ ngã tư, ngồi sau lưng cho Việt chở vòng quanh các con phố ngày xưa hai đứa đèo nhau bằng xe đạp. Việt nhắc đủ thứ chuyện xưa xa. Chuyện Cầm lần đầu tiên cắt tóc đờmi tém bị ba mắng cho té tát, nhốt không cho ra ngoài cả tuần liền.
Chuyện hai đứa đi học thêm buổi tối về, gặp trời mưa, rúc chung một cái áo mưa rách. Việt nói, cười. Rồi Việt chở Cầm về, dừng xe chỗ ngã tư, Cầm đi bộ vào nhà.
Cầm không nhớ chính xác nhận lời Việt từ bao giờ. Hay là không có nhỉ? Bao nhiêu mùa mưa đã trôi qua cái thị xã nhỏ bé này rồi. Cầm cũng từng có nhiều mơ ước.
Năm đó, Cầm cùng vào Sài Gòn thi đại học với Việt, điểm vừa đủ đậu ngành luật. Nhưng rồi mẹ bệnh nặng, Cầm gói cất giấc mơ làm luật sư, ở nhà chăm mẹ, tranh thủ đăng ký học làm cô giáo mầm non ở trường cao đẳng cách nhà hai cái ngã tư.
Làm cô giáo mầm non không phải là ước mơ, nhưng là lựa chọn khả dĩ nhất của Cầm. Điều may mắn là Cầm rất yêu bọn trẻ, chỉ xa chúng vài ngày nghỉ ốm là đã thấy nhớ không chịu nổi, dù ngày nào cũng có đứa ọe trong khi ăn, đái dầm khi ngủ trưa.
Thị xã nhỏ bé của Cầm vẫn giữ được vẻ bình yên dù đã khang trang hơn nhiều so với thời Cầm còn học phổ thông.
Việt nói, Việt ở Sài Gòn quen rồi, về chơi năm bảy ngày thì được chứ ở hẳn thì chịu không thấu. Việt nói, nơi đây chỉ hợp với những người như Cầm, những người khước từ sự sôi động, và dễ bằng lòng với cuộc sống.
Việt nói, khi đang chở Cầm ngang cổng trường cấp ba, chỗ hai đứa gặp nhau lần đầu. Hôm đó, nắng trưa chói lóa, Cầm đang dắt xe ra khỏi cổng thì bị xỉu, té cái rầm, xe đè lên người.
Khi tỉnh dậy, Cầm thấy mình đang nằm trong phòng y tế của trường, và Việt chính là người đã bế Cầm từ cổng trường vào phòng y tế.
Hai năm rồi, Cầm không còn phải bỏ dở việc làm đồ chơi cho bọn trẻ. Hai năm rồi, Việt không ghé về thị xã, cũng không gọi cho Cầm một cuộc nào. Công việc của Cầm vẫn không có nhiều thay đổi, dù Cầm đã chuyển từ dạy lớp nhỏ sang lớp lớn.
Bọn trẻ của Cầm đã biết tự ăn, không cần Cầm phải đút cho từng đứa nữa. Nhưng bù lại, đến giờ tô nét là có đứa ngồi lấy bút chọc lưng bạn, đứa giật vở của bạn, đứa ngồi im chẳng chịu cầm bút, Cầm dỗ dành kiểu gì cũng không ăn thua.
Việt gọi. Buổi tối mùa đông, mưa giăng khắp phố. Việt nói vẫn ngồi ở chỗ ngã tư mưa. Cầm lại rúc vào áo mưa, đi bộ ra ngã tư. Lần này, Việt không chở Cầm qua những con đường cũ. Việt ngồi, trầm ngâm đốt thuốc.
Cầm im lặng ngồi bên. Cầm chẳng biết làm gì ngoài im lặng. Trong mối quan hệ với Việt, Cầm chỉ có một cách ứng xử duy nhất là im lặng. Hồi Việt giới thiệu Cầm với bạn bè, Cầm cũng im lặng. Im lặng là đồng ý rồi, chớ còn gì.
Lúc biết Cầm quyết định không vào Sài Gòn học như đã định, Việt giận lắm, nói Cầm trẻ mà suy nghĩ hạn hẹp, vứt bỏ cả tương lai, Cầm cũng im lặng. Được ít bữa, Việt nguôi giận, bảo học xong Việt sẽ đón Cầm vào Sài Gòn.
Việt học xong, đi làm được vài năm rồi, mỗi lần về đều chờ Cầm ở chỗ ngã tư, chở Cầm lang thang qua những chốn xưa, nhưng không thấy nhắc gì đến chuyện đưa Cầm vào Sài Gòn. Việt đổi ý, nói để từ từ rồi Việt về, chứ Cầm không hợp với chốn nhộn nhịp ấy.
Rồi Việt thông báo Việt không về nữa, bằng một cuộc gọi một ngàn cây số. Cầm nghe, im lặng.
Việt ngồi, trầm ngâm đốt thuốc. Cầm luôn không chịu được mùi khói thuốc, Cầm khó thở. Nhưng Cầm vẫn ngồi yên. Cầm khuấy ly cà phê mãi mà chưa hớp ngụm nào.
Ly cà phê đen Việt gọi sẵn cho Cầm. Mọi khi Việt gọi nước chanh hay nước cam khi Cầm vừa đến, nhưng hôm nay khi Cầm đến đã thấy ly cà phê đen để đó rồi. Việt vẫn không nói gì, cứ nhìn Cầm rồi nhìn khói thuốc.
Cầm muốn hỏi, Việt nghiện thuốc từ bao giờ, có phải từ khi lấy vợ không, nhưng không mở lời được. Cầm muốn nói, Việt đừng có về đây khuấy động cuộc đời Cầm nữa.
Cầm sắp quen với sự không có mặt của Việt trong suy nghĩ của mình rồi, mỗi khi ngắm nhìn những đứa trẻ ngủ trưa, hơi thở đều đều, Cầm đã thôi nghĩ về những đứa con bụ bẫm của Cầm với Việt.
Cầm muốn kêu Việt ơi, Cầm mệt rồi, Việt để Cầm về nghỉ nha. Cầm mệt rồi, người im lặng rồi cũng có lúc thấy mệt như những người nói nhiều.
Lúc Cầm rời khỏi quán, trời vẫn mưa. Những vòng khói thuốc của Việt tan vào nước mưa, trôi khỏi nỗi lặng im của Cầm.
Truyện 1.185 chữ của NGÔ THỊ THỤC TRANG