Cựu chiến binh Trần Bá Linh đã có những kỷ niệm khó quên trong những năm tháng xây dựng đường Trường Sơn
“Mỗi lần đặt chân lên đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, tôi vừa thấy ngưỡng vọng, vừa cảm phục trước công sức của cha ông đã đổ ra trong suốt gần 6.000 ngày đêm, dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù để làm nên con đường huyền thoại. Thật may mắn là tôi cũng đã có niềm vinh dự khi được góp sức mình vào việc kiến thiết, xây dựng lại tuyến đường huyết mạch ấy ngay sau những ngày đất nước hoàn toàn giải phóng” – cựu chiến binh Trần Bá Linh, người đã về hưu từ năm 2015, bắt đầu câu chuyện.
Tháng 6/1974 - năm vừa tròn 18 tuổi, ông Linh rời quê hương lên đường nhập ngũ vào đơn vị công binh thuộc Bộ Tư lệnh công trình. Ngay sau những ngày huấn luyện, năm 1975, ông đã cùng đơn vị nhận nhiệm vụ thi công trên tuyến đường Trường Sơn - đoạn từ Km số 0 thuộc địa phận huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đến cầu Hà Tân (huyện Hương Sơn - Hà Tĩnh). Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhưng cũng rất vinh dự và tự hào, bởi con đường huyền thoại ấy lại gánh vác một sứ mệnh vô cùng to lớn trong công cuộc tái thiết đất nước. Đó cũng là chiếc cầu nối đưa những bản làng xa xôi gần lại với đồng bằng và phục vụ thiết thực công cuộc phát triển kinh tế, ổn định đời sống vùng sâu, vùng xa.
Cựu chiến binh Trần Bá Linh (người ngoài cùng bên phải) trong niềm vui hội ngộ với các thế hệ đi trước - những người có chung ký ức về tuyến đường huyền thoại
Ông Linh nhớ lại: “Ngày ấy, việc làm đường hết sức khó khăn bởi các phương tiện thô sơ, không đồng bộ. Mọi việc chủ yếu đều dựa vào đôi bàn tay của con người. Có những đoạn taluy cao 20 đến 30m nhưng vẫn phải dùng tay. Những lúc khó khăn đó, người lính công binh lại có cơ hội thể hiện sáng kiến trong việc giật cấp để đảm bảo an toàn. Việc thi công hồi đó cũng chỉ dừng lại ở mức thô sơ đó là rải đá cấp phối trên tuyến đường. Nhưng, việc vận chuyển nguyên vật liệu hết sức khó khăn bởi hố bom chồng chất.
Ở bộ phận lái xe vận chuyển nguyên vật liệu, tôi càng thấu hiểu rõ hơn những khó khăn này. Khổ nhất là những đợt mưa rừng dầm dề, chúng tôi vừa nắm chắc tay lái vừa lo nghĩ những biện pháp chống lầy, tìm đường tránh. Có những lúc phải lái xe xuyên đêm để kịp thời thông tuyến. Những lối đi tắt ngang dọc ở đường Trường Sơn đã dần trở nên thân thuộc với chúng tôi”.
Năm 1977, ông Linh rời đường Hồ Chí Minh để hành quân vào biên giới Tây Nam và từ đó tiếp nhận nhiều nhiệm vụ mới. Mãi đến năm 2000 khi hệ thống đường Trường Sơn bắt đầu được nâng cấp hiện đại, từ Km số 0 thuộc huyện Tân Kỳ (Nghệ An) đến mũi Cà Mau, với tên gọi đường Hồ Chí Minh, ông Linh lại tiếp tục trở lại tuyến đường này. Những người lính, công nhân thời bình tiếp nối truyền thống cha ông, ngày đêm đi bạt núi, san đèo nối dài đất nước.
Sau 25 năm trở lại tuyến đường huyền thoại (năm 2000), người lính công binh lái xe năm xưa đã là Chủ nhiệm chính trị Công ty 98 thuộc Binh đoàn 12. Tại đây, ông trực tiếp lãnh đạo một đơn vị với quân số hơn 200 công nhân thi công trên cung đường dài hơn 100 km thuộc địa phận tỉnh Quảng Bình. Đây là vùng địa bàn hiểm trở chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh nên dẫu hòa bình lập lại đã 25 năm nhưng tuyến đường vẫn còn nguyên dấu vết bom đạn.
Đường Trường Sơn hôm nay tiếp tục góp phần đánh thức những vùng đất giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác (Trong ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phúc Đồng, Hương Khê)
“Đây là thời kỳ nâng cấp tuyến đường nhưng việc thi công ở nơi đây vẫn hết sức khó khăn bởi địa hình hiểm trở. Để vận chuyển lương thực, thực phẩm từ vùng trung tâm lên đến nơi phải mất cả buổi trời. Có những lúc gặp mưa rừng, anh em phải nằm lại ở dọc đường chờ nước rút mới qua được suối. Vẫn còn những cơn sốt rét rừng đe dọa, việc tiếp tế lương thực chỉ được mỗi tuần một lần. Khó khăn là thế nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm vượt lên tất cả. Để tiết kiệm thời gian, giảm giá thành nguyên vật liệu nhưng vẫn giữ vững chất lượng công trình, chúng tôi đã tập trung khai thác các nguồn vật liệu tại chỗ để thi công” - ông Linh cho biết.
Từ bàn tay, khối óc của những người lính và đội ngũ công nhân thời bình, “con đường máu” ngày xưa đã trở thành con đường trải nhựa, mở hướng khai thác tiềm năng nhiều vùng rộng lớn thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Đường Trường Sơn hôm nay đã và đang góp phần đánh thức những vùng đất mênh mông bị khuất lấp trong đói nghèo trở về gần hơn với đời sống hiện đại. Những thôn xóm hiền hòa, những núi non hùng vỹ, những thị trấn, thị tứ với nhà cửa san sát còn tươi màu sơn mới… tất cả báo hiệu hơi thở cuộc sống hiện đại, ấm no dọc tuyến đường huyền thoại.