Kỷ niệm lần thứ 199 năm ngày sinh Các Mác 5/5 (1818 - 2017)
Ngay thời còn trẻ, C.Mác đã viết những tác phẩm nổi tiếng như: “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hê-ghen” (1843), “Bản thảo kinh tế-triết học 1844”. Trong các tác phẩm đó, C.Mác phê phán những quan điểm duy tâm về con người, kiến giải về bản chất xã hội của con người bắt nguồn từ lao động, nêu ra phạm trù “lao động bị tha hóa” và thực hiện ý định xây dựng hệ thống lý luận triết học có khả năng soi sáng con đường đấu tranh để “giải tha hóa”.
Trong tác phẩm “Luận cương về Phoi-ơ-bắc” (1845), C.Mác đưa ra luận đề mang tính kinh điển: “... bản chất con người không phải là một cái trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”(1). Vấn đề con người mà C.Mác đề cập không phải trong trạng thái tự nhiên thuần túy, mà là con người hiện thực, với tư cách vừa là sản phẩm của tự nhiên và xã hội, vừa là chủ thể cải tạo giới tự nhiên.
Quan điểm của C.Mác cũng chỉ ra trong sự tổng hòa tất cả các quan hệ xã hội (quan hệ kinh tế, quan hệ chính trị, quan hệ giai cấp…), tính quy định bản chất con người được xem xét không tách rời, cô lập với quan hệ giữa con người với tự nhiên. C.Mác khẳng định, con người như một thực thể song trùng: Tự nhiên-xã hội và cái căn bản, quyết định bản chất con người là xã hội, quan hệ xã hội hiện thực. Những tác động lên tự nhiên cũng gây ra sự biến đổi trong đời sống con người, xét cả về phương diện sinh học và xã hội. Vì vậy, thông qua hoạt động thực tiễn con người làm biến đổi đời sống xã hội, đồng thời cũng biến đổi chính bản thân mình.
Các Mác (1818 - 1883).
Trong các công trình nghiên cứu của C.Mác, không có vấn đề nào của triết học C.Mác lại tách rời mối quan hệ hữu cơ với con người; bởi con người luôn giữ vị trí trung tâm và là mục tiêu cao nhất của học thuyết Mác. Lý tưởng nhân văn xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ các công trình khoa học và hoạt động xã hội của C.Mác là tìm ra con đường giải phóng và phát triển con người, trước hết và chủ yếu là xóa bỏ những điều kiện kinh tế-xã hội dẫn đến sự tha hóa con người. Ông đã phân tích sâu sắc sự tha hóa của người lao động trong xã hội tư bản, chỉ rõ sở hữu tư nhân vừa là sản phẩm, hậu quả của lao động bị tha hóa, vừa là phương tiện làm cho lao động bị tha hóa, là sự thực hiện sự tha hóa ấy. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác cùng với Ph.Ăng-ghen chỉ ra nguyên nhân chủ yếu làm cho lao động bị tha hóa do còn tồn tại sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Vì thế, để giải phóng con người khỏi sự tha hóa, tạo điều kiện phát triển toàn diện, hài hòa những “năng lực nhân tính” cho từng cá nhân, vấn đề cốt lõi phải xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội, cụ thể là chế độ tư hữu tư sản. Khi chế độ tư hữu tư sản bị loại bỏ thì mọi cơ sở cho sự tồn tại chế độ nô dịch con người cũng mất theo. Quan điểm mang tính khoa học và cách mạng đó đã minh chứng học thuyết Mác thực sự là một học thuyết đầy tính nhân văn, nhân đạo cao cả.
Khi nghiên cứu vấn đề “giải tha hóa”-giải phóng con người khỏi sự nô lệ vào người khác, C.Mác đã chỉ ra sự thay thế của các hình thái kinh tế-xã hội trong lịch sử là một quá trình lịch sử-tự nhiên. Trong đó, xã hội sau bao giờ cũng tiến bộ hơn xã hội trước và biểu hiện cụ thể mỗi bước phát triển đó là mức độ giải phóng con người. Ông chỉ ra vấn đề cốt lõi chi phối sự phát triển xã hội là lực lượng sản xuất. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, mỗi bước tiến bộ của nền văn minh cũng là mỗi bước con người được giải phóng về mặt cá nhân và phát triển toàn diện hơn các quan hệ cá nhân trong xã hội. Thực tiễn lịch sử cho thấy, chủ nghĩa tư bản ra đời với nền đại công nghiệp phát triển đã tạo ra khối lượng của cải vật chất to lớn cho xã hội, song chủ yếu do một số ít người thuộc tầng lớp giai cấp tư sản nắm giữ. Vì thế, bên cạnh việc tạo ra những lâu đài lộng lẫy cho giai cấp tư sản, nó cũng đồng thời tạo ra sự bần cùng hóa cho người lao động, với những ngôi nhà ổ chuột của phần lớn người công nhân. Sự phồn vinh và nghèo khổ luôn song hành cùng nhau trong xã hội tư bản; bởi giai cấp tư sản chỉ có thể làm giàu trên lưng của những người lao động, còn người công nhân chẳng có gì ngoài sức lao động bán cho nhà tư bản. C.Mác đã phân tích sâu sắc trong Bộ “Tư bản”, chỉ rõ giai cấp vô sản được hình thành và phát triển nhanh chóng trong xã hội tư bản, cũng đồng thời tồn tại với tư cách là giai cấp đối lập với giai cấp tư sản và chứa đựng mầm mống để phủ định chính cái xã hội đầy rẫy sự áp bức, bóc lột, bất bình đẳng đã sinh ra nó. C.Mác đã nhấn mạnh biện chứng của quá trình lịch sử-tự nhiên với một luận điểm nổi tiếng: “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2). Theo C.Mác, một hình thái kinh tế-xã hội mới tất yếu ra đời có khả năng giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất lên một nấc thang mới so với hình thái kinh tế-xã hội cũ, đồng thời xây dựng và ngày càng hoàn thiện các quan hệ sản xuất mới phù hợp hơn, đó là hình thái kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa với bản chất chế độ xã hội ưu việt tất cả do con người, vì con người.
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, tập 3, 1995, tr.11.
(2) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.628.