Tương lai tăm tối của loài người trong nỗi ám ảnh phim Mỹ

Siêu phẩm “Ready Player One” không chỉ vẽ nên bức tranh hoành tráng với thế giới ảo vô tận mà còn khắc hoạ nỗi ám ảnh về một tương lai nặng nề, u tối của con người.

Hollywood đã "tiên đoán" trước rất nhiền thiên tai thảm hoạ sẽ giáng xuống nhân loại trong tương lai.

Những tác phẩm khoa học viễn tưởng không chỉ mê hoặc người xem bởi kỹ xảo mãn nhãn, sáng tạo công nghệ vượt mọi giới hạn mà còn thể hiện chính nỗi ám ảnh của các nhà làm phim, đặc biệt đến từ Hollywood.

Đó là khi những đạo diễn, biên kịch cũng không thể tin tương lai con người sẽ tươi sáng với lối sống vô trách nhiệm với thiên nhiên cùng với các phát minh thần kỳ của công nghệ.

Trái Đất không còn là nơi có thể sống

Đã có rất nhiều bộ phim nói về thảm họa thiên nhiên xảy ra ở Trái Đất trong tương lai. Đó gần như đã trở thành xu hướng làm phim được Hollywood theo đuổi trong mấy chục năm qua. Không chỉ là chủ đề được yêu thích mà đây còn là nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều tác phẩm điện ảnh khoa học viễn tưởng.

Từ năm 1933 với tác phẩm Deluge (1933), Hollywood đã bắt đầu thể hiện nỗi lo sợ về những thảm hoạ thiên nhiên sẽ đến khi kể về việc trận lụt lội và động đất đã hủy diệt cả một thành phố lớn.

Từ những tai nạn ngoài vũ trụ như thiên thạch rơi (Armageddon), sao chổi đâm (Deep Impact), siêu bão (The Perfect Storm, Geostorm), kỷ băng hà (The Day After Tomorrow, 2012), sóng thần (The Impossible), động đất (San Andreas) đến trận đại chiến giữa con người với sinh vật ngoài hành tinh (Independence Day, Cloverfield) hay đại dịch thây ma (World War Z, I am Legend).

Không dừng lại ở mức cảnh báo thảm họa, các biên kịch Hollywood còn thể hiện sự bi quan cực độ về tương lai. Họ cho rằng có thể sau này, Trái Đất đến một lúc nào đó không còn là nơi có thể sinh sống của con người.

Điều này đã được thể hiện rõ nét trong những tác phẩm kinh điển như After Earth, Oblivion, Interstellar, Elysium… Đó đều phản ánh sự tuyệt vọng của con người trong việc cứu Trái Đất, thay vào đó là nỗ lực vươn ra ngoài vũ trụ để tìm kiếm nơi ở mới.

Những vùng đất hoang tàn, không một bóng người, chất đầy những phế tích bị bỏ lại trên mặt đất là viễn cảnh đáng sợ không ai muốn chứng kiến nhưng lại hiện hữu rất nhiều trên phim. Đó là nỗi ám ảnh về tương lai mà ở đó nhân loại chỉ có hai con đường một là tìm kiếm hành tinh sống khác ngoài vũ trụ và hai là bị tuyệt diệt.

Những hình ảnh Trái Đất bị bỏ hoang, không còn người sống, hoang tàn thường xuất hiện trong các phim khoa học viễn tưởng.

Dân số quá tải, những thành phố ngột ngạt

Không chỉ là mối đe dọa từ thiên nhiên mà nỗi sợ của giới làm phim còn được thể hiện trong cuộc sống của con người ở các thành phố tương lai. Từ năm 1927 với bộ phim câm kinh điển Metropolis, nhà làm phim đã phản ảnh được nỗi sợ ở xã hội nơi máy móc phát triển tối tân cùng những tòa nhà chọc trời hiện đại đã bức ép cuộc sống của con người.

Thế giới đó cũng đã được Ridley Scott vẽ nên một cách u ám và ám ảnh trong Blade Runner (1982) và mới đây là Blade Runner 2049 (2017) bởi Denis Villeneuve. Cái giá phải trả cho cuộc sống hiện đại là một môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Ở đó, con người phải sử dụng thực phẩm biến đổi gen từ máy bán hàng tự động.

Dân số quá tải, chênh lệch giàu và nghèo ngày càng lớn. Những kẻ giàu chuyển lên sinh sống ở các thuộc địa ngoài vũ trụ, người nghèo sống trong khu ổ chuột đầy rác thải. Cây cối, nguồn tài nguyên thiên nhiên biến mất, thậm chí là những đứa trẻ chưa bao giờ nhìn thấy mầm xanh của cây.

Thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng, bụi bẩn, toà nhà ngợp trời và không một bóng cây là cách mà Denis Villeneuve nhìn về thế giới tương lai.

Có thể thấy, chẳng còn gì gọi là tự nhiên trong thế giới tương lai qua góc nhìn của các nhà làm phim Mỹ. Thành phố mấy chục năm sau không còn những căn nhà được bao phủ xung quanh là cây cối, thay vào đó là dãy tòa nhà chọc trời ngộp ngạt.

Không còn cảnh đường xá nhộn nhịp với những lời rao hàng vui vẻ, thay vào đó là thứ âm thanh nặng nề của các cỗ máy công nghệ cao. Khi con người ngước lên bầu trời, điều họ thấy không còn là ánh mặt trời rực rỡ, mây xanh trong trẻo mà chỉ là nền trời u ám, đặc kín những cỗ máy bay lượn.

Và bom tấn mới nhất của đạo diễn huyền thoại Stephen Spielberg - Ready Player One cũng khắc họa viễn cảnh u ám diễn ra ở thế giới thực. Vừa phảng phất chất khoa học giả tưởng với hàng loạt phát minh hiện đại, phim vừa tái hiện sự chật hẹp, u tối, tách mình khỏi thiên nhiên của người dân năm 2045.

Con người cô độc, tìm kiếm tình yêu trong vô vọng

Bên cạnh bức tranh rộng lớn và u ám về tương lai, các biên kịch cũng đi sâu vào cuộc sống tâm lý của mỗi con người. Họ mường tượng xem nhân loại sẽ trở thành những cá thể như thế nào giữa sự bủa vây của công nghệ.

Các nhà làm phim sợ rằng đến một ngày, con người chợt nhận ra mình đã trở nên quá cô đơn, lạc lõng, đứt kết nối với xã hội hay thậm chí giữa người thân, bạn bè.

Mối đe doạ khi ấy không đến từ bên ngoài mà xuất phát từ bên trong của mỗi con người. Họ không còn nở được nụ cười, không còn tìm được niềm vui bình dị trong cuộc sống và đặc biệt, tình yêu trở thành thứ gì đó quá khó khăn để kiếm tìm.

Trong thời đại công nghệ, có lẽ việc tìm kiếm tình yêu cũng trở nên khó khăn gấp nhiều lần hơn.

Như trong phim Her, tình yêu giữa con người (Theodore) và trí thông minh nhân tạo (Samantha) không những không kì quặc mà còn được xem là điều bình thường, phổ biến trong bối cảnh phim.

Không công kích mặt trái của khoa học công nghệ, Her chỉ đem đến một lát cắt nhỏ, đủ để người xem cảm nhận sự cô đơn đang lớn dần trong cuộc sống của mỗi con người. Công nghệ khiến họ sống khép kín và ngày càng chui vào vỏ bọc của riêng mình.

Hay gần đây nhất là Unsane, bộ phim của đạo diễn Steven Soderbergh khai thác nỗi sợ của con người trước sự ảnh hưởng mà thế giới ảo mang lại. Thông qua đó là sự cô đơn tột cùng của những người phụ nữ trong cuộc sống. Họ phải tìm đến các ứng dụng hẹn hò trên mạng để tìm kiếm tình yêu trong vô vọng.

Bằng những câu chuyện khác nhau, các nhà làm phim đang cố mô tả thế giới công nghệ trong tương lai dễ dàng làm thay đổi các kết nối, tương tác giữa con người với nhau. Chúng đem lại sự tiện ích, điều mới lạ, thú vị hơn mỗi ngày nhưng cũng khiến cho những điều ẩn sâu bên trong của con người lại càng bị chôn chặt, trở nên khó được chia sẻ và đồng cảm.

Sức khỏe con người bị đe doạ trầm trọng

Không chỉ riêng các nhà khoa học mà cả nhà làm phim cũng băn khoăn không ít về cơ thể và sức khoẻ của con người sau này. Không ít lần kinh đô điện ảnh thế giới tung ra những bộ phim về các dịch bệnh bí ẩn khiến con người hoảng sợ. Đó là những thước phim đầy ám ảnh như The Happening, Resident Evil, Contagion, 28 Days Later.

Trong phim hoạt hình Wall-E, loài người chỉ nằm trên một chiếc ghế điện tử, ngày càng béo lên và suy giảm khả năng vận động. Họ phó mặc tất cả cho máy móc quyết định toàn bộ cuộc sống hàng ngày của họ từ ăn mặc, chơi gì và ngủ lúc nào.

Viễn cảnh đáng sợ về sự lệ thuộc của cơ thể con người vào máy móc được vẽ ra trong phim hoạt hình Wall-E.

Trước đó vào năm 1992, Hollywood đã đặt ra câu chuyện này trong Freejack khi mô tả một thế giới mà sức khỏe con người đi xuống trầm trọng. Người giàu phải bắt cóc những thân thể khỏe mạnh trong quá khứ và tiến hành chuyển đổi tâm trí để tiếp tục duy trì sự sống.

Hay Children of Men lấy bối cảnh năm 2027 đầy bi quan và hỗn loạn cũng rất thành công khi lột tả khát vọng sinh tồn đầy tuyệt vọng của nhân loại. Mọi phụ nữ trên thế giới bị biến đổi sinh học dẫn đến vô sinh, không một đứa trẻ nào được ra đời trong nhiều năm và cư dân trẻ tuổi nhất của Trái Đất đã qua đời ở tuổi 18.

Con người bị thống trị bởi công nghệ và thế giới ảo

Năm 1984, đạo diễn James Cameron đã tạo nên tác phẩm kinh điển Terminator, nói về viễn cảnh thế giới loài người bị thống trị và tiêu diệt bởi người máy. Hay với bộ ba Matrix cũng xoay quanh việc nhân loại phải chiến đấu chống lại người máy nổi loạn. Những bộ phim này đều đưa ra lời cảnh báo về thứ công nghệ được con người tạo ra nhưng lại ngoài tầm kiểm soát của họ.

Từ tận năm 1927 với Metropolis, Hollywood đã tỏ rõ sự lo lắng về vấn đề này. Trong phim, sự nở rộ của trí tuệ nhân tạo ra gây ra nạn thất nghiệp, chậm phát triển ở con người. Một bộ phận nhân loại dần tụt về đáy xã hội, bị bỏ rơi giữa dòng chảy xô bồ của công nghệ.

Nhưng nếu như ở thế kỷ XX, nỗi sợ của con người nằm ở cuộc chiến chống lại những phát minh công nghệ " tạo phản", thì đến thập niên 2000 trở đi, sự lo lắng của các nhà làm phim đổ dồn vào khái niệm “thế giới ảo”.

Từ những năm 1920, con người đã bắt đầu lo sợ về sức ảnh hưởng của công nghệ đến cuôc sống của mình.

Từ thập niên 1990, các nhà biên kịch Hollywood đã bắt đầu cảm thấy lo sợ trước tiềm năng vô hạn của Internet khi nó mới xuất hiện. Lúc đó, hệ điều hành Window vẫn còn là thứ quá mới mẻ chứ đừng nói đến công nghệ kính thực tế ảo (VR) từng được đưa vào bộ phim The Lawnmower Man (1992). Trong phim, đạo diễn còn dự đoán VR có thể giúp làm tiến hóa não bộ con người.

Sau đó, nhiều bộ phim tiếp tục khai thác điều này và vẽ ra một tương lai sáng sủa khi con người có thể tối ưu hóa tiện ích và mở mang cuộc sống của mình. Ở thế giới ảo, con người không bị giới hạn là mình là ai, ở đâu, giàu hay nghèo. Năm 1999 trong phim Strange Days, những chiếc đĩa thực tế ảo có thể kết nối với tâm trí người dùng và giúp họ được sống trong những kí ức hay tưởng tượng tươi đẹp.

Tuy nhiên, nhiều năm sau, câu chuyện không còn đơn giản ở khía cạnh tích cực, nhiều nhà làm phim Hollywood bắt đầu tưởng tượng đến bức tranh mang màu sắc u tối hơn khi thế giới ảo mà con người tạo ra đã nuốt chửng thế giới thật của họ.

Liệu một thế giới ảo như trong Ready Player One có phải là nơi cứu con người khỏi thực tại với nhiều nặng nề, mệt mỏi trong tương lai?

Qua điện ảnh chúng ta thấy được sự chi phối nặng nề vào mọi mặt đời sống con người của Internet và khái niệm“mạng xã hội”, “thế giới ảo". Nhân loại ngày càng lệ thuộc thế giới ảo và xem chúng như không khí để hít thở hàng ngày.

Nhiều tác phẩm điện ảnh như The Net, Disclosure, Black Mirror, Blackhat, Ingrid Goes West, The Social Network, Catfish, You’ve Got Mail hay Circle đều ít nhiều lên tiếng và cảnh báo con người về một tương lai gần khi con người bắt đầu xa rời cuộc sống thật của mình. Nhưng có lẽ đến Ready Player One, người xem đã thật sự “nổi da gà” trước tương lai ngộp nhạt mà nhà làm phim tạo ra.

Stephen Spielberg đã tạo ra một siêu phẩm đúng vào lúc mà đang có rất đông người khao khát một lối giải thoát khỏi cuộc sống thật tế mệt mỏi và tẻ nhạt. Đó là một thế giới khác, nơi họ được sống với danh tính khác, cuộc đời khác, một cách sinh động hơn bao giờ hết. Và quan trọng hơn là nó không có giới hạn.

Ready Player One đặt ra câu hỏi liệu việc tất cả mọi người chìm đắm trong một thế giới ảo có phải là tương lai mà con người sẽ phải đối diện? Nơi đó, họ không có nhu cầu giao tiếp với nhau, không muốn sống bằng con người thật và cũng không cần nỗ lực bất kỳ điều gì cho cuộc sống thật. Và liệu "thế giới ảo" có phải là cách mà nhân loại sẽ phải lựa chọn khi con người tiến đến thời kỳ khủng hoảng trong tương lai?

Theo Zing.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói