Hội chứng sợ COVID (coronaphobia) được đưa ra bởi hai tác giả Asmundson và Taylor vào tháng 3/2020 để giải thích cho trạng thái sợ lây nhiễm SARS-CoV-2.
Hội chứng sợ COVID-19
Đó chính là một trạng thái stress và những rối loạn stress do COVID–19 gây ra. Thuật ngữ này bao gồm ba yếu tố: Sinh lý, nhận thức và hành vi của người bệnh đối với virus này.
Trong giai đoạn dịch COVID-19, hội chứng này thường gặp ở các cơ sở khám chữa bệnh về tâm thần. Đánh giá quá mức về nguy cơ của dịch COVID-19 dẫn đến rối loạn lo âu và sợ hãi. Có khoảng 23% người bệnh đánh giá quá mức về dịch COVID-19 và 7% mắc hội chứng sợ COVID-19.
7% người bệnh COVID-19 mắc Hội chứng sợ COVID.
Hội chứng sợ COVID-19 liên quan chặt chẽ với những cảm xúc tiêu cực như cảm thấy mình vô dụng hoặc có thể có ý nghĩ tự sát . Có những trường hợp tự sát liên quan đến chứng sợ COVID đã được ghi nhận. Những trường hợp này là cấp cứu trong tâm thần, người bệnh cần được đưa vào bệnh viện điều trị.
Gần đây các nhà khoa học tập trung vào nghiên cứu những yếu tố nguy cơ của hội chứng sợ covid, gồm những vấn đề như chủng virus mới , khả năng cứu chữa bệnh, thông tin về dịch bệnh COVID-19 trên các phương tiện truyền thông, thiếu sự giao tiếp giữa con người với con người, không có sự tin tưởng phù hợp vào các phương tiện chăm sóc y tế …
Đối tượng dễ mắc
Những đối tượng như nhân viên y tế, người cao tuổi, người có nhân cách hay lo lắng, người có bệnh nền… là đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng sợ COVID.
Những vấn đề về sức khỏe vốn có như rối loạn lo âu, bệnh lý thần kinh, người tìm kiếm sự cầu toàn, người có những vấn đề khó khăn về tâm lý… cũng là yếu tố tiên lượng dễ mắc hội chứng này.
Những vấn đề khác như quá lo lắng, tìm hiểu quá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng về dịch, có người thân liên quan đến lây nhiễm COVID -19... cũng dễ mắc hội chứng này.
Tiêu chí đánh giá
Thang đánh giá rối loạn lo âu liên quan đến COVID đã được sử dụng để xác định sự sợ hãi, lo lắng liên quan đến covid, bao gồm những nội dung như xu hướng của người bệnh, sự đối phó với bệnh tật, hậu quả về tâm lý và sự mất đi các chức năng xã hội.
Điểm đánh giá ≥ 9 được cho là mắc hội chứng sợ covid.
Xu hướng đối với xã hội: Người bệnh được hỏi các câu hỏi về vấn đề xã hội như họ có ý định tránh đồ ăn của Trung Quốc hoặc mua những sản phẩm của Trung Quốc bởi vì SARS-CoV-2 không, có xu hướng thay đổi ý định đi du lịch, nghỉ dưỡng hoặc mua sắm do dịch COVID -19 không?
Những câu hỏi về các vấn đề tâm lý, người bệnh trả lời các câu hỏi về hậu quả của dịch COVID-19 đối với người bệnh, ví dụ như trạng thái tuyệt vọng, ý định muốn chết đi để không phải chứng kiến dịch COVID-19…
Những câu hỏi về các ứng phó với bệnh dịch, đánh giá xem bệnh dịch có nguồn gốc từ đâu, do Chúa trời trừng phạt con người, bệnh nhân có sử dụng các thuốc hoặc chất kích thích để vượt qua nỗi lo lắng sợ hãi đó ví dụ như rượu, các chất kích thích…
Những câu hỏi về sự suy giảm các chức năng trong cuộc sống hàng ngày như thế nào do sự sợ hãi covid gây ra, ví dụ như thất nghiệp giảm thu nhập, không dám đi làm, không dám ra ngoài…
Đây là một thang đánh giá đáng tin cậy và có giá trị.
Biện pháp điều trị
Thăm khám bệnh, tư vấn từ xa giúp điều trị Hội chứng sợ COVID.
Hội chứng sợ COVID-19 nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm bởi các chuyên gia tâm thần thì có thể điều trị được bằng những biện pháp thích hợp. Người bệnh được giáo dục tâm lý về bệnh này, đây là bước đầu tiên để điều trị hội chứng này.
Giáo dục tâm lý giúp người bệnh những biện pháp tốt cho sức khỏe như vệ sinh giấc ngủ, những hoạt động vận động, kế hoạch làm việc và kỹ thuật thư giãn.
Sử dụng các liệu pháp điều trị kết nối với chuyên gia tâm thần có thể làm giảm stress đối với người bệnh không được điều trị ở cơ sở chuyên về tâm thần học.
Các liệu pháp hỗ trợ nhà tâm lý trị liệu - bệnh nhân, và các biện pháp khác nhằm làm giảm lo âu và sợ hãi về bệnh.
Ứng dụng các kỹ thuật khám chữa bệnh, tư vấn từ xa trong thời kỳ đại dịch COVID -19 để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Các chuyên gia tâm thần cần được cập nhật những nghiên cứu và điều trị mới nhất về hội chứng sợ covid để đảm bảo điều trị hiệu quả nhất.
TS. Trịnh Thị Bích Huyền