Hành trình trải nghiệm cuộc sống
Ông Jay Gray (SN 1944, người Mỹ) là con út trong gia đình có mẹ là y tá, bố làm nghề bưu tá. Ông là thạc sĩ ngành Tôn giáo học, Đại học Yale - một trong những trường đại học lâu đời và danh giá nhất nước Mỹ. Ông Jay Gray từng có gia đình, tuy nhiên, hôn nhân đổ vỡ, ông trở thành người bố đơn thân của 3 người con trong suốt 18 năm qua. Ông cũng dành 14 năm để chăm sóc mẹ già cho tới lúc bà qua đời ở tuổi 105.
Vào năm 1961 (lúc 17 tuổi), ông có chuyến đi đầu tiên tới đất nước Ai Cập để học năm cuối cùng cấp trung học phổ thông. Đây là “cánh cửa” đầu tiên, mở ra hành trình trải nghiệm cuộc sống của Jay Gray ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Sau năm học cuối ở Ai Cập, chàng thanh niên người Mỹ đã dành thời gian khám phá tất cả các quốc gia châu Âu. Đến nay, ông Jay Gray đã đi qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, từng sống và làm việc ở Đức, Na Uy, Ai Cập, Nhật Bản, Thái Lan trong vòng hơn 10 năm. Các công việc chính của ông bao gồm: cho thuê cơ sở vật chất, bán đồ cổ, làm việc tại nhà máy thép...
Người đàn ông Mỹ chia sẻ: “Ở quê nhà, công việc của tôi khá bấp bênh và luôn phải chịu những áp lực trong cuộc sống. Chính vì thế, tôi đã tặng ngôi nhà của mình cho con trai và chiếc xe ô tô cho một người bạn để bắt đầu hành trình trải nghiệm cuộc sống ở khắp nơi trên thế giới”.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất sau khi đã đi qua hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, ông Jay Gray cười và cho biết thật khó có thể chọn được đất nước nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ông. Theo ông, tất cả kỷ niệm đều đáng nhớ, mọi người bạn mới ở các quốc gia đều tốt với ông. Bản thân ông cảm thấy may mắn khi không gặp phải bất kỳ rủi ro, nguy hiểm nào khi sinh sống ở nước ngoài.
Ông Jay Gray chia sẻ, việc đến những di tích, địa danh lịch sử nổi tiếng và gặp gỡ những người mới luôn tạo cho ông cảm giác hào hứng và vui vẻ. Du lịch với ông là một cách giáo dục và thu về những trải nghiệm sống tuyệt vời.
Cũng trong thời gian du lịch tại Việt Nam, ông Jay đã ghé thăm Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc) vào những ngày đầu tháng 1/2024. Tại đây, ông đã xúc động khi được lắng nghe các câu chuyện lịch sử, tham quan các tư liệu, hiện vật tại khu di tích.
Tôi là một công dân Mỹ 79 tuổi. Thế hệ của tôi đã bắt đầu cuộc chiến tranh ở Việt Nam. May mắn thay, tôi đã không đến Việt Nam trong suốt cuộc chiến tranh đó. Hôm nay là ngày 7 tháng 1 năm 2024, và đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam.
Hầu hết người Mỹ ở độ tuổi của tôi đều cảm thấy hổ thẹn vì nước Mỹ đã gây nên cuộc chiến khủng khiếp này tại Việt Nam. Tôi cũng rất xấu hổ vì điều này. Tôi đã do dự khi đến Việt Nam vì nghĩ rằng người dân Việt Nam sẽ ghét bỏ tôi và nước Mỹ. Nhưng tôi đã nhầm, người dân Việt Nam đã đối xử với tôi rất tốt bụng và thân thiện.
Tôi rất vui khi thấy Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn sau chiến tranh, trở thành một đất nước hiện đại, xanh sạch, an toàn và tân tiến.
Tôi biết ơn sâu sắc tất cả những người dân Việt Nam bởi sự tử tế, lòng hiếu khách và sự khoan dung đối với những tội ác khủng khiếp mà nước Mỹ đã gây nên.
Jay Gray
BQL Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc lược dịch
Gắn bó với mảnh đất Hà Tĩnh nghĩa tình
Cuộc gặp gỡ với thầy Trần Tuyến - giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh vào tháng 11/2023 tại Mỹ là cơ duyên đưa ông Jay Gray đến với đất nước Việt Nam. Được biết, từ lời đề nghị của thầy Tuyến, ông đã đến thăm Việt Nam vào đầu năm nay.
Sau 1 tháng đi du lịch qua nhiều tỉnh, thành của Việt Nam (trong đó có Hà Tĩnh) tháng 2/2024, ông quyết định về lại Hà Tĩnh và sinh sống lâu dài ở mảnh đất này. Với sự giúp đỡ của thầy Biện Văn Quyền – giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh và một nhóm sinh viên trẻ của trường, ông Jay Gray đã bắt đầu một cuộc sống mới ở mảnh đất Thành Sen.
Tại căn nhà nhỏ ở tổ dân phố 8, phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh), ông Jay đã trang trí thành một tổ ấm nhỏ gọn gàng để sinh hoạt và là nơi dạy tiếng Anh giao tiếp miễn phí cho hơn 40 bạn học sinh. Các em nhỏ được phân theo lớp, mỗi lớp khoảng 6 em. Các lớp học được tổ chức vào tất cả các ngày trong tuần.
"Em được bố mẹ gửi gắm tới lớp thầy Jay Gray để học tiếng Anh nhằm trau dồi kỹ năng. Sau khi đi học, em không chỉ giao tiếp tiếng Anh tốt mà còn hiểu biết thêm văn hoá ở các nước trên thế giới qua những câu chuyện mà thầy kể. Ở đây, thầy Jay đều dạy chúng em yêu mến bạn bè và mọi người xung quanh mình để cuộc sống càng đẹp thêm", em Biện Quỳnh Mai, xã Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) chia sẻ.
Phương pháp học tiếng Anh của ông Jay Gray là chú trọng giao tiếp, giúp các bạn nhỏ tự tin hơn khi trò chuyện cùng người nước ngoài, phát triển kỹ năng nghe - nói. Những kiến thức được cung cấp trong các tiết học của ông vừa gần gũi vừa mới mẻ, giúp người học không cảm thấy nhàm chán và nhanh chóng tiếp thu.
Lý do ông bắt đầu dạy học miễn phí đến từ tình yêu trẻ con và muốn làm một điều gì đó tuyệt vời cho các em. Đối với ông Jay, tuổi thơ là khoảng thời gian đặc biệt của mỗi người, nó đóng vai trò quyết định của con người trong giai đoạn trưởng thành. Bên cạnh đó, dạy học giúp ông cảm thấy mình là người sống có ích và không bị cô đơn, nhàm chán.
"Những kiến thức ông truyền đạt về ngoại ngữ luôn được các bạn trẻ đón nhận hào hứng. Sau khi học tiếng Anh từ ông Jay Gray, con tôi đã mạnh dạn giao tiếp với người nước ngoài và biết thêm nhiều điều thú vị về thế giới. Tuy chưa thể giao tiếp bằng tiếng Việt những ông luôn gần gũi với hàng xóm, thân thiện cùng mọi người bằng những cử chỉ, hành động", anh Võ Hoàng Long – phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết.
Không chỉ dừng lại ở việc mở các lớp học miễn phí, là một người yêu thích việc làm vườn nên ông Jay Gray đã tự dùng tiền của mình để mua sắm các dụng cụ cắt, dọn cỏ tại công viên của tổ liên gia và sửa chữa những hạng mục xuống cấp. Đây cũng là một cách vận động, rèn luyện sức khỏe của ông và giúp trẻ em có sân chơi sạch đẹp vào ngày nghỉ.
"Tôi dọn vệ sinh công viên là vì đây là sở thích của tôi khi tôi còn ở Mỹ. Tôi thích làm vườn và muốn tạo ra một nơi vui chơi cho mọi người dân trong khu vực tôi sống. Ngoài ra, tôi muốn làm một điều gì đó tuyệt vời cho Việt Nam với tư cách là một người Mỹ. Đây xem như một lời xin lỗi cho những hành vi không đẹp của đất nước chúng tôi trong quá khứ với Việt Nam", ông Jay tâm sự.
Từ khi tới Việt Nam, cuộc sống của ông Jay Gray thay đổi hoàn toàn theo hướng tích cực. Ở Mỹ, ông không có nhiều bạn bè. Chính vì thế, tại Hà Tĩnh, ông xem các học sinh như con cháu của mình, xem những sinh viên ở Trường Đại học Hà Tĩnh như những người bạn tốt... Sự đối đãi thân tình của người dân địa phương khiến ông cảm thấy được chào đón ở đây và xem nơi này như gia đình mới của mình.
Đến Việt Nam, ông Jay Gray đã rất ngạc nhiên và vui mừng vì sự đón tiếp đầy thân thiện và tốt bụng của những con người nơi đây. Ông cũng khá bất ngờ bởi người dân địa phương đã nhanh chóng hỗ trợ ông dọn vệ sinh công viên khi thấy ông làm một mình, điều này cho ông thêm sự cảm phục về tinh thần đoàn kết, thân thiện của người Việt Nam.
Tuy không nói được tiếng Việt nhưng ông rất thoải mái khi sống ở Hà Tĩnh vì mọi người đều thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ. Trong chuyến về thăm nhà hồi tháng 9 vừa qua, ông Jay Gray đã khuyên người thân hãy đến Việt Nam, gặp gỡ người dân Việt Nam, người dân Hà Tĩnh để thấy những điều tuyệt vời. Chi phí sinh sống ở Việt Nam cũng không quá đắt đỏ nên ông cảm thấy cuộc sống thoải mái hơn.
Khi biết khu vực sinh sống có một người ngoại quốc tới định cư thì bà con đều khá bất ngờ. Ban đầu, mọi người hiếu kỳ và còn e ngại bởi bất đồng ngôn ngữ, tuy nhiên, sau một thời gian sinh hoạt, ông Jay đã cho chúng tôi thấy sự gần gũi, thân thiện và lạc quan trong cuộc sống.
Ông thường nhận dạy ngoại ngữ miễn phí cho các cháu nhỏ, trong số đó có khá nhiều con em của cư dân trong khu vực. Nhiều phụ huynh đánh giá rằng, sau khi học và làm quen với ông Jay, con cái họ đã hiểu biết thêm nhiều kiến thức mới và năng động hơn trong cuộc sống; nhiều cháu đã học được thêm kỹ năng về vẽ tranh, viết thư tay...
Bên cạnh đó, ông thường tham gia các hoạt động dọn vệ sinh cùng tổ liên gia. Những thiết bị như máy cắt cỏ, đồ bảo hộ được ông tự trích từ tiền cá nhân để mua sắm, nhờ đó, việc dọn cỏ tại công viên được thực hiện dễ dàng hơn. Thời gian tới, hy vọng ông sẽ sớm thành thạo tiếng Việt để giao tiếp cũng như tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội địa phương.