Thơ về Đền Hùng, về thời đại Hùng Vương nhiều vô kể, nhưng mỗi dịp người dân nước Việt thành kính tri ân công đức tổ tiên, tôi vẫn tâm đắc với bài “Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương” của Chế Lan Viên trong tập “Những bài thơ đánh giặc” xuất bản năm 1972.
Trong điều kiện và hoàn cảnh cả nước đang có chiến tranh ác liệt ấy, nhà thơ vẫn lạc quan, phơi phới nói hộ tiếng lòng cùng dân tộc: “… Càng bão lửa điên cuồng, ta càng hồi sinh dậy/ Ta biết ơn cánh chim Lạc đã chọn cho ta bờ biển ấy/ Trăm trứng Âu Cơ hết lượt này lượt khác nở ra trăm lứa anh hùng/ Những anh hùng về sau càng vóc dáng lớn hơn các anh hùng trước…”. Và phải chăng, ta thắng hết giặc ngoại xâm ngoài sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí độc lập, tự do và khát vọng hòa bình, công lý thì còn một sức mạnh siêu hình nữa, ấy là sức mạnh tâm linh. Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lại trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Từ bao đời nay, tín ngưỡng này đã trở thành bản sắc, thành đạo lý truyền thống của người Việt Nam, của “trăm lứa anh hùng” từ “trăm trứng Âu Cơ” kế tiếp từ đời này sang đời khác; thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức tổ tiên trong hành trình dựng nước và giữ nước.
Nườm nượp du khách về Đền Hùng trong ngày Giỗ Tổ
Giờ đây, ngày giỗ các Vua Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương quy mô tổ chức không chỉ ở những năm lẻ 5, năm khác (do tỉnh Phú Thọ tổ chức, chủ tịch UBND tỉnh làm chủ lễ); năm tròn (tổ chức cấp quốc gia do Chủ tịch nước là chủ lễ dâng hương) được diễn ra trên mảnh đất cội nguồn dân tộc là Phú Thọ mà lan rộng ra cả nước, trở thành một nghi lễ quốc gia, dân tộc. Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, ngoài Phú Thọ có 326 di tích, là chủ đạo thì cả nước với 1.417 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương.
Hiện nay, nhiều di tích thờ cúng Hùng Vương đang tiếp tục được tôn tạo hoặc xây dựng mới. Những thực thể ấy đã tạo nên một không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương như một vầng hồi quang của lịch sử. Nó có sức sống, sức sáng tạo văn hóa và sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, kết thành ý thức “nguồn cội”, nghĩa “đồng bào” và trở thành yếu tố nội lực tạo thành sức mạnh dân tộc trong mỗi giai đoạn lịch sử.
Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Ảnh: Phương Thanh
Trước ngày khai hội và trước thềm giỗ Tổ Hùng Vương, tôi lững thững trên sân hành lễ của Khu di tích lịch sử (DTLS) Đền Hùng dưới chân Nghĩa Lĩnh rộng dài, tít tắp như những đường băng có nắng gió thênh thang. Chợt âm hưởng thơ của Nguyễn Đức Mậu dìu dặt vọng về: “… Trong Đền Hùng tĩnh lặng tôi nghe/ Tiếng giã gạo nhịp chày rung núi/ Thuở cây lúa hóa thân từ cỏ dại/ Bánh chưng, bánh dày như trời đất đầy vơi…” (Khúc hát cội nguồn). Khu DTLS Đền Hùng hôm nay, cảnh quan và diện mạo đã được thay đổi căn bản; không như thời điểm Bác Hồ nói chuyện với các chiến sĩ đại đoàn quân Tiên Phong (đầu tháng 10/1954) khi về tiếp quản Thủ đô mà Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; cũng không như thời điểm Chế Lan Viên sáng tác bài thơ “Sau nghìn năm lửa đạn, lại Hùng Vương” (năm 1972). Quần thể khu di tích gồm Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Giếng, Đền thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Lạc Long Quân, Lăng Hùng Vương cùng hệ thống sân bãi, hạ tầng và các loài cây quý hiếm được trồng mới… đã tạo thành một không gian tâm linh trang nghiêm, hiện đại, sẵn sàng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của đồng bào và du khách quốc tế về thăm viếng.
Lễ tế Nữ Quan đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa (ảnh 1). Lễ hội bơi chải truyền thống phường Bạch Hạc trên sông Lô (ảnh 2). Lễ hội rước voi xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy (ảnh 3) là các hoạt động xuyên suốt dịp Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng hàng năm của tỉnh Phú Thọ.
Bước đột phá trong khâu đầu tư xây dựng, tu bổ khu di tích bắt đầu từ “Dự án tổng thể Khu DTLS Đền Hùng” được Chính phủ phê duyệt năm 1994, tiếp đó, Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển Khu DTLS Đền Hùng đến năm 2015”. Nhưng chỉ tính đến Quốc lễ - giỗ Tổ Hùng Vương năm 2010, diện mạo khu di tích đã thay đổi căn bản, xứng đáng là Di sản văn hóa thế giới. Tỉnh Phú Thọ đã huy động kinh phí từ các nguồn vốn, với trên 700 tỷ đồng, đầu tư xây dựng, tu bổ nhiều công trình, đền đài, lăng tẩm, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, gìn giữ “không gian thiêng”. Không dừng lại ở đó, dự kiến từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ huy động khoảng 4.500 tỷ đồng tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy các giá trị Khu DTLS Đền Hùng, xứng tầm là Khu di tích quốc gia đặc biệt quan trọng bậc nhất nước ta, đưa khu di tích thành điểm du lịch - văn hóa - tâm linh hấp dẫn, thiêng liêng nhất và đưa TP Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Dù có đi đâu, về đâu, hãy nhớ về giỗ Tổ hoặc hành hương về đất Tổ. Bạn sẽ được tắm mình trong các sắc màu rực rỡ của các lễ hội; sẽ được hóa thân vào các trò chơi, diễn xướng dân gian; sẽ được bay bổng cùng những điệu hát xoan mê đắm lòng người; sẽ nôn nao trong âm vang tiếng cồng chiêng làm xao động núi rừng Nghĩa Lĩnh như hồn dân tộc và chỉ cần nghe “Tiếng trống đồng” qua tiếng lòng của Lâm Thị Mỹ Dạ, cũng đủ nhận biết “Bao nhiêu thời đại qua rồi/ Chỉ còn vọng giữa đất trời tiếng ngân”.
Nhiều hoạt động văn hóa được tổ chức trong dịp đại lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Hà Tĩnh. Ảnh: Giang Nam
Sau hơn bốn mươi năm miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nước non ta liền một dải, từ buổi “Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta”, khung cảnh thanh bình và công cuộc từ tái thiết đất nước đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày một lên sắc lên hương, phải chăng được bắt nguồn từ “Khúc hát cội nguồn”? Khúc hát ấy là của “trăm lứa anh hùng” được nở hết lượt này lượt khác từ bọc trăm trứng Âu Cơ đến hôm nay. Khúc hát hào sảng ấy còn là niềm kiêu hãnh, là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Nó được cắt nghĩa một cách đơn giản nhưng bất biến và vĩnh cửu, rằng:
Ảnh: Thu Hương - Phương Thanh (Báo Phú Thọ)
Thiết kế: Huy tùng