Tháng ba bung biêng lửa gạo…
Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Tháng ba - mỗi lần nghe ai đó thảng thốt gọi tên tháng cuối cùng của mùa xuân, trong tôi lại dậy lên nỗi mong chờ hoa gạo. Những bông hoa của làng quê cứ lặng lẽ thắp lửa trên tán cây trầm mặc, tựa hồ như đang cháy lên nỗi cô đơn rực rỡ, nửa chừng như muốn đưa tiễn, như muốn đón đợi một điều gì…

Tháng ba, khi tôi đang mải mê với bao nhiêu lan, cúc, với những cơn mưa bụi giăng giăng trên mái phố thì cậu em ở quê gửi vào tin nhắn bức ảnh những bông hoa gạo đầu mùa. Chỉ thế thôi là bao nhiêu đồng nội, thôn dã lại trở về ngập lòng. Chỉ thế thôi là tôi lại vội vàng thu xếp, bươn bả trở về, chỉ để ngồi bên bến vắng, ngắm nhìn đám lửa gạo soi bóng xuống lòng sông, chỉ để nắm tay cô bạn gái thân, lặng lẽ ngồi bên đám hoa vừa rơi rụng và đeo đuổi những nghĩ suy riêng tư về tình yêu, về nhân tình thế thái…

Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Như những người thôn quê lặng lẽ, cây hoa gạo dù ở góc chùa, bên bờ sông hay ngoài đồng bãi, luôn luôn tàng ẩn một nỗi cô đơn trầm mặc, luôn mang một nét xưa cổ kính. Cây gạo sừng sững là thế mà quanh năm suốt tháng, người ta cứ đi qua, về lại chẳng ai để ý. Mặc vậy, cây cứ âm thầm sinh chuyển, những nụ mầm trên tán cây chót vót cứ lặng lẽ khai mở không ai hay. Cho đến một ngày, từ những tán cành tưởng như khô khốc ấy bật lên những đốm lửa đỏ rực, người ta mới bắt đầu để ý.

Hoa, vì thế cũng mang trong nó những nhân sinh quan đặc biệt. Trong bung biêng những đốm lửa đỏ rực trên cao ấy có niềm kiêu hãnh của một con người biết tin tưởng vào sự thủy chung. Trong bời bời rơi rụng vẫn nguyên sơ rực đỏ ấy, có sự hiến dâng mãnh liệt và trọn vẹn của một kiếp đời…

Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Tôi không nhớ, hoa gạo xuất hiện trong cuộc sống của tôi từ thuở nào. Chỉ biết, khi đi xa làng quê, đó là loài hoa khiến tôi thao thức nhất. Mỗi độ tháng ba trở về, tôi lại thao thiết nhớ một dáng gạo xù xì nơi bến sông quê hương, lại hoài niệm về ngôi chùa cổ kính có cây gạo cổ thụ thân phủ đầy rêu xanh bí ẩn. Với tôi, hoa gạo như một gạch nối giữa thực tại và quá khứ, giữa nỗi buồn và niềm vui, giữa còn và mất, giữa kết thúc và khai mở… Hoa là một lời nhắc nhớ với những ai đã chót lãng quên, là sự cảnh thức với ai còn ngần ngại… Bởi thế, hoa cũng gieo vào lòng tôi một tình yêu thao thiết đến lạ kỳ.

Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Kỳ lạ cũng phải thôi. Bao nhiêu loài hoa đều khiến người ta yêu khi đang rực rỡ, tinh khôi ở trên cành. Riêng hoa gạo lại gợi nhiều cảm xúc nhất khi đã rơi rụng. Lẽ dĩ nhiên, những cô gái đem lòng yêu hoa gạo như tôi hẳn cũng rất yêu thích những câu thơ đầy dự cảm của các thi sỹ. Và, mỗi tháng ba trở về, khi hoa gạo bắt đầu rụng, trong tâm tư lại thầm thĩ những câu thơ ấy như thể đang độc thoại với ký ức của mình, như thể muốn trao đi một niềm thương cảm…

Ai như tôi, đã gặp lại bông hoa gạo tuổi thơ mênh mang buồn trong thơ Lưu Quang Vũ:“Anh làm sao quên được những con đường/ Lá vàng rơi trên cỏ/ Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ” (Từ biệt); Đã nhìn thấy bông hoa gạo làng tôi trong nỗi buồn thẳm xa của Bình Nguyên Trang:“Năm ấy mẹ sinh em, mùa đói/ Tháng Ba nhọc nhằn và hoa gạo rụng hố vôi” (Nỗi niềm tháng ba); Đã cảm nhận về nỗi đa đoan của một đời gạo đỏ trong thơ Đoàn Thị Tảo: “Thế là chị ơi/ Rụng bông gạo đỏ/ Ô hay, trời không nín gió/ Cho ngày chị sinh” (Cho một ngày sinh); Và dự cảm về những mất mát mơ hồ trong sắc gạo đỏ của Phan Huyền Thư: “Xa xôi trong tay người/ Lã chã hoa gạo/ Em nhập nhòe chạy trong mưa đêm/ Anh lập lòe đi tìm hoa gạo” (Hoa gạo)

Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Những cây gạo cổ thụ ở làng tôi là do người ta trồng hay tự mọc? Vì sao, trong không gian ấy, chỉ duy nhất một cây hoa gạo? Tôi đã nhiều lần đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy nhưng nó mãi mãi chỉ là những cắc cớ trong lòng tôi. Có lẽ cây là sự hoá thân của nỗi cô đơn từ muôn kiếp xa xôi nào đó. Và hoa đỏ, là đốm lửa kiêu hãnh, lạnh lùng cất lên một lời sau chót để nói với nhân sinh về sự có mặt của mình.

Khi nghĩ về điều này tôi luôn nhớ cô bạn gái thời trung học. Trước cổng nhà bạn có một cây gạo đỏ. Sau này khi chuyển vào Tây Nguyên sinh sống, nơi bạn ở cũng có cây hoa ấy. Ở đó người ta gọi là hoa Pơ lang. Phải chăng, nỗi cô đơn, niềm kiêu hãnh của loài hoa ấy đã trở thành lẽ sống của bạn tôi.

Tựa như mùa hoa gạo ngắn ngủi, bạn đã khép lại thanh xuân của mình rất vội vàng mà rất kiêu hãnh và chúng tôi luôn nhớ về bạn như nhớ một kiếp đời đã sống rất mãnh liệt, rất trọn vẹn. Đời người, xét cho cùng chẳng quan trọng ngắn dài, miễn rằng, bạn đã sống thật đẹp đẽ trong mỗi tích tắc của thời gian, đã thật rực rỡ trong nhân kiếp của mình!

Tháng ba bung biêng lửa gạo…
Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Hoa gạo. Bạn tôi. Tình yêu. Sự sống. Một lúc nào đó cùng đồng hiện trong suy nghĩ của tôi. Và mỗi khi nhặt lên những bông hoa năm cánh còn rưng rức đỏ ấy, tôi lại gặp mình ở đó. Lặng lẽ và kiêu hãnh. Tôi muốn mình, dẫu có là một bông “hoa gạo đỏ đau nắng đợi” như cách nói của Phan Huyền Thư, dẫu có là bông gạo cháy lên “từ đáy nỗi buồn tôi thăm thẳm” như lời nhà viết kịch Lưu Quang Vũ thì vẫn luôn đau đáu cháy trong trái tim những người tôi đem lòng thương mến. Có lẽ bởi thế mà trong một nỗi buồn chói lọi mà dịu êm của mình, tôi đã viết những vần thơ như thế: “Ta cúi nhặt bông gạo độ tàn xuân/ Đỏ rưng rức sau phút giờ ly biệt/ Thế gian hỡi còn điều gì tha thiết/ Xin giữ cho nhau trong phút cuối hẹn hò”

Tháng ba, trên dòng sông quê hương những bông hoa gạo dập dềnh trôi như những ngôi sao đỏ chấp chới trong nỗi buồn ly biệt. Trên những cánh đồng thưa vắng bóng người, thân gạo già nua vẫn miệt mài thắp lửa. Tháng ba, người ơi hãy trở về, để hoa gạo nhẫn nại và bao dung thắp lửa thương yêu, để nghe trong mình bung biêng treo một niềm kiêu hãnh trong bời bời chia xa…

Tháng ba bung biêng lửa gạo…

Ảnh: Thành pro - Ánh Dương

Video: Thành Pro

thiết kế: huy tùng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast