Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

(Baohatinh.vn) - Tôi về thăm Khu di tích Bạch Đằng Giang ở huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng để lắng nghe trong tiếng sóng Bạch Đằng lời kể về chiến công oanh liệt của cha ông; thắp nén hương trước các đền thờ để hiểu thêm trí tuệ vô song và sức mạnh phi thường từ lòng yêu nước của các bậc anh hùng: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã 3 lần đánh đuổi quân xâm lược hung bạo ra khỏi bờ cõi.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Toàn cảnh Khu tượng đài 3 vị Anh hùng từng đánh thắng giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh

Bước qua chiếc cổng lớn bằng đá của khu di tích, chúng tôi sải chân theo các địa chỉ tâm linh trong không khí thật trong lành và thanh tịnh. Qua nhà đón tiếp và bảo tàng để xem lại hiện vật cọc gỗ, chúng tôi vào đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, đền thờ vua Lê Đại Hành, đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Đức Vương Ngô Quyền và rừng lim, vườn tượng bằng đá mô phỏng quá trình chế tác cọc gỗ Bạch Đằng. Cuối cùng là khu tượng đài 3 vị anh hùng nằm trước cửa sông, giữa ba bề sóng nước; xung quanh là bãi cọc được dựng nổi lên giữa mênh mang trời nước Bạch Đằng.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Bãi cọc được phục dựng ở Khu di tích Bạch Đằng Giang nhắc nhớ chiến công 3 lần chiến thắng giặc ngoại xâm của quân dân ta.

Hơn 1 thiên niên kỷ kể từ năm 938, Ngô Quyền bằng trí thông minh và tài thao lược đã chỉ huy quân sĩ đánh thắng quân Nam Hán. Năm 981, vua Lê Đại Hành nhử quân Tống vào bãi cọc, chờ nước triều lên để phản công tiêu diệt chúng, giành lại giang sơn gấm vóc. Năm 1288, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, nhà chiến lược tài ba đã đánh cho quân Nguyên Mông một trận tơi bời, mở ra trang sử vàng chói lọi. Lịch sử hàng ngàn năm nay đã ghi, hôm nay và mai sau sẽ còn ghi tạc chiến công hào hùng của quân và dân ta.

Thời gian cứ mải miết trôi như dòng nước không ngừng chảy, nhưng trong trái tim của hàng triệu người dân Việt Nam, niềm kính yêu và ngưỡng mộ các vị anh hùng vẫn còn nguyên vẹn. Tiếng sóng Bạch Đằng vẫn luôn âm vang, thúc giục tình yêu nước, niềm kiêu hãnh và tự hào dân tộc thiêng liêng. Trong “Bạch Đằng Giang phú” (Bài phú sông Bạch Đằng), Trương Hán Siêu ở thế kỷ XIV đã từng viết:

Sông Đằng một dải dài ghê

Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông

Những người bất nghĩa tiêu vong

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh

Bài thơ “Bạch Đằng hải khẩu” của Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV cũng từng khắc họa: Quan hà hiểm yếu trời kia đặt/ Hào kiệt công danh đất ấy từng.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Tượng đài 3 vị Anh hùng từng chiến thắng ngoại xâm trên sống Bạch Đẳng (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vua Lê Đại Hành, Đức Vương Ngô Quyền)

Nhà báo Bùi Minh Châm (PV Báo Hải Phòng) cho hay: Khu di tích rộng gần 20 ha nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh. Khu vực hoạt động của Nhà máy Xi măng Hải Phòng cũng nằm trong đó. Bắt đầu từ ý tưởng của nguyên Giám đốc Nhà máy Xi măng Hải Phòng - nay là Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành, năm 2008, tập thể cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng bắt đầu xây dựng khu di tích. Công trình đầu tiên được xây dựng vào năm này là linh từ Tràng Kênh và đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 2009, đền Tràng Kênh Vọng Đế thờ vua Lê Đại Hành được xây dựng. Năm 2011, đền thờ Đức Vương Ngô Quyền được xây dựng.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Đền thờ Đức Vương Ngô Quyền

Từ năm 2011 đến nay, quy mô khu di tích tiếp tục được mở rộng, đầu tư xây dựng thêm các công trình đền Mẫu, đền thờ Bác Hồ, chùa Trúc Lâm Tràng Kênh. Đặc biệt, năm 2017, Quảng trường Chiến thắng được xây dựng với 3 pho tượng của 3 vị anh hùng dân tộc (đúc bằng đồng cao 11m) và dưới sông là bãi cọc gồm 180 chiếc mô phỏng trận địa cọc xưa. Đầu năm 2019, với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Ban Quản lý di tích tiếp tục đầu tư xây dựng khu rừng lim, vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng...

Vườn tượng - hình hài của lịch sử

Dù mới đưa vào sử dụng mấy tháng nhưng khu vườn tượng mô phỏng quá trình chế tác cọc gỗ của quân và dân ta chống ngoại xâm đã thu hút khá nhiều du khách chiêm ngưỡng.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Du khách thích thú tham quan Vườn tượng minh họa cảnh chế tác cọc gỗ Bạch Đằng

Các nghệ nhân đã thổi hồn vào các bức tượng bằng đá khiến người xem hình dung rất rõ không khí lao động khẩn trương, sôi nổi và sự thông minh, mưu lược của quân dân ta. Đầu tiên là việc chặt, đẽo gỗ từ khi là cành cây trên rừng đến lúc thành cọc nhọn hai đầu, rồi khiêng, kéo xe, đẩy cọc xuống thuyền, buộc dây, dùng tời để giữ cọc thăng bằng, đóng cọc xuống lòng sông, phút nghỉ ngơi uống bát nước, các bà, các mẹ quạt và động viên… Tất cả hiện lên rõ rệt như một pho sử không lời. Sống động. Rõ nét. Gợi cảm! Từ hình hài, vóc dáng đến khuôn mặt, từ người tới vật. Tôi để ý nhiều vị khách cao niên nhìn ngắm, giảng giải cho nhau và bình phẩm từng bức tượng.

Âm vang tiếng sóng Bạch Đằng

Cảnh chế tác cọc gỗ Bạch Đằng

Anh Phùng Vĩnh Lâm đến từ thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Đến khu di tích, tôi rất ấn tượng về phong cảnh và cách bài trí, sắp xếp ở đây, đặc biệt là khu vườn tượng”.

Do thời gian có hạn nên chúng tôi không lên chùa Tràng Kênh và đền Mẫu nhưng ấn tượng về một không gian lịch sử vừa linh thiêng, tôn kính, sống động, vừa sạch sẽ, thoáng đãng, thanh tịnh thật khó quên. Nhà báo Thư Anh (Báo Hải Phòng) nói thêm: “Điều đặc biệt của khu di tích này chính là “ba không”: Không thu phí, không hàng quán và không rác thải. Nước uống miễn phí. Du khách tham quan xong ra nhà hàng ở ngoài cổng có cơm chay được phục vụ. Đây là điều ít nơi làm được.

Khi chúng tôi ra về cũng là lúc nhiều đoàn khách tấp nập đến tham dự Lễ giỗ Bác Hồ (21/7 âm lịch) tại đền thờ Bác Hồ và viếng thăm các hạng mục di tích. Ngoài kia, sóng Bạch Đằng vẫn vỗ, như tiếng cha ông ngàn đời vọng lại. Và bức tượng của ba vị anh hùng sừng sững trước cửa ngõ Tổ quốc.

Hải Phòng - Hà Tĩnh tháng 8/2019

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast