Bập bùng bếp lửa...

(Baohatinh.vn) - Nói đến Tết không thể không nhắc tới bếp lửa. Trong những mùa đông rét mướt, nhất là ngày cận kề Tết cổ truyền, lòng tôi lại nôn nao nhớ căn bếp của bà nội...

Bên nồi bánh chưng xanh. Ảnh: internet

Bên nồi bánh chưng xanh. Ảnh: internet

Đó là căn bếp mái tranh. Cạnh bức liếp ngăn giữa nhà trên và gian bếp là chiếc cối xay lúa, cách một đoạn là chiếc mươn (mâm dọn ăn bằng tre) và những ghế bằng mây đã lên nước nâu bóng, xung quanh là chạn để thức ăn và bếp lửa. Với tôi, đó là một căn bếp có đầy đủ các yếu tố truyền thống của người Việt. Mỗi lần nhớ về gian bếp ấy là những câu thơ của Bằng Việt lại vang lên: Một bếp lửa chờn vờn sương sớm/ Một bếp lửa ấp iu nồng đượm.

Tảng sáng mùa đông cũng như mùa hè, cứ nghe tiếng bầy vịt kêu ngoài ao đầu ngõ là bà tôi lục đục trở dậy và bắt đầu nhóm bếp. Bếp có khi được đun bằng củi nhưng chủ yếu là lá chuối, lá tro. Và khi mùi khói cùng mùi cơm sôi bắt đầu tỏa lên tận nhà trên thì tôi mới dậy và xuống bếp ngồi bên cạnh bà. Khi đã vần nồi cơm lên trên lớp mun còn đỏ rựng, bắc ấm nước lên, bà mới giao việc trông coi bếp lửa cho tôi để quay ra xay lúa hoặc lo việc gà qué. Tôi vừa đun nước, vừa giở cái mo cau đậy bình nước mắm dam (cua đồng) bà muối để bên cạnh bếp, múc ra một bát bày lên mươn chuẩn bị cho bữa sáng…

Những ngày cận tết, anh trai tôi thường chở về cho bà những gốc cây trện anh đào trên núi để nấu bánh chưng. Đêm 30, khi cha tôi sắp bánh vào nồi thì hai bà cháu cũng đã xong việc chuyển chiếc kiềng sắt ra giữa sân và soạn sửa nhóm bếp. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau cùng ôn chuyện cũ. Khi củi bắt đầu đượm thành than, anh tôi mới lấy mấy củ sắn cho vào nướng. Đêm trừ tịch cứ trôi trong râm ran chuyện trò và mùi thơm của sắn nướng, của củi, của bánh chưng.

Giờ đây, bà tôi đã đi xa, gian bếp của bà nay chỉ là thềm đất xanh rêu nhưng đúng như Bằng Việt từng thốt lên Ôi kỳ lạ và thiêng liêng bếp lửa!. Nỗi hoài niệm về những năm tháng cơ cực mà ấm áp của tuổi thơ vẫn bập bùng trong ký ức…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast