Áp dụng trả góp 0% qua ngân hàng giúp doanh số bán hàng của Hoàng Hà Mobile tăng cao
Khách hàng chỉ cần có thẻ ghi nợ nội địa, thẻ tín dụng... bên bán hàng sẽ tự khắc tư vấn các gói vay trả góp ưu đãi nhất để “đôi bên cùng có lợi”. “Sức nóng” của gói dịch vụ cho vay lãi suất 0% không chỉ thu hút khách hàng mà còn đẩy sức tiêu thụ của các dịch vụ bán hàng lên cao.
Chị Lê Yến Hà - nhân viên bán hàng của Cửa hàng bán lẻ điện thoại Hoàng Hà Mobile (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Xu hướng khách hàng hiện nay sử dụng mua hàng trả góp khá lớn. Hầu như khách hàng nào vào cửa hàng cũng hỏi các chính sách trả góp. Với những thẻ tín dụng của VIB, Sacombank, VPBank, Maritimebank và Shinhan, khách hàng trả góp lãi suất 0% trong vòng 6 tháng. Nhờ vậy, doanh số vào những tháng cuối năm tăng 2 - 3 lần so với các tháng khác”.
Các ngân hàng tăng cường “bán chéo” sản phẩm để các dịch vụ tiếp cận nhanh nhất với khách hàng
Theo tư vấn của nhân viên cửa hàng, ngoài mức trả đầu tiên từ 2 - 3 triệu đồng cho sản phẩm của mình, khách hàng sẽ được miễn phí hoặc mất thêm 1% phí chuyển đổi (từ tiêu dùng thẻ tín dụng sang trả góp qua thẻ tín dụng- PV) tùy vào ngân hàng. Số tiền trả góp hàng tháng đảm bảo hoàn thành trước ngày sao kê của ngân hàng thì khách hàng sẽ không bị tính lãi.
Không chỉ mua hàng trực tiếp, gần như tất cả các trang bán hàng online, thương mại điện tử đều thực hiện hình thức trả góp thông qua thẻ tài khoản ngân hàng. Phương thức liên kết giữa nhà cung cấp dịch vụ và ngân hàng là cách đưa sản phẩm đến gần nhất với người tiêu dùng. Anh Nguyễn Văn Sơn (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Tôi vừa mua chiếc iPad trị giá trên 7 triệu đồng qua một kênh bán hàng online. Giá trị món hàng không lớn nhưng chọn hình thức trả góp để giảm áp lực chi tiêu một lần. Mình thấy thanh toán qua tài khoản tín dụng rất tiện lợi và văn minh”.
Không chỉ mua sắm trực tiếp, các kênh bán hàng online đều hỗ trợ trả góp từ ngân hàng
Mảnh đất “màu mỡ” này đã kéo tất cả các ngân hàng “nhập cuộc”, từ những “ông lớn” như: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, đến những ngân hàng lấy cho vay tiêu dùng là thế mạnh như: Seabank, VPBank, Sacombank... Thậm chí, nhiều người cho rằng, kênh ngân hàng phát triển, người tiêu dùng cảm thấy an tâm hơn là sử dụng dịch vụ từ các công ty tài chính. Đó là một trong những lý do khiến mảng dịch vụ này phát triển mạnh.
Không chỉ cho vay, việc “kích thích” mua sắm được các ngân hàng chăm sóc khá kỹ lưỡng. Vào dịp này, những điểm chấp nhận quét mã QR từ tài khoản ngân hàng sẽ được hoàn tiền từ 200 đến hàng triệu đồng cho một lần mua sắm. Chị Hoàng Thị Ngọc Thảo - Phó phòng Dịch vụ khách hàng Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Tất cả các trung tâm mua sắm, siêu thị và cửa hàng mua sắm trên địa bàn đều hỗ trợ dịch vụ quét mã QR, khách hàng được nhận ưu đãi hoàn tiền trực tiếp. Vietcombank cũng hỗ trợ đồng thời nhiều dịch vụ ngân hàng khác như trả góp qua thẻ tín dụng, POS... tạo sự phong phú cho khách hàng lựa chọn và thúc đẩy tiêu dùng tăng cao”.
Dư nợ bán lẻ từ các ngân hàng hiện chiếm từ 50%- 70% tổng dư nợ và phân khúc này đang tạo cuộc đua mới cho ngân hàng. Sức cạnh tranh càng cao, ưu đãi dành cho khách hàng càng lớn và tăng cao chỉ số tiêu dùng tại Hà Tĩnh.