Giá trị báu vật Vua Hàm Nghi trong đời sống người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tự hào là mảnh đất nơi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương vào năm 1885, cũng là nơi vua ban nhiều báu vật để dâng cúng Thánh mẫu, hàng trăm năm nay, người dân xã Phú Gia (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã thay nhau gìn giữ báu vật vua ban. Với họ, đó là báu vật linh thiêng, có giá trị tâm linh và giáo dục sâu sắc.

Giá trị báu vật Vua Hàm Nghi trong đời sống người dân Hà Tĩnh

Áo Hoàng bào của Vua Hàm Nghi đang được lưu giữ tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê.

Tích xưa truyền lại, một đêm tháng 9/1885, khi Vua Hàm Nghi nghỉ tại đền Trầm Lâm trong những ngày lưu lại Phú Gia, trong giấc mơ, nhà vua được Thánh mẫu báo mộng quân giặc sắp tới vây ráp. Tỉnh mộng, nhà vua đã triệu họp quân thần làm lễ xuống đền tạ ơn thần và dâng nhiều báu vật để nhân dân thờ cúng Thánh mẫu.

Báu vật vua ban tại Phú Gia hiện còn 2 con voi vàng, 1 con voi đồng, 1 con nghê, 2 thanh bảo kiếm, 37 đục đạc cùng các bộ áo mũ triều thần, áo hoàng bào và 40 đạo sắc phong. Tất cả đang được người dân xã Phú Gia trân trọng và thay nhau gìn giữ chu đáo, cẩn thận. Xã bầu một người đứng ra giữ gìn báu vật, gọi là Cố đạo chủ. Theo truyền thống, người được lựa chọn làm Cố đạo chủ là vị cao niên trong xã, trong gia đình cụ ông và cụ bà còn khỏe mạnh, có đạo đức, có kiến thức văn hóa.

Giá trị báu vật Vua Hàm Nghi trong đời sống người dân Hà Tĩnh

Bảo kiếm của Vua Hàm Nghi được gìn giữ cẩn thận

Anh Lê Xuân Sang - cán bộ văn hóa xã Phú Gia cho biết: “Trong xã, già trẻ, gái trai ai ai cũng rất tự hào về báu vật vua ban. Các thế hệ con cháu lớn lên đều được nghe câu chuyện về những đạo sắc của Vua Hàm Nghi, coi đó là bài học giáo dục sâu sắc. Không chỉ những người được giao trọng trách làm Cố đạo chủ, thế hệ trẻ trong làng đều trân trọng và góp sức gìn giữ, phát huy các giá trị của đạo sắc trong đời sống”.

Hiện tại, Cố đạo chủ đương nhiệm là ông Trần Văn Nhung. Ông Nhung chia sẻ: “Được chọn làm Cố đạo chủ là một vinh dự lớn đối với tôi và gia đình. Trong nhà, cả vợ và các con tôi đều lo chu tất việc thờ phụng nhà vua và báu vật vua ban. Tôi nghĩ, nếu mình chăm lo chu tất thì sẽ được nhà vua phù hộ, độ trì cho quốc thái dân an, đất nước, tỉnh nhà phồn vinh, xã nhà ngày càng phát triển. Mình làm tốt thì Cố đạo chủ kế tiếp cũng sẽ nỗ lực làm tốt”.

Giá trị báu vật Vua Hàm Nghi trong đời sống người dân Hà Tĩnh

Lễ rước sắc phong của Vua Hàm Nghi vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm tại xã Phú Gia (người mặc áo dài đỏ là Cố đạo chủ đương nhiệm Trần Văn Nhung).

Thông thường, mỗi lần thay Cố đạo chủ, người dân trong làng sẽ cùng nhau thực hiện lễ rước sắc từ nhà cố đạo cũ đến nhà cố đạo mới. Đó là tín ngưỡng đẹp trong đời sống văn hóa của người dân Phú Gia. Vào ngày rước đạo sắc, dọc cung đường rước, người dân hai bên đường sẽ bày biện trầu cau, rượu, bánh và thắp hương để nghênh đón, mời những người đi trong đoàn thưởng thức lộc đầu xuân.

Anh Trần Kim Đồng - người dân thôn Phú Nhượng chia sẻ: “Lễ rước sắc phong của Vua Hàm Nghi là một nghi lễ thiêng liêng, được tất cả người dân trong làng đón đợi. Vào những năm làng tổ chức lễ rước thì chúng tôi chuẩn bị lễ vật tham gia đoàn rước. Vào những năm không rước thì chúng tôi đến nhà Cố đạo chủ để thắp hương, khấn cầu nhà vua độ trì cho quê hương và con cháu. Chúng tôi cũng luôn lấy những câu chuyện về Vua Hàm Nghi làm bài học giáo dục cho con cháu về tình yêu, trách nhiệm đối với đất nước”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast