Giáo sư Phan Huy Lê mãi còn với hồn thiêng sông núi

(Baohatinh.vn) - Nghe tin Giáo sư Phan Huy Lê từ trần, dẫu biết rằng, với người già, việc sinh tử khó đoán trước được mà sao tôi vẫn thấy bàng hoàng, hẫng hụt. Mới cách đây mấy tháng, tôi còn thấy ông trên truyền hình Việt Nam. Thường thì nghe giọng nói trầm ấm thân thuộc của ông, dù đang làm gì, tôi cũng dừng tay ngắm nhìn ông, nghe những lời nhận định rất sắc sảo và tường minh của ông về những vấn đề thuộc khoa học lịch sử.

Giáo sư Phan Huy Lê mãi còn với hồn thiêng sông núi

Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh TT&VH

Vậy mà ông đã ra đi! Cây đại thụ của giới nghiên cứu lịch sử nước nhà đã ngã xuống, để lại sự xót xa tiếc nuối trong lòng biết bao người.

Giáo sư Phan Huy Lê sinh ngày 23/2/1934 ở làng Thanh Tân, xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà (nay là huyện Lộc Hà – Hà Tĩnh). Ông thuộc lớp hậu sinh của nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà ngoại giao Phan Huy Ích. Thân phụ ông là Tiến sĩ Hán học Phan Huy Tùng. Dòng họ Phan Huy là dòng họ “trâm anh thế phiệt”, khoa bảng nhiều đời. Vùng đất văn hóa ấy cùng với truyền thống hiếu học của gia đình đã hun đúc chí lớn học hành trong ông, để rồi từ một học sinh xuất sắc của trường cấp 3 Phan Đình Phùng, ông thành sinh viên Đại học sư phạm khoa Sử-Địa, rồi theo năm tháng, cùng niềm say mê tìm tòi khám phá, ông trở thành nhà khoa học nổi tiếng trong giới nghiên cứu Lịch sử.

Các nhà nghiên cứu Lịch sử, các đồng nghiệp, học trò ngưỡng mộ, noi theo ông bởi khát khao không bao giờ vơi cạn đi đến những chân trời mới của khoa học. Cùng với đó là bao nhiêu lao tâm khổ tứ tìm tòi sáng tạo và những đêm trắng bên kho tư liệu, những chuyến đi đến các miền đất trong cả nước khám phá các trầm tích, tìm hiểu từng di chỉ của bao triều đại nằm dưới lòng đất.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê là một trong những chuyên gia về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990-1995), khóa III (1995-2000), khóa IV (2000-2005), khóa V (2005-2010) và khóa VI (2010-2015), Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học năm 2016. Giáo sư Phan Huy Lê nhận học hàm Giáo sư từ năm 1980, nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1994. Ông được tặng Giải thưởng Quốc tế Văn hóa châu Á Fukuoka, Nhật Bản (năm 1996), Giải thưởng Nhà nước (năm 2000), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Pháp (năm 2002), danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn thuộc Học viện Pháp quốc (năm 2011). Năm 2016, Giáo sư Phan Huy Lê được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học vì những đóng góp xuất sắc cho nền sử học nước nhà.

Thành công của Giáo sư Phan Huy Lê trên lĩnh vực nghiên cứu thì rất nhiều, nhưng thành công lớn nhất vẫn là quá trình cùng các cộng sự tìm lại những dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long, lập hồ sơ đề nghị thế giới công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, nhân dân cả nước vào thăm di tích Hoàng Thành với kho hiện vật đồ sộ và “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài”, ít người biết có một vị giáo sư đã dày công và khổ nhọc với hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận như thế nào.

Giáo sư Phan Huy Lê mãi còn với hồn thiêng sông núi

Giáo sư Phan Huy Lê và các chuyên gia khảo sát di tích Hoàng thành Thăng Long

Để xây dựng hồ sơ đề cử di sản Hoàng Thành Thăng Long, bắt đầu từ năm 2006, các nhà khoa học đã tập trung sưu tập, nghiên cứu, dịch thuật để trong năm 2008 kịp nộp hồ sơ cho UNESCO trước ngày 30/9/2008, rồi hoàn chỉnh phần phụ lục trước tháng 1/2009. Hồ sơ được đánh giá có chất lượng cao và đợt làm việc với chuyên gia thẩm định vào tháng 10/2009 cũng đạt kết quả tốt. Tất cả đều thuận lợi và việc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới coi như nắm chắc trong tay. Nhưng khó khăn lớn nhất và hết sức bất ngờ là đầu tháng 6/2010, khi nhận được báo cáo của ICOMOS (Trung tâm Quốc tế về di tích và di chỉ của UNESCO) đưa ra một số lý do để đề nghị hoãn việc công nhận vào những năm sau.

Lần này, ông được giao là Tổ trưởng tổ chuyên gia, cùng các cộng sự nghiên cứu rất kỹ bản báo cáo của ICOMOS để trả lời tất cả lý do họ đưa ra, giải trình một cách khoa học và thuyết phục để bảo vệ hồ sơ đề cử Hoàng thành Thăng Long.

Giáo sư Phan Huy Lê mãi còn với hồn thiêng sông núi

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ cho Giáo sư Phan Huy Lê. Ảnh: TT&VH

Kết quả trong kỳ họp 34 của Ủy ban Di sản thế giới tại Brasilia (Thủ đô Brazil), trên cơ sở các luận chứng vững vàng của hồ sơ kết hợp với sự vận động ngoại giao được chuẩn bị rất chu đáo trước và trong kỳ họp, đoàn Việt Nam đã giành được thắng lợi rực rỡ. Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội đã được vinh danh là Di sản văn hóa với sự thông qua của 21/21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới vào sáng 1/8/2010 theo giờ Việt Nam. Di sản Hoàng Thành Thăng Long được ghi vào danh sách di sản thế giới với con số rất đẹp: số 900.

Hồi ấy, được ông hẹn trước, tôi ra Hà Nội gặp ông để viết bài Hoàng Thành Thăng Long nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dù bận rất nhiều việc, có lịch hẹn kín với khách trong nước và nước ngoài nhưng ông vẫn dành thời gian cho tôi. Ông không giấu được niềm vui về sự kiện lớn lao ấy. Ông kể: “Đêm 30/7, hầu như tôi không ngủ được để chờ tin tức từ Brazil. Thật là một món quà vô giá để dâng lên lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long”. Rồi ông say sưa chỉ tay vào tấm bản đồ lớn của Hà Nội xưa ở trên tường. Ông nói về sự trung thực và tôn trọng sự thật khách quan của một người viết sử.

Như một cơ duyên, những lần sau ra Hà Nội, ngôi nhà số 7 Vọng Đức đã quen thuộc với bước chân tôi. Rồi những lần ông về Hà Tĩnh, tôi đã đến thăm ông ở thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu. Tôi biết ông trân quý họ mạc, quê cha đất tổ biết nhường nào. Hồi ấy, tôi đã hiểu vì sao dòng họ này bao nhiêu đời con cháu đều thành danh.

Căn nhà ông Phan Huy Xương (bố anh Phan Huy Hiền - Phó TBT Báo Nhân Dân) thật ấm cúng trong một không gian đậm đặc văn hóa ngày ông bà trở về. Sau này, không có điều kiện gặp ông, thỉnh thoảng tôi lại điện thoại cho ông hoặc nhắn tin. Có khi gặp được vợ ông, bà đã kể cho tôi về những chuyến đi của ông. Có lần từ Sài Gòn trở về, ông bị bệnh dọc đường, bà phải nhanh chóng đặt vé hạng thương gia, đưa ông về Hà Nội nhập viện. Sau này, tôi biết ông bị bệnh cao huyết áp, có lần bị tai biến, phải nhập viên. Nhưng cứ khỏe là ông vùi đầu vào nghiên cứu, viết sách.

Là nhà văn hóa, trong đời thường, ông luôn lịch thiệp, giản dị và từ tốn. Dù khi không thể thu xếp để tôi gặp gỡ trò chuyện viết bài, ông vẫn không quên nói lời xin lỗi thật nhẹ nhàng mặc dù tôi chỉ là bậc con cháu. Tôi không thể nào quên dư âm giọng nói ấm cúng và thân thiết của ông, khi tôi gặp lần đầu cũng như lần cuối qua điện thoại.

Giờ ông đã về với hồn thiêng sông núi, về với ông cha tổ nghiệp mà cả một đời ông ấp ủ tôn vinh, để lại kho di sản vô giá là các tác phẩm nghiên cứu, các công trình khoa học mà ông đã dồn hết trí tuệ, tâm huyết cả đời người, từ khi còn là sinh viên khoa Sử cho đến giây phút cuối cùng trên giường bệnh.

Không có điều kiện ra Hà Nội viếng ông, tôi viết những dòng này, trước hết là tiễn biệt một nhân cách văn hóa, một nhà khoa học chân chính, sau nữa là thay cho lời tri ân của lớp hậu sinh đối với một Viện sĩ, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử đã có nhiều đóng góp cho sự trường tồn của Lịch sử Việt Nam, làm ngời sáng những giá trị to lớn của lịch sử nước nhà.Tôi tin rằng, cũng như tôi, trong tâm tưởng của nhiều người, Giáo sư Phan Huy Lê còn sống mãi, bóng hình ông còn lưu ảnh cùng sông núi, linh hồn ông mãi hòa quyện với cỏ cây đất trời Việt Nam.

Một số công trình nghiên cứu tiêu biểu của GS Phan Huy Lê:

- Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1959.

- Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, tập II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1960; in lần thứ hai, 1962.

- Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1961.

- Khởi nghĩa Lam Sơn (đồng tác giả), in lần thứ ba, có bổ sung và sửa chữa, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977; in lần thứ tư, Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005.

- Lịch sử Việt Nam (đồng tác giả), tập I, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983; tái bản 1985, 1991.

- Về quá trình dân tộc của lịch sử Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hà Nội, 1990.

- Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay (Chủ biên), tập II, Hà Nội, 1996; tập III, Hà Nội, 1997.

- Tìm về cội nguồn, tập I, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1998; in lần thứ hai, 1999; tập II, 1999.

- The country life in the Red River delta (Co-author), The gioi Publisher, Hanoi, 1999 Vietnam, Art et Culture de la préhistoire à nos jours (đồng tác giả), Nxb. Snoeck, Bruxelles-Vienne, 2003.

- Địa bạ cổ Hà Nội (Chủ biên), tập I, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2005, in lần thứ hai, 2010; tập II, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2008, in lần thứ hai, 2010.

- Lịch sử và Văn hóa Việt Nam, Tiếp cận bộ phận, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007; in lần thứ hai, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Thăng Long - Hà Nội (Chủ biên), 2 tập, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Việt Nam (Chủ biên), tập I+II, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2012.

- Lịch sử Quân sự Việt Nam (Chủ biên), tập V, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2013.

  • Giáo sư Phan Huy Lê mãi còn với hồn thiêng sông núi
    Giáo sư Phan Huy Lê - Một đời duyên nợ với Thăng Long

    Dù không hẹn trước nhưng qua điện thoại, biết tôi từ Hà Tĩnh ra, bằng giọng nói nằng nặng thấm đẫm nắng mưa quê nhà, ông cho tôi một cuộc hẹn ngắn ngủi.Thế là cũng đã quá nhiều đối với một giáo sư Sử học mà danh tiếng vươn ra ngoài phạm vi quốc gia còn thời gian thì luôn eo hẹp. Trong căn phòng khiêm nhường ở ngôi nhà số 7 phố Vọng Đức-Hà Nội, với gương mặt rạng rỡ, phong thái vừa cao sang vừa gần gũi, hoà quyện giữa nét mộc mạc Hà Tĩnh với thanh lịch Hà Nội và những câu chuyện đầy đam mê, ông đã để lại những xúc cảm đẹp đẽ trong tôi.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast