Vệ tinh đầu tiên trên thế giới được điều khiển “tự sát”

Aeolus, vệ tinh thời tiết Anh không còn hoạt động, được điều khiển lao xuống Đại Tây Dương nhằm giảm thiệt hại mà rác vũ trụ có thể gây ra.

Vệ tinh đầu tiên trên thế giới được điều khiển “tự sát”

Vệ tinh Aeolus được điều khiển lao xuống Trái Đất thay vì tự rơi không kiểm soát. Ảnh: ESA

Nhóm điều khiển nhiệm vụ tại Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đã đưa Aeolus, vệ tinh cung cấp dữ liệu cho các trung tâm thời tiết trên khắp châu Âu từ năm 2018, đến “nơi an nghỉ” thành công. Khoảng 1h ngày 29/7 (giờ Hà Nội), Văn phòng Rác Vũ trụ thuộc ESA cho biết, vệ tinh đã lao trở lại khí quyển.

Aeolus ban đầu không được thiết kế để hồi quyển có kiểm soát khi kết thúc nhiệm vụ, nhưng ESA quyết định sử dụng lượng nhiên liệu ít ỏi còn lại để điều khiển vệ tinh này. Đây là lần đầu tiên hoạt động hồi quyển có kiểm soát như vậy diễn ra.

Trong điều kiện bình thường, Aeolus sẽ tự giảm dần độ cao và rơi trở lại Trái Đất, bốc cháy trong khí quyển. Bằng cách điều khiển vệ tinh này đâm xuống đại dương, ESA hy vọng sẽ giảm thiểu nguy cơ mảnh vỡ rơi trúng người hoặc tài sản, dù nguy cơ này vốn rất nhỏ. Nhóm chuyên gia cũng tìm cách thu thập dữ liệu phục vụ cho việc đưa vệ tinh hồi quyển trong tương lai và chứng minh phương pháp mới, với hy vọng các nước và tổ chức vũ trụ có thể làm theo.

Aeolus phóng vào tháng 8/2018, trở thành vệ tinh đầu tiên theo dõi các luồng gió của Trái Đất từ ngoài không gian. Vệ tinh nặng 1.360 kg, do công ty Airbus Defense and Space ở Stevenage, Hertfordshire, Anh, chế tạo. Nó mang theo một thiết bị laser tinh vi gọi là lidar gió Doppler, giúp giới nghiên cứu cải tiến dự báo thời tiết và các mô hình khí hậu.

Aeolus dự kiến hoạt động ba năm nhưng thực tế đã kéo dài thêm gần hai năm. Vệ tinh này rơi khỏi độ cao vận hành từ ngày 19/6 và thực hiện thao tác điều chỉnh hướng rơi quan trọng đầu tiên hôm 24/7. Aeolus nằm trong số khoảng một trăm tấn rác vũ trụ gồm vệ tinh ngừng hoạt động, thân tên lửa và các bộ phận khác lao xuống khí quyển Trái Đất mỗi năm.

Theo VNE

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.