Đều đặn thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, các nghệ nhân lại gặp nhau tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ
Cứ đều đặn thứ ba và thứ 5 hàng tuần, các nghệ nhân lại gặp nhau tại Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ (Tiên Điền – Nghi Xuân) để biểu diễn phục vụ du khách. Tuy nhiên, chương trình nhiều khi chỉ có ba nghệ nhân và nhạc công mà không có khán giả.
Nghệ nhân dân gian Đặng Thùy Vân – Trung tâm VHTT huyện Nghi Xuân – người từng giành 4 huy chương vàng tại các kỳ liên hoan toàn quốc về ca trù trải lòng: “Mỗi lần ốm nhưng được hát ca trù lại thấy mình khỏe ra, nhất là biểu diễn cho những khách “sành”. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều nghệ nhân ca trù đã bỏ nghề, để lại khoảng trống khó lấp đầy”.
Hội thi tiếng hát học đường huyện Nghi Xuân được tổ chức 2 năm một lần từ 2008 đến nay nhằm duy trì, bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể
Năm 2015, ca nương thành danh Dương Thị Nết đã tìm đến “miền đất hứa” - CHLB Đức để mưu sinh. Chưa đầy 1 năm sau (2016), nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh cũng gác lại niềm đam mê ca trù để sang Đài Loan tìm kiếm việc làm. Bộ ba Nết - Xanh - Vân vốn là niềm tự hào của huyện Nghi Xuân và là hạt nhân trong các kỳ hội diễn ca trù toàn quốc, chỉ còn lại Vân. Trước đó, ca nương Cao Thị Hà từng đoạt huy chương vàng toàn quốc cũng đành bỏ dở ca trù vì lấy chồng xa.
Hội thi còn là cơ hội để các nghệ nhân nhí có cơ hội giao lưu, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian này
Hiện tại, trong số 20 thành viên CLB Ca trù Cổ Đạm, chỉ còn lại duy nhất cụ Phan Thị Già và rất ít ca nương có thể tham gia biểu diễn được một chương trình trọn vẹn. Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng "chảy máu" nghệ nhân và thu hút người học bộ môn ca trù.
Phó Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nghi Xuân Trần Thị Cảnh cho biết: “2 CLB ca trù Cổ Đạm và Nguyễn Công Trứ được thành lập từ năm 1995 và 1998. Tuy nhiên, đến năm 2015 mới được hỗ trợ 65 triệu đồng/CLB (năm 2015) và 30 triệu đồng/CLB vào năm 2016. Từ năm 2016 đến nay, nguồn kinh phí này bị cắt khiến các CLB rơi vào thế khó. Để duy trì hoạt động của các CLB, trung tâm phải làm mọi cách để động viên các thành viên nhưng chẳng được bao nhiêu”.
Từ trái qua: Nghệ nhân Võ Thanh Tuấn, nghệ nhân dân gian Đặng Thùy Vân và nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài trong một buổi diễn
Nghệ nhân ưu tú Trần Văn Đài - Chủ nhiệm CLB Ca trù Cổ Đạm (chồng nghệ nhân ưu tú Dương Thị Xanh) không giấu nổi nỗi buồn cho biết: “Thành viên tham gia CLB chủ yếu là nông dân yêu thích ca trù nên đến sinh hoạt để thỏa mãn niềm đam mê, chứ không hề nhận được nguồn tiền hỗ trợ nào. Nghệ nhân không sống được với nghề nên ít người đến học nghề”.
Ca trù là loại hình âm nhạc bác học (ngày xưa chỉ phục vụ tầng lớp quan lại) kén người nghe và rất khó học. Những nghệ nhân ưu tú cũng chỉ học được tối đa 15/40 thể cách ca trù. Đặc biệt, giai đoạn hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc "nở rộ" nên nhiều người thiếu "đến" với ca trù. Để đào tạo được 1 ca nương đòi hỏi nhiều thời gian, thuộc lời đã khó nhưng vừa hát lại nhuần nhuyễn gõ phách lại càng khó hơn. Vì gánh nặng mưu sinh nên nhiều người không còn mặn mà với loại hình này. Thậm chí, nhiều gia đình không cho con em mình tham gia các buổi tập luyện ca trù nên đào tạo người kế cận rất khó.
Biểu biễn ca trù tại đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, Nghi Xuân)
Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Theo đó, nhiều năm qua, huyện Nghi Xuân đã thực hiện nhiều giải pháp để lưu giữ và bảo tồn di sản ca trù như: Thành lập các CLB dân gian trong các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tổ chức hội thi tiếng hát học đường 2 năm 1 lần từ 2008 đến nay. Huyện cũng đề xuất hỗ trợ các nghệ nhân một tháng lương cơ bản để cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của các CLB ca trù còn gặp nhiều khó khăn...