Khán giả tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang khi xếp hàng mua vé vào xem phim “Bố già” tại rạp CGV Vincom Hà Tĩnh tối 27/3/2021.
Tác phẩm do Trấn Thành đồng đạo diễn, biên kịch kiêm đảm nhiệm vai chính được khởi chiếu chính thức vào ngày 12/3/2021, nhanh chóng thiết lập nhiều kỷ lục phòng vé, trở thành phim điện ảnh Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, với hơn 300 tỷ đồng.
Không nằm ngoài cơn sốt của các cụm rạp trên toàn quốc, tại rạp phim CGV Vincom Hà Tĩnh ở thành phố Hà Tĩnh mấy tuần qua, các suất chiếu luôn chật kín khán giả. Đương nhiên, công tác phòng chống dịch luôn được đơn vị quản lý chuyên nghiệp của cụm rạp phim CGV Vincom Hà Tĩnh chú trọng.
Khán giả được hướng dẫn thực hiện 5K trước lúc vào rạp.
Anh Nguyễn Trí Hùng – quản lý cụm rạp CGV Vincom Hà Tĩnh, cho hay: “Theo thống kê mới nhất của chúng tôi, tính đến tối 27/3, rạp đã đón hơn 22.000 lượt khách xem phim “Bố già”. Lịch chiếu phim này được sắp xếp có lúc lên đến 20 suất chiếu/ngày, gia tăng thêm các suất chiếu muộn.
Anh Nguyễn Trí Hùng (thứ hai từ trái qua) bên các nhân viên rạp CGV Vincom Hà Tĩnh.
Điều đặc biệt hơn, đến rạp phim xem “Bố già” không chỉ các bạn trẻ mà còn rất đông khán giả trung niên và cao tuổi.
Vừa cùng bố mẹ và các con bước ra từ phòng chiếu phim “Bố già” tối 27/3, chị Trần Kim Thu (43 tuổi, Thạch Hà) xúc động nói: “20 năm trước, lần đầu tiên tôi được bố cho đi xem phim ở rạp chiếu bóng lưu động. 20 năm sau, cũng là lần đầu tiên, tôi đưa bố đi xem phim rạp. Ý nghĩa hơn, đây lại là một bộ phim về tình cảm gia đình, về tình phụ tử. Nó khiến tôi dâng trào nhiều cảm xúc, rất khó diễn đạt bằng lời”.
Chị Thu nhận xét, theo quan điểm cá nhân, chị thấy phim “Bố già” xứng đáng nhận được nhiều lời khen, sự đón nhận từ khán giả. “Đây cũng là dịp để các thành viên ngồi lại bên nhau, hiểu hơn về giá trị cuộc sống. Tôi đặc biệt ấn tượng trước lối diễn xuất của Trấn Thành, cả nhà tôi đều hâm mộ cậu ấy”, chị Thu nói thêm.
Khán giả trẻ Đặng Hữu Phương (27 tuổi, TP Hà Tĩnh) chia sẻ, phim Việt Nam khai thác về đề tài phụ nữ, mà đặc biệt là hình ảnh người mẹ rất nhiều, nhưng những câu chuyện về bố rất ít, phim hay về bố càng hiếm.
Anh Đặng Hữu Phương chia sẻ cảm xúc sau khi xem “Bố già”
“Bố già” đã chạm đến cảm xúc khán giả. Thật sự khi xem xong ai mạnh mẽ, cứng rắn cũng phải mủi lòng và muốn về ngay bên bố của mình”, anh Phương nói.
Bạn Nguyễn Hoài Thư (22 tuổi, TP Hà Tĩnh) thì đánh giá cao khả năng nắm bắt tâm lý khán giả, “đọc vị công chúng” của nhà sản xuất phim “Bố già”.
“Bộ phim theo thể loại tình cảm hài mà cực kỳ sâu sắc, dẫn dắt người xem đi qua mọi cung bậc cảm xúc, hỉ, nộ, ái, ố đều có cả. Bên cạnh đó, tác phẩm còn tái hiện những kỷ niệm, những khoảnh khắc quen thuộc gần gũi về tình cha con và cuộc sống gia đình, rất đậm chất đời thường. Câu thoại: “Câu xin lỗi cha mẹ rất khó nói, nhưng nói ra rồi thì dễ thương lắm” của nhân vật bà Cẩm Lệ khiến tôi rất ấn tượng”.
Clip: Khán giả Nguyễn Hoài Thư chia sẻ cảm xúc
Có nhiều ý kiến cho rằng, “Bố già” ra rạp vào lúc “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi ở thời điểm này không có “bom tấn” nào đủ “đô” để cạnh tranh. Thời điểm công chiếu (12/3), tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Phim vừa sở hữu kịch bản đủ hay và nhất là còn quy tụ dàn diễn viên tài năng, hình ảnh đẹp, âm nhạc chỉnh chu...
“Bố già” có thể chưa hoàn hảo – như chính lời nhận xét của Trấn Thành về bộ phim này trong một bài phỏng vấn gần đây – nhưng đã lâu rồi, điện ảnh Việt Nam mới có một tác phẩm gây “sốt” đến vậy. Chính những cảm xúc chân thật được khơi gợi, đủ chạm đến tâm hồn của người xem đã khiến khán giả trở nên bao dung hơn trước những thiếu sót của tác phẩm này, như chia sẻ của nhiều khán giả "chưa bàn đến yếu tố nghệ thuật trong tác phẩm, “Bố già” đã chạm đến trái tim của nhiều người, nhắc nhở chúng ta hãy luôn dành thời gian cho bố mẹ nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn”.