Vì sao động đất ở Kon Tum lại gây rung lắc ở nhiều tỉnh thành?

Trận động đất mạnh 5.0 độ trưa nay tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là trận động đất mạnh nhất từ trước tới nay ghi nhận được ở khu vực này, với cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 2.

Trận động đất mạnh nhất từng ghi nhận được ở Kon Tum

Sau 4 trận động đất liên tiếp sáng nay, trong đó có trận động đất mạnh đến 5.0 độ gây rung lắc cho hàng loạt tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu lại vừa phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào lúc 15 giờ 32 phút 28 giây ngày 28/7, một trận động đất có toạ độ 14.709N - 108.250E, độ sâu khoảng 12.1 km, độ lớn 2.6 đã xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Nói về trận động đất có độ lớn 5.0 gây rung lắc mạnh cho nhiều khu vực, TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết đây là trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay ghi nhận được ở khu vực này. Trận động đất này đạt ngưỡng độ lớn trung bình, hiện các địa phương kiểm tra đánh giá thiệt hại.

Trận động đất mạnh 5.0 độ trưa nay ở Kon Tum gây rung lắc ở nhiều tỉnh thành.

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, sở dĩ trận động đất này khiến nhiều tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên cảm nhận rõ rung lắc là vì tâm chấn của trận động đất rất nông, chỉ 4,5km nên cảm nhận rất rõ. Người dân các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế... thấy nhà cửa, đồ đạc rung lắc, một số nơi đồ đạc trên bàn rơi vỡ.

Hiện tại chưa có thống kê thiệt hại do trận động đất gây ra. Tuy nhiên, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ nước ta cảm nhận được rung chấn từ trận động đất này.

Tại Đà Nẵng, người dân cảm nhận rõ rung chấn từ trận động đất này. Nhiều người dân sống ở chung cư chạy ra khỏi nhà sau khi cảm nhận được rung lắc. Tại các tỉnh Tây Nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông hay các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà đều ghi nhận phản ánh của người dân về tình trạng rung lắc.

Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thuỷ điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới.

Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.

Trước đây, ngày 23/8/2022, ở Kon Tum cũng từng xảy ra trận động đất có độ lớn 4.7, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1, được cho là trận động đất lớn nhất từ trước đến thời điểm ở Kon Tum.

Hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất

TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Số liệu cho thấy, những trận động đất ở Kon Tum là động đất kích thích gây ra do hồ chứa nước, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định; có những đợt liên tiếp xảy ra trong vòng mấy ngày, sau đó dừng lại.

Theo dự báo, hoạt động động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, có độ lớn dưới 5.5 độ Richter. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần tiếp tục nghiên cứu và quan trắc đồng thời thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để có thêm thông tin chính xác hơn, qua đó triển khai giải pháp đầy đủ, cụ thể hơn.

Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục thường xuyên thông báo về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực; đồng thời các cán bộ thuộc Viện tiếp tục theo dõi thêm và xử lý số liệu các trận động đất tại huyện Kon Plông.

Theo Viện trưởng Nguyễn Xuân Anh, khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất.

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, mới đây tại khu vực Kon Plông đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.

Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.

Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu duy trì hoạt động thường xuyên, ổn định, liên tục mạng lưới đài, trạm quan trắc vật lý địa cầu quốc gia của Việt Nam với 40 đài, trạm địa chấn quan trắc động đất, 4 đài trạm địa từ, 7 trạm định vị sét và vật lý khí quyển, 1 trạm quan trắc biến dạng vỏ Trái Đất, 1 đài điện ly.

Ngoài mạng trạm quốc gia, ở những khu vực trọng yếu có các công trình quan trọng, Viện Vật lý địa cầu cũng duy trì các mạng trạm quan trắc thuộc các đề tài, dự án khác, cụ thể là 28 trạm quan sát động đất phục vụ quan trắc đánh giá an toàn đập thủy điện trên bậc thang sông Đà; 10 trạm khu vực thủy điện Sông Tranh 2, Bắc Trà My, Quảng Nam; 10 trạm quan sát động đất khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế; 8 trạm vật lý khí quyển khu vực Hà Nội.

Độ lớn động đất (ký hiệu M) là đại lượng đặc trưng cho mức năng lượng mà trận động đất phát và truyền ra không gian xung quanh dưới dạng sóng đàn hồi. Trong Quyết định này, độ lớn động đất sử dụng thang độ mô men. Động đất được phân thành các loại: Vi động đất (M<2,0), động đất yếu (2,0≤M≤3,9), động đất nhẹ (4,0≤M≤4,9), động đất trung bình (5,0≤M≤5,9), động đất mạnh (6,0≤M≤6,9), động đất rất mạnh (7,0≤M≤7,9) và động đất hủy diệt (M≥8,0).

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói