Hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới” được tổ chức sáng 30/11 tại Hà Nội, sau khi APEC lần đầu tiên trong lịch sử không ra được tuyên bố chung tại hội nghị ở Papua New Guinea mới đây.
Đông đảo đại biểu, quan chức trong và ngoài nước tham dự hội nghị. |
Trong bối cảnh thế giới và khu vực đang trải qua giai đoạn chuyển đổi sâu sắc mang tính bước ngoặt, đặt ra nhiều vấn đề mới đối với APEC và Việt Nam, lường trước được những thách thức tương lai, APEC 2017 tại Việt Nam đã kịp thời thành lập Nhóm xây dựng Tầm nhìn Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) để khởi động nghiên cứu xây dựng Tầm nhìn cho APEC sau năm 2020. Đây là một trong những đóng góp quan trọng của Việt Nam với tư cách là chủ nhà APEC 2017.
Việt Nam và APEC: Câu chuyện cùng thành công
Từ khi thành lập năm 1989 đến nay, APEC đã vươn lên trở thành một trong những tổ chức khu vực quan trọng nhất thế giới với 21 nền kinh tế thành viên, một thị trường có dân số khoảng 2,8 tỷ người, đóng góp 59% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và chiếm hơn 50% thương mại toàn cầu.
Cách đây đúng 2 thập kỷ, Việt Nam, Peru và Nga đã trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC).
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Peru Allan Wagner cho rằng, quyết định chiến lược đó là bước tiến lớn của 2 nước Peru và Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại cởi mở, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế, tạo động lực cho tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Ông Wagner bày tỏ ấn tượng với những phát triển của Việt Nam sau 20 năm gia nhập APEC .
Hiện 13 trong số 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 nền kinh tế thành viên APEC và có tới 13 thành viên APEC là đối tác chiến lược hoặc toàn diện của Việt Nam. Nếu như năm 2005, 66% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam là từ các thành viên APEC thì tới năm 2016, con số này đã lên tới 80%.
Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển, gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người tăng cần 7 lần, từ 350 USD năm 1998 lên gần 2.400 USD hiện nay.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Peru Allan Wagner cho biết, câu chuyện thành công tương tự cũng xảy ra ở đất nước của ông.
Ngược lại, ông Wagner cũng chỉ ra rằng, kể từ khi tham gia APEC, cả 2 nước Việt Nam và Peru đều có những đóng góp đáng kể cho diễn đàn này với tư cách là chủ nhà APEC các năm 2008, 2016 (ở Peru) và 2006, 2017 (ở Việt Nam).
Dấu ấn Việt Nam ở APEC 2006 là việc diễn đàn này lần đầu tiên xác định triển vọng hướng tới việc hình thành Khu vực Thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), đặt nền móng cho tầm nhìn chiến lược về liên kết kinh tế toàn khu vực.
APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam, diễn đàn lại đạt được cam kết chung về thúc đẩy thương mại đầu tư tự do và mở, đồng thời ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, góp phần quan trọng giữ vững đà hợp tác và liên kết, duy trì giá trị cốt lõi của APEC. Bên cạnh đó, APEC còn khởi động Chương trình hành động về phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội, các chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số… Và đặc biệt là việc thành lập Nhóm tầm nhìn APEC để chuẩn bị cho tương lai của diễn đàn này sau năm 2020.
Thách thức và thời cơ
Tuần lễ Cấp cao APEC tại Papua New Guinea vừa qua đã đặt ra những thách thức nhất định đối với Diễn đàn APEC. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, việc duy trì các giá trị cốt lõi của hợp tác APEC về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại và đầu tư tự do và mở đứng trước nhiều khó khăn.
Nhưng đây cũng chính là thời cơ để APEC vươn lên khẳng định vai trò không thể thiếu của Diễn đàn này trong cấu trúc đa cực đang định hình hiện nay. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ một số đề xuất tại hội nghị “Việt Nam và APEC: 20 năm qua và chặng đường sắp tới”.
Thứ nhất, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC cần xác định các mục tiêu và nội hàm hợp tác mới để tiếp tục duy trì các giá trị cốt lõi của mình. Trên nền tảng ba trụ cột hợp tác vốn có, APEC cần thúc đẩy các yếu tố phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Trong đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, kinh tế số cần trở thành một trọng tâm, chú trọng kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính, kết nối các trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.
Trong hợp tác kinh tế - kỹ thuật, APEC cần hỗ trợ các thành viên đang phát triển nâng cao năng lực hội nhập và liên kết, tăng cường khả năng thích nghi với thay đổi, ứng phó với biến đổi khí hậu, rủi ro.
Thứ hai, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, mọi sáng kiến, dự án, cơ chế hợp tác của APEC cần đặt người dân vào trung tâm của phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, APEC cần xây dựng các cộng đồng vững mạnh và bao trùm, chú trọng hơn các đối tượng dễ bị tổn thương. APEC cũng cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo để họ có có hội tham gia vào những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ ba, APEC cần phải nâng cao khả năng thích ứng và vai trò lãnh đạo trong quản trị kinh tế toàn cầu. Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, APEC hoàn toàn có khả năng phát huy vai trò đầu tàu trong xây dựng cấu trúc mới ở khu vực, đảm bảo các nguyên tắc mở, công bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ, hài hòa lợi ích của tất cả các bên trong và ngoài khu vực.
Tuy nhiên, để thực hiện được vai trò đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, APEC cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương, đặc biệt là tiên phong thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới ( WTO ).
Đồng thời, APEC cần tiếp tục khẳng định vai trò tầm toàn cầu trong điều phối các khuôn khổ liên kết khu vực đa tầng nấc, hướng tới hình thành FTAAP.
Bên cạnh đó, APEC cũng cần xử lý hiệu quả các vấn đề kinh tế cấp bách và ứng phó với các thách thức chung.
Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, cần phải tiếp tục có các đề xuất để nâng tầm tham gia và đóng góp của Việt Nam và ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) trong APEC.
Có thể nói, đây là định hướng chiến lược nằm trong kế hoạch tổng thể 15 – 20 năm tới, giai đoạn có ý nghĩa then chốt đối với quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của Việt Nam khi chúng ta đang nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO, thực hiện các cam kết liên kết kinh tế quốc tế, đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm bản lề 2020 và ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021./.