Đây là vở hài kịch gồm 2 hồi của Ken Ludwing, hồi thứ nhất chủ yếu là kịch, diễn giải, giới thiệu các nhân vật, hồi thứ hai là hài, với một cao trào trước khi kết thúc.
Cái cười trong vở này cũng không đến từ tạo hình, giọng điệu… mà đến từ tình huống kịch, đó là điểm thắt nút chính. Ít có vở hài kịch nào của Việt Nam chia tình huống hài như vở này, mà thường đan xen để liên tục lấy tiếng cười, nhằm giữ chân của khán giả.
Tito thật (trái) và Tito thế thân - nút thắt của hài kịch này. Ảnh: Ngô Thoại Điền
Như đúng tên gọi Lend Me A Tenor (tạm dịch: Thế thân một giọng nam cao), vở kịch là tình huống éo le của danh ca opera Tito Merelli. Ngay trước buổi diễn, Tito say rượu và uống thuốc ngủ liều cao, thành ra mê như chết. Để cứu vãn tình thế, ông bầu Henry Saunders nhờ người trợ lý là Max - vốn mê hát và cũng có giọng nam cao - hóa trang để thế thân cho Tito Merelli. Rất may, Max đã thế thân giỏi đến mức mà người mộ điệu cứ tin đó chính là Tito Merelli, nhưng khi về hậu trường, tình huống éo le, hài hước mới xảy ra.
Vở hài kịch Lend Me A Tenor từng sáng đèn tại sân khấu West End (1986) và Broadway (1989). Nó đã nhận 9 đề cử Tony, từng giành giải Nam diễn viên xuất sắc nhất (Philip Bosco), Đạo diễn xuất sắc nhất (Jerry Zaks). Chính vở này cũng đánh dấu sự hồi sinh của kịch Broadway tại Mỹ vào năm 2010.
Vở kịch đã được dịch ra gần 20 ngôn ngữ và diễn ở gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Phiên bản tại TP.HCM diễn bằng tiếng Anh, phụ đề tiếng Việt, do một nghệ sĩ đã sống và làm việc nhiều năm tại Việt Nam là Aaron Toronto dàn dựng.
Aaron Toronto (tên thân mật là Thành) và Jaime Zúñiga thành lập nhóm kịch Dragonfly Theatre vào năm 2011, chuyên diễn kịch tiếng Anh tại TP.HCM. Họ đã gây ấn tượng với các vở như Little Prince, The Last Five Years, The Importance Of Being Earnest, Love Song… Đến vở Lend Me A Tenor, tay nghề, sự chỉn chu, sáng tạo của họ đã phát triển thấy rõ.