Hệ thống S-300PMU2 đã tàng hình đổ bộ đến Iraq?

Theo AMN, hình ảnh hệ thống phòng thủ tầm xa xuất hiện tại Iraq trong những ngày qua được xác định là S-300PMU2 do Nga sản xuất.

Thông tin trên được báo Lebanon dẫn nguồn tin quân sự Iraq cho biết sau khi bức ảnh một hệ thống phòng thủ tầm xa bất ngờ được chính Iraq đăng tải:

“Bức ảnh xuất hiện vài ngày trước, có thể do Bộ Tư lệnh phòng không không quân Iraq đăng tải, cho thấy nước này dường như đã nhận được các hệ thống phòng không tầm xa của Nga. Điều này được biểu thị bằng hình ảnh radar, cũng như lưới radar có bán kính phủ sóng theo thứ tự 300-350km”.

Hệ thống S-300PMU2 đã tàng hình đổ bộ đến Iraq?

Hình ảnh được cho là radar của S-300PMU2 xuất hiện tại Iraq.

Hiện tại, không thể xác định chính xác radar được hiển thị trong các bức ảnh, do đó cho rằng chúng ta đang nói về các hệ thống phòng không Nga S-300 hay S-400 là điều chưa thể. Nhưng với khu vực phủ sóng lớn của radar và hình ảnh được công bố, nhiều khả năng đây là hệ thống S-300PMU2.

Điều đặc biệt là hình ảnh của vũ khí này xuất hiện tại Iraq gần như đồng thời với thông tin được người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Quốc hội Iraq, ông Mohammad Reza cho biết, Baghdad đang đàm phán với Moscow để mua các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-300PMU2.

Ông Reza cho biết thêm, nhà chức trách Iraq đã xúc tiến khôi phục các cuộc đàm phán với các đối tác Nga về thương vụ mua tên lửa phòng không S-300: “Tất cả những gì tôi biết về việc đó là đã có phê chuẩn từ giới lãnh đạo cấp cao Iraq về các cuộc đàm phán này”.

Trong khi đó, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ, Iraq có thể cải thiện năng lực phòng không với sự hỗ trợ từ hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Sau vụ không kích sát hại Tướng Soleimani của Iran ở gần Sân bay Quốc tế Baghdad mới đây cho thấy, Iraq cần phải cải thiện năng lực phòng không của mình.

Từ những thông tin trên có thể thấy, nếu thực hiện được trang bị hệ thống S-300PMU2, lưới lửa phòng thủ Iraq sẽ trở nên đáng sợ hơn rất nhiều.

Bởi theo thiết kế, vũ khí này được thiết kế để bảo vệ các mục tiêu cực kỳ quan trọng cấp nhà nước, các căn cứ quân sự chiến lược trước các cuộc tập kích bằng đường không hàng loạt bằng vũ khí công nghệ cao, máy bay (cả máy bay tàng hình), tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...

Hệ thống được đánh giá là có khả năng không những bắn hạ được tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà còn bắn được tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm trung. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, S-300PMU2 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực 30N6E2 với radar tìm kiếm mục tiêu hoạt động băng tần X.

Hệ thống radar tự động hóa hoàn toàn trong quá trình phát hiện, bám bắt, xử lý mục tiêu. Radar được trang bị bộ vi xử lý kỹ thuật số tốc độ cao cho phép phản ứng với mục tiêu nhanh hơn, khả năng kháng nhiễu cao hơn.

Đài radar 30N6E2 Tomb Stone có phạm vi phát hiện mục tiêu 300km, số mục tiêu theo dõi cùng lúc không dưới 100 mục tiêu, có thể kiểm soát tới 72 đạn tên lửa.

Theo một số nguồn tin, tính năng đặc biệt của phiên bản S-300PMU2 là chúng có thể đồng bộ hóa tất cả các thành phần như radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe phóng trong môi trường chiến thuật thống nhất.

Nó có khả năng kiểm soát tới 12 xe phóng cùng lúc, ngoài ra còn có khả năng điều khiển hoạt động cho các hệ thống cũ hơn như S-200, S-75 và S-125.

Và như vậy, việc Không quân Mỹ vượt qua cả lưới lửa phòng không Iraq như trong vụ không kích giết hại tướng Soleimani là điều gần như không thể tái diễn.

Theo Đất Việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast