Vườn Quốc gia Vũ Quang: “Vùng lõi” của khu dự trữ sinh quyển thế giới

(Baohatinh.vn) - Nếu được công nhận, khu dự trữ sinh quyển thế giới Vũ Quang sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 tại Việt Nam - một vinh dự lớn của Hà Tĩnh và cả nước.

Vườn Quốc gia Vũ Quang có diện tích hơn 57 nghìn ha, được biết đến là một trong những trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam. Tại đây lưu giữ nhiều gen có giá trị về công tác bảo tồn và đặc hữu cho cả Việt Nam và Lào. Trong đó, có những loài đặc trưng, quý hiếm như: sao la, mang lớn, thỏ vằn, cầy vằn, chà vá chân nâu, vượn đen má trắng...

bqbht_br_img-4212.jpg
Khu dự trữ sinh quyển được đề xuất tại Hà Tĩnh có 3 vùng, trong đó, vùng lõi đặc biệt quan trọng là Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Về đa dạng sinh học, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã xác định được 1.829 loài thực vật bậc cao thuộc 813 chi với 217 họ; ghi nhận sự góp mặt của 94 loài thú thuộc 26 họ, 315 loài chim, 58 loài bò sát, 31 loài lưỡng cư, 88 loài cá xương, 316 loài bướm, 73 loài kiến và 28 loài nhện. Trong số này có tới 131 loài thực vật, 46 loài thú, 21 loài chim, 20 loài bò sát, 2 loài lưỡng cư và 1 loài cá xương nằm trong Danh lục IUCN và Sách Đỏ Việt Nam cần được ưu tiên bảo tồn.

Với tính đa dạng sinh học và tầm quan trọng trong công tác bảo tồn, tháng 10/2019, tại Hội nghị Các vườn di sản ASEAN (AHP) lần 6 diễn ra tại thành phố Pakse, tỉnh Champasak (CHDCND Lào), Vườn Quốc gia Vũ Quang chính thức được Hội đồng AHP, Trung tâm Đa dạng sinh học ASEAN (ACB) tuyên bố và trao danh hiệu “Vườn di sản ASEAN”.

bqbht_br_img-4207.jpg
Vườn Quốc gia được biết đến là cái nôi của các loài động vật hoang dã.

Không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, cảnh quan độc đáo, Vườn Quốc gia Vũ Quang còn là nơi ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống Pháp của Đình nguyên Tiến sỹ Phan Đình Phùng sớm nhất và lớn nhất tại Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ XIX. Thành lũy, di tích của nhà yêu nước và nghĩa quân đã được xếp hạng di tích quốc gia, nằm trọn trong diện tích của vườn, thường xuyên được Nhân dân trong vùng và người dân thập phương tưởng nhớ, tri ân mỗi khi đặt chân đến. Đây cũng là một tiềm năng, lợi thế lớn cho Vườn Quốc gia Vũ Quang nhằm thu hút các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn.

Với tính cấp thiết về các giá trị đa dạng sinh học, văn hóa và di tích lịch sử, ngày 26/7/2024, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển thế giới Vũ Quang. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 8/11/2024, Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phối hợp với Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật tổ chức họp lấy ý kiến tham vấn của các bên liên quan để hoàn thiện hồ sơ đề cử khu dự trữ sinh quyển thế giới Vũ Quang trình UNESCO.

bqbht_br_img-4224-copy.jpg
Vườn Quốc gia Vũ Quang.

Theo đó, khu dự trữ sinh quyển được đề xuất tại Hà Tĩnh có 3 vùng. Trong đó, vùng lõi đặc biệt quan trọng là Vườn Quốc gia Vũ Quang; vùng đệm và vùng chuyển tiếp là các khu vực phụ cận, các ban quản lý rừng, chủ rừng trên địa bàn các huyện: Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn.

Theo lãnh đạo Vườn Quốc gia Vũ Quang, khu vực được đề xuất khu dự trữ sinh quyển thế giới đảm bảo đầy đủ 7 tiêu chí bắt buộc để được UNESCO công nhận gồm: có đại diện đa dạng các hệ sinh thái của những khu vực địa lý sinh vật chính, bao gồm cả những giai đoạn phát triển có sự tác động của con người; có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao; có thể thực hiện phát triển theo hướng bền vững; có diện tích thích hợp để đáp ứng 3 chức năng của khu dự trữ sinh quyển; có đủ những vùng thích hợp; có sự sắp xếp theo cấp độ của những thành phần liên quan, những người tham dự, những đối tượng quan tâm tại những khu vực phù hợp, để cùng thực hiện chức năng của khu dự trữ sinh quyển; cơ chế thực hiện việc quản lý và bảo tồn được UNESCO chấp nhận.

bqbht_br_img-4211.jpg
bqbht_br_img-4210.jpg
Những nỗ lực của Vườn Quốc gia Vũ Quang đã góp phần duy trì, ổn định và phát triển hệ sinh thái, hệ động thực vật ở một trung tâm đa dạng sinh học bậc nhất của Việt Nam.

“Vườn Quốc gia Vũ Quang và các bên liên quan đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp trước khi đệ trình UNESCO. Nếu được công nhận, đây sẽ là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 12 tại Việt Nam, một vinh dự lớn cho Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Qua đó, góp phần vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và nguồn gen; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và con người một cách bền vững về các mặt văn hóa, xã hội và sinh thái…”, ông Nguyễn Danh Kỳ - Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết.

Trên thế giới hiện có 738 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận, tại 134 quốc gia; bao gồm 22 khu dự trữ sinh quyển thế giới xuyên biên giới đã được công nhận. Tại Việt Nam, có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Những khu dự trữ sinh quyển này được mệnh danh là “Đại sứ thiên nhiên” trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ sự đa dạng sinh học quý giá của đất nước; đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn những loài động vật, thực vật quý hiếm và đóng góp tích cực trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển còn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu khí thải carbon và hấp thụ carbon từ không khí.

Đọc thêm

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Chùa Hương Tích sẵn sàng mùa lễ hội

Thực hiện mục tiêu thu hút hơn 14 vạn lượt du khách trong năm 2025, các đơn vị quản lý, kinh doanh tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh) đang tập trung nguồn lực chuẩn bị cho mùa lễ hội.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Bảo tàng Hoa Cương - Nơi lưu giữ những kỷ vật quý của Việt Nam

Xuất phát từ ý tưởng lưu giữ lại những những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp của quê hương đất nước, nhà giáo, Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, xã Bình An, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) trong 50 năm đã dày công sưu tầm hàng ngàn hiện vật, tài liệu, bút tích quý hiếm.
 Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Soi đèn đi nhặt "lộc biển"

Khi màn đêm buông xuống, thủy triều bắt đầu rút sâu, hàng trăm người dân đã đổ về bãi biển Kỳ Ninh (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để nhặt "lộc biển" dạt kín bờ.
"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

"Viên ngọc xanh" giữa vùng thượng Kỳ Anh

Ẩn mình giữa những dãy núi, đồi chè Nam Sơn như một "viên ngọc xanh" lấp lánh giữa khung cảnh thiên nhiên thanh bình của miền quê nông thôn mới Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh).