Cuối tuần qua đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đã gửi thư đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhấn mạnh "Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là nguyên nhân chính". Lá thư này của WHO nhằm góp thêm ý kiến vào dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia đang được Chính phủ xem xét. Dự thảo này dự kiến sẽ được trình lên các Ủy ban để thông qua đưa vào nghị trình thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10.
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: WHO. |
Tiến sĩ Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương WHO chia sẻ, tiêu thụ rượu bia của người Việt ở mức rất cao. Ước tính trung bình một người Việt từ 15 tuổi trở lên uống 8,3 lít cồn nguyên chất (lượng rượu bia quy đổi). Con số này ở các nước khác trong khu vực thấp hơn nhiều; ví dụ trung bình người Mông Cổ uống 7,4 lít cồn, Trung Quốc 7,2 lít, Campuchia 6,7 lít, Philippines 6,6 lít và Singapore 2 lít.
Mức tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam cũng tăng nhanh chóng. Trong vòng 5 năm kể từ 2010, mức tiêu thụ rượu bia ở đàn ông Việt tăng 15%. Ước tính say xỉn là nguyên nhân của khoảng 79.000 ca tử vong năm 2016. Ngoài ra, hàng trăm nghìn người mắc bệnh do sử dụng rượu bia. Thiệt hại do sử dụng rượu bia gây ra tại Việt Nam là khoảng 1,3-3,3% GDP.
Vì thế, tiến sĩ Shin Young-soo khuyến nghị Chính phủ Việt Nam: "Để bảo vệ sức khỏe người dân, hệ thống pháp luật phải điều chỉnh chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, khuyến mại, tiếp thị và tiêu thụ rượu bia".
Cụ thể, WHO khuyến nghị Việt Nam cần kiểm soát giá rượu bia. Bằng chứng cho thấy tăng giá giúp giảm mức tiêu thụ rượu bia. Số ca tử vong do sử dụng rượu bia cũng giảm. Chính phủ cũng cần có biện pháp hạn chế rượu bia như điều tiết mật độ điểm bán, hạn chế thời gian bán, quy định độ tuổi được mua...
Đại diện của WHO cũng cho rằng quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia đặc biệt ảnh hưởng tới giới trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy giới trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu bia nhiều khả năng bắt đầu uống hoặc uống nhiều hơn. Vì thế, cần kiểm soát hoặc cấm hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ rượu bia.
“Mỗi USD đầu tư cho các giải pháp phòng ngừa tác hại do sử dụng rượu bia giúp mang lại lợi ích xã hội tương đương 9,13 USD”, đại diện WHO chia sẻ.
Vì thế, WHO mong muốn Thủ tướng ủng hộ xúc tiến trình dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia lên Quốc hội.