Trách nhiệm từ tâm

(Baohatinh.vn) - Ai đã một lần tiếp xúc với Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ (Hương Khê - Hà Tĩnh) Nguyễn Hồng Quân trong 2 trận lũ hồi tháng 10 vừa qua đều không thể quên được dáng người mảnh khảnh, nước da đen sạm “lồng” trong bộ quần áo không mấy phẳng phiu của ông...

Mấy chục ngày “quần” với lũ, giọng nói của ông chẳng còn tròn trịa, cứ khản đặc như người mất tiếng. Người “chỉ huy trưởng” trong cuộc chiến với lũ lụt, lúc phải lo nơi ăn, chốn ở cho bà con, rồi đến lương thực, thực phẩm, nước uống cho từng hộ dân, giải quyết hậu quả lũ lụt…

trach nhiem tu tam

Ông Quân trong lần tiếp đoàn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về kiểm tra tình hình mưa lũ tháng 10/2016

Năm nay, Phương Mỹ cả tháng chìm trong lũ lụt. Muốn đến đây, phương tiện duy nhất chỉ có ca nô, thuyền máy. Ông bảo, địa hình ở đây chỗ là sông sâu, chỗ lọt giữa thung lũng cánh đồng, người bản địa cũng chưa chắc đã tìm được đường đi an toàn. “Mỗi năm, Phương Mỹ hứng chịu từ 4-5 đợt lũ, mỗi đợt nước ngâm 5-7 ngày. Vào mùa này, nhiệm vụ quan trọng nhất là sẵn sàng các phương án ứng phó với lũ lụt. Ngoài việc tuyên truyền thường xuyên để bà con chủ động trú tránh thì trú sở UBND xã là điểm cho người dân tá túc những ngày nước lên. Chúng tôi bố trí bếp ăn tập thể, ai cần thì đến ăn, cả người dân lẫn cán bộ trực ca”, Bí thư Quân chia sẻ.

Lo xong nơi ăn, chốn ngủ, Bí thư Đảng ủy xã lại chèo thuyền đến những hộ dân trong làng phân phát mì tôm, nước uống. Ở đâu ông cũng rành mạch đường đi lối lại, không có hộ dân nào không nằm trong suy nghĩ của ông; cứ hễ nhắc đến là tường tận, hộ dân đó đang ở đâu, nước ngập đến chừng nào, đã có lương thực gì…

Kể cả khi nước lũ đã rút, đường đi lối lại thông tuyến thì nỗi lo của ông Quân vẫn luôn thường trực. “Những thời điểm sau lũ càng không thể chủ quan, những vùng bị chia cắt, cán bộ xã sẽ đưa quà cứu trợ đến tận nhà cho dân. Nhất là đối với học sinh, chúng tôi đã đề xuất với nhà trường đề nghị phụ huynh đón đưa các cháu, phòng bất trắc. Những gia đình nào không thể đi thì báo lên xã để chúng tôi cử cán bộ đón các cháu tại trường học”.

Nói đoạn, giọng ông chùng xuống. Ông bảo, ông thương những đứa trẻ vùng lũ, quăng quật với nước bạc, giờ lại phải “chạy đuổi” chương trình vì nghỉ học nhiều ngày.

Vừa điều hành công việc, ông vừa vạch cho tôi nghe những kế hoạch sắp tới. Nào là những đồng khoai, đồng rau sẽ tốt tươi sau lũ. Sản xuất sẽ được phục hồi, vựa khoai ở Phương Mỹ vẫn là nơi có khoai lang ngon nhất vùng… Hình ảnh ông đọng mãi trong tâm trí tôi như một sự nhắc nhớ về tấm lòng của một mẫu hình người “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast