Con đường âm nhạc "không trải hoa hồng" của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Vừa giành ngôi Á quân phong cách dân gian Sao Mai năm 2019, thế nhưng, để đi tới thành công hôm nay, Phan Thị Quỳnh Anh - người con quê hương huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh đã trải qua biết bao khó khăn, thử thách.

Con đường âm nhạc “không trải hoa hồng” của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

Quỳnh Anh - Á quân phong cách dân gian Sao Mai 2019. (Ảnh: NVCC)

Phan Thị Quỳnh Anh sinh năm 1993 tại thôn 1, xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, là con đầu trong gia đình có ba chị em. Ngoài làm ruộng, bố mẹ Quỳnh Anh còn là những nghệ nhân hát chầu văn ở đền thờ ông Hoàng Mười (còn gọi là đền Chợ Củi) ở xã Xuân Hồng.

Cô gái trẻ chia sẻ yêu ca hát từ nhỏ và được thừa hưởng từ đấng sinh thành khả năng thẩm âm, tiết tấu, năng khiếu về nhạc, song người mẹ muốn con có cuộc sống ổn định nên định hướng trở thành giáo viên mầm non. Tuy nhiên, bố Quỳnh Anh lại cực kỳ yêu thích nghệ thuật, hết lòng ủng hộ con gái theo đuổi đam mê.

Nghĩ rằng những người làm nghề ca hát phải có chất giọng trời phú và được đào tạo bài bản về thanh nhạc ngay từ nhỏ, còn mình xuất thân nghèo khó, không được ai định hướng về nghệ thuật, chưa từng học qua trường lớp chuyên môn nên sau khi tốt nghiệp THPT, Quỳnh Anh quyết định nghe theo lời mẹ thi vào Đại học Vinh khoa sư phạm mầm non.

Con đường âm nhạc “không trải hoa hồng” của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

Quỳnh Anh chụp ảnh cùng bố, mẹ và em trai năm 2001. (Ảnh: NVCC)

Nhập học được một tháng, bố Quỳnh Anh không may gặp tai nạn qua đời, mẹ suy sụp rồi đổ bệnh, cuộc sống gia đình nhanh chóng tụt dốc. “Bố, mẹ làm ruộng chỉ đủ gạo ăn, còn thu nhập chính vẫn là công việc hát chầu văn ở đền. Sau khi bố mất, mẹ đau ốm liên miên nên không đi làm được thường xuyên, tiền bạc trong nhà lần lượt "đội nón ra đi", kinh tế suy kiệt. Thương mẹ, thương hai em nên em muốn nghỉ học để tìm một việc gì đó làm, đỡ đần mẹ”, Quỳnh Anh kể.

Biết được ý định này của con gái, mẹ Quỳnh Anh quyết liệt phản đối, tâm sự rằng: “Con phải cố gắng học để sau này còn có công việc ổn định, rồi lo cho hai em. Còn mẹ lo xong cho con là cũng đã sức cùng lực kiệt rồi”.

Nghe mẹ nói, cô gạt nước mắt quay trở lại giảng đường, 4 năm sau thì tốt nghiệp. Nhờ thành tích học tập nổi bật cùng sự nhiệt tình trong các hoạt động tập thể, sau khi nhận tấm bằng cử nhân, Quỳnh Anh được giữ lại công tác tại Trường Mầm non Đại học Vinh. Thời điểm đó, mẹ cùng hai em trai rất vui và tự hào về cô, hàng xóm láng giềng ai cũng mừng cho cô gái giàu nghị lực.

Theo nghiệp dạy trẻ được một năm thì Nghệ An tổ chức cuộc thi Giọng ca Xứ Nghệ 2017 để tuyển chọn các thí sinh tham dự Sao Mai toàn quốc. Biết được năng khiếu ca hát của Quỳnh Anh thông qua các hoạt động văn hóa văn nghệ ở địa phương, trường học, nhiều người động viên cô mạnh dạn đi thi.

Bị thuyết phục, Quỳnh Anh sau đó cũng làm đơn “thi thử một lần cho biết”. Cô kể, bước vào cuộc thi với tâm thế hoàn toàn thoải mái, không đặt nặng chuyện thắng thua vì chỉ để thỏa lòng mong muốn được đứng hát trên một sâu khấu lớn với ban nhạc hoành tráng và thật nhiều khán giả ngồi xem.

Tại sân chơi này, Quỳnh Anh ban đầu dự định đăng ký dự thi ở phong cách nhạc nhẹ vì đã quen hát các ca khúc về sinh viên, tuổi trẻ. Nhưng trong một lần thử thể hiện ca khúc “Trăng thức” (thơ: Đậu Hoài Thanh, nhạc: Vũ Quốc Nam) cho chính nhạc sĩ Quốc Nam nghe, cô được ông khen có năng khiếu hát nhạc dân gian và khuyên nên chuyển hướng sang dòng nhạc này. Quỳnh Anh nghe lời, và tại cuộc thi lớn lần đầu tiên tham gia, cô đoạt giải nhì trong sự bất ngờ của chính bản thân mình.

Phấn khích vì giành được giải thưởng lớn, Quỳnh Anh “thừa thắng xông lên” tiếp tục đăng ký dự thi Liên hoan Tiếng hát truyền hình Hà Tĩnh - Giải Sao Mai năm 2017 và cũng mang về giải Á quân. Cô sau đó được Hà Tĩnh cử đi thi Sao Mai khu vực miền Trung - Tây Nguyên và dừng lại ở top 5.

Năm đó, trong đêm liên hoan sau khi cuộc thi kết thúc, Quỳnh Anh có dịp được gặp gỡ ca sĩ Anh Thơ – một trong những giám khảo của đêm thi. Anh Thơ nhận xét Quỳnh Anh có tố chất, tiềm năng nhưng còn non kinh nghiệm vì chưa qua đào tạo bài bản và chưa được cọ xát ở nhiều sân chơi. Ca sĩ đàn chị động viên Quỳnh Anh cố gắng rèn luyện, chờ 2 năm nữa thi lại chắc chắn sẽ đạt được thành tích tốt.

Cũng trong buổi tiệc, Quỳnh Anh còn có duyên gặp gỡ cố nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và được ông khuyên theo nghề ca hát vì thực sự có năng khiếu. Cố nhạc sĩ cũng gửi gắm Anh Thơ giúp đỡ Quỳnh Anh phát triển khả năng. Biết được hoàn cảnh gia đình cô gái quê Nghi Xuân, giọng ca “Ở hai đầu nỗi nhớ” đã quyết định nhận lời giúp đỡ Quỳnh Anh theo đuổi nghề xướng ca bằng cách dạy thanh nhạc miễn phí cho cô.

Con đường âm nhạc “không trải hoa hồng” của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

Quỳnh Anh và cô giáo Anh Thơ. (Ảnh: NVCC)

Lời đề nghị của Anh Thơ khiến Quỳnh Anh suy nghĩ rất nhiều. Yêu thích ca hát, nhưng vì gia đình còn khó khăn, Quỳnh Anh vất vả lắm mới tốt nghiệp và có được công việc ổn định, dù mức lương khiêm tốn nhưng nếu bỏ cũng rất đáng tiếc và cũng không có điều gì đảm bảo rằng hướng đi mới sẽ đạt được thành công.

Mẹ Quỳnh Anh sau đó tổ chức một cuộc họp gia đình. Mặc dù không ai phản đối lựa chọn của Quỳnh Anh nhưng đều bày tỏ sự lo lắng trước quyết định mạo hiểm. Tuy nhiên, nữ giáo viên mầm non xác định niềm yêu thích lớn nhất của mình là ca hát và đứng trước một cơ hội lớn như vậy nếu không nắm lấy thì chắc chắn sau này sẽ hối hận. Cô thuyết phục cả nhà đồng ý cho mình theo đuổi đam mê, ra Hà Nội theo Anh Thơ học nhạc.

Chân ướt chân ráo ra thủ đô, cô gái miền Trung được Anh Thơ giúp đỡ và chỉ dạy tận tình. Ca sĩ đàn chị không chịu nhận quà cáp gì từ học trò mà bảo “chỉ cần sau này thành công luôn nhớ rằng người đã dạy dỗ Quỳnh Anh là Anh Thơ là được”.

Không chỉ dạy kỹ năng thanh nhạc, cô giáo Anh Thơ còn định hướng cho Quỳnh Anh con đường phát triển sự nghiệp lâu dài. Anh Thơ động viên học trò thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để có được tấm bằng uy tín, làm nền tảng cho tương lai. Nghe lời cô giáo, Quỳnh Anh cũng ôn thi và đỗ vào trường, hiện cô đang bước sang học kỳ thứ 2.

Trở lại với Sao Mai 2019, Quỳnh Anh nhận được sự ủng hộ và đồng hành của mẹ và cô giáo. Bên cạnh việc xây dựng bài, góp ý về kỹ thuật thanh nhạc, cô giáo Anh Thơ còn chủ động đưa trang phục biểu diễn cho học trò đi thi. Nhiều lần Anh Thơ gác công việc, đi từ Hà Nội xuống Hạ Long, Quảng Ninh để tập hát cùng Quỳnh Anh. Biết hoàn cảnh gia đình Quỳnh Anh, người thân, hàng xóm của gia đình cô ở quê cũng đóng góp mỗi người một ít tiền để động viên tinh thần, giúp hai mẹ con trang trải các khoản chi phí như trang điểm, chuẩn bị trang phục...

Con đường âm nhạc “không trải hoa hồng” của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

Quỳnh Anh tại vòng chung kết Sao Mai 2019. (Ảnh: NVCC)

Nói về kết quả chung cuộc, Quỳnh Anh cho biết cô không có điều gì phải hối tiếc bởi “vào đến vòng chung kết đã là một kết quả quá tuyệt vời đối với em, Quán quân hay Á quân đều là những danh hiệu danh giá và đạt được một trong hai danh hiệu này đều là một điều rất đáng tự hào. Em mong sau cuộc thi này nhiều người sẽ nhớ đến mình hơn”.

Quỳnh Anh hát “Độc huyền cầm” trong đêm chung kết Sao Mai 2019. (Video: VTV)

Chia sẻ về dự định trong tương lai, Quỳnh Anh cho biết sẽ vẫn theo đuổi con đường nghệ thuật một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp và hy vọng những nỗ lực của mình sẽ được đền đáp. Quỳnh Anh mong muốn sẽ đạt được thành công như cô giáo và cũng là thần tượng lớn nhất của mình – ca sĩ Anh Thơ.

Con đường âm nhạc “không trải hoa hồng” của Á quân Sao Mai 2019 quê Hà Tĩnh

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast