Bác Hồ viết Di chúc

(Baohatinh.vn) - Mở đầu năm Kỷ Dậu - 1969, như thường lệ Bác vẫn có thơ Xuân chúc Tết gửi đồng chí, đồng bào: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên, chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Hướng tới Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ (1969 - 2019):

Bác Hồ viết Di chúc

Trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lời căn dặn đầu tiên của Người là nói về Đảng (Ảnh tư liệu).

Thư chúc Tết Bác gửi toàn thể nhân dân, đó là sự kiện đã thành phong tục thiêng liêng và ấm cúng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thỉnh thoảng cùng với thư, Bác có kèm thơ Xuân, như các năm 1946, 1947, 1961. Thế mà vào những năm cuối đời, Bác lại dồn dập có thơ Xuân. Trước đó hai năm, năm 1967:

Xuân về xin có một bài ca

Gửi chúc đồng bào cả nước ta

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi

Tin mừng thắng trận nở như hoa.

và năm 1968:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Vậy là 3 năm liền, 3 năm sức khỏe mỗi năm một sa sút, Bác lại có thơ Xuân. Năm 1968, Bác còn có thêm hai bài khác, một cho các cháu dân quân gái thành phố Huế:

Dõng dạc tay cầm khẩu súng trường

Khôn ngoan dàn trận khắp phố phường

Bác khen các cháu dân quân gái

Đánh giặc Hoa Kỳ phải nát xương.

Và bài thứ hai, Không đề, viết cho mình và về mình như một ngẫu nhiên bất chợt:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao.

Năm 1968, đó là năm quân dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công vào các đô thị miền Nam, làm thay đổi cục diện chiến trường. Và như sau này cho thấy, đó là năm quân dân ta tập dượt để có Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử.

Dường như cảm nhận sớm cuộc ra đi, nên Bác càng như muốn gắn với đời nhiều hơn.

* * *

Bác Hồ viết Di chúc

Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, đảng viên nhân dịp Người về thăm Hà Tĩnh ngày 15/6/1957 (Ảnh tư liệu)

Di chúc, bản thảo lần đầu, đề ngày 15/5/1965, gồm 3 trang đánh máy, có chữ ký của Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn.

Di chúc, bản thảo lần thứ 2, năm 1968, bổ sung 6 trang viết tay, trong đó, Bác viết lại phần mở đầu, đoạn “Về việc riêng” và viết thêm một số đoạn.

Di chúc, bản thảo lần thứ 3, bản viết tay, đề ngày 10/5/1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu; chữa và thay một số câu, chữ…

Di chúc, bản công bố trong lễ tang, chủ yếu dựa vào bản năm 1965, có bổ sung hoặc thay thế bằng những đoạn tương ứng Bác viết trong 2 năm 1968 và 1969; chưa công bố một số đoạn Bác viết năm 1968 vì tình hình chiến tranh lúc đó diễn ra còn rất khốc liệt.

Hai mươi năm sau, năm 1989, nhân chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VI quyết định công bố toàn bộ các bản Di chúc của Bác viết trong 3 năm 1965, 1968, 1969; đồng thời công bố ngày mất chính thức của Bác là 9 giờ 47 phút ngày 2/9/1969. Vậy là ở đây có một sự trùng hợp thiêng liêng: Người ra đi và để lại Di chúc, qua đời vào 2/9/1969 cũng chính là người đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chẵn 24 năm về trước - 2/9/1945.

* * *

“- Các chú phải hiểu cho Bác. Tết đến Bác đi thăm dân mà các chú lại ngăn Bác sao? Và chưa đi đã ngại mệt thì làm được việc gì!”.Đọc cuốn Bác Hồ viếtDi chúc (1) của đồng chí Vũ Kỳ, ta được biết: Tết Kỷ Dậu - 1969, Bác mong muốn được đi chúc Tết nhiều nơi. Trước hết, thăm lại nơi có thành tích trồng cây sau 10 năm Bác phát động, là thôn Vật Lại, xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì. Nghe có Trung đoàn lính thông tin Anh hùng đóng ở gần Trại chăn nuôi bò của anh hùng Hồ Giáo, Bác muốn đến để động viên cả hai nơi. Lại nghe trường dạy cho các cháu miền Nam Nguyễn Văn Trỗi, có một số em hư, Bác muốn tiện dịp đến thăm để khuyên nhủ các cháu. Những “kết hợp” như thế, nếu thực hiện cả, sẽ rất mệt cho Bác. Biết ban tổ chức và bác sĩ có ý ngăn cản, Bác trách:

Để khỏi phật ý Bác, Ban tổ chức, với sự giúp đỡ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã rất khéo léo thay một chương trình khác, mà không để lộ. Đó là chương trình thăm binh chủng phòng không - không quân, vốn là binh chủng có công to trong chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, hiện đang đóng ở sân bay Bạch Mai, chỉ cách nhà sàn của Bác khoảng 15 phút ô tô. Thế là cuộc đi đã được Bác đồng ý và kéo dài đến 9 giờ rưỡi sáng. Số thời gian còn lại chỉ đủ lên Vật Lại cho đến ngoài 11 giờ.

Tháng 5 Kỷ Dậu - 1969, Bác vẫn tiếp tục công việc như từ 4 năm về trước, vào sáng mồng 10. Lần này có chậm nửa giờ vì buổi sáng Bác phải đến dự khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng ở Hồ Tây, có một số cán bộ cao cấp miền Nam ra thăm. Lúc ra về, nhiều cán bộ miền Nam lưu luyến tiễn Bác ra xe, không muốn rời. Bác vẫy tay, căn dặn: “Các chú tranh thủ vào họp tiếp đi. Bàn nhanh lên mà về với dân, với bộ đội”. Đến nhà, ngồi vào bàn từ 9 giờ rưỡi sáng, Bác lại đưa tài liệu “Tuyệt đối bí mật” ra chữa. Năm nào Bác cũng chữa, nhưng năm nay Bác chữa nhiều: Bổ sung thêm một số đoạn; thay đổi, thêm bớt nhiều câu chữ phần đầu và giữa, còn phần cuối vẫn giữ nguyên. Chẳng hạn: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta (dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa nhưng) nhất định thắng lợi hoàn toàn” - thêm đoạn trong ngoặc đơn. Thay chữ thăm hỏi bằng chúc mừng trong câu “... để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ”, và giữ lại chữ thăm hỏi cho đoạn sau - “thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên và nhi đồng”. Thay tuổi bằng xuân trong câu: “Khi người ta đã ngoài 70 xuân” vân vân...

Tháng 5 - ngày 11, đặc biệt Bác có cuộc thăm Hội nghị cán bộ cao cấp toàn quân. Lo lắng đặt ra cho ban tổ chức là phải làm sao cho các tướng lĩnh vẫn thấy Bác được khỏe mạnh, không quá yếu trong đi lại và trong giọng nói. Giọng nói thì khó - đầu năm khi đọc thơ Xuân, Bác đã phải luyện giọng nhiều ngày để cho tiếng nói vẫn rõ, còn đi lại thì đã có cách để giấu, miễn sao tránh không cho thấy Bác đi phải có người dìu. Vậy là, từ nhà sàn sang chỗ gặp gỡ cách 300 mét, xe phải vào phía cổng hậu ở cuối đường Xoài, cửa vào thường đóng kín, để trong khi mọi người đang chờ Bác ở cổng chính, thì Bác đã vào và ngồi sẵn ở ghế rồi. Còn khi ra về, trong lúc mọi người còn nấn ná chưa muốn rời hội trường và ban tổ chức còn đang lúng túng thì Bác đã đứng dậy, nói to:

“- Tất cả đứng dậy!”

“- Đằng sau, quay! Bước đều, bước!”.

Để, đúng vào lúc ấy, khi tất cả mọi người tuân “lệnh” Bác quay lưng để đi ra cửa chính, thì Bác được dìu theo cửa sau ra về.

Và đấy là mùa sinh nhật cuối cùng của Bác. Ngót 4 tháng sau, Bác qua đời. Và lễ tang toàn dân tộc cùng bè bạn năm châu đưa tiễn Bác đã được tổ chức ở Quảng trường Ba Đình vào 9 giờ sáng ngày 9 tháng 9 năm 1969, sau một tuần mưa tầm tã - “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” - như một câu thơ trong bài Bác ơi! của Tố Hữu.

---------------

(1). Nxb. Sự thật; H.; 1989

Chủ đề MỪNG ĐẢNG - MỪNG XUÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast