Khu nhà điều hành được hoàn thành ngay trong tháng 6/2018.
Đó là lời chia sẻ đầu tiên của Phó Chủ tịch sản xuất VinFast, ông Shaun Calvert, trước khi dẫn nhóm phóng viên “dạo” quanh một vòng nhà máy VinFast, tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy được đầu tư quy mô và hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á.
Đầu tháng 9/2017, VinGroup chính thức khởi công xây dựng tổ hợp nhà máy VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng). Thời điểm đó, tập đoàn VinGroup cũng mới công bố kế hoạch, các mục tiêu và tham vọng khi bước chân vào ngành công nghiệp ô tô.
Đáng chú ý là cũng vào thời điểm khởi công nhà máy, VinFast đã tiết lộ những tham vọng cho ra đời những sản phẩm đầu tiên là xe máy điện, xe buýt và ô tô du lịch vào cuối năm 2018 và trong năm 2019. Thậm chí, hai sản phẩm ô tô du lịch đầu tiên mang thương hiệu VinFast sẽ chính thức tham gia Paris Motorshow 2018, một trong các triển lãm ô tô lớn nhất thế giới.
Những kế hoạch đầy tham vọng của VinFast ít nhiều đã từng khiến những người ủng hộ phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam và ủng hộ VinFast “lo lắng” bởi thời gian quá gấp gáp. Tuy nhiên, khi chứng kiến tổ hợp nhà máy xây dựng trên tổng diện tích 335 ha đang có những bước thần tốc để hoàn thành, những lo lắng đã được giải tỏa.
Toàn cảnh tổ hợp nhà máy ô tô, xe máy VinFast nhìn từ trên cao.
Tổ hợp nhà máy VinFast có 5 khu vực quan trọng bao gồm nhà điều hành đã đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, khu nhà máy sản xuất xe máy điện, khu nhà máy sản xuất ô tô, khu công nghiệp phụ trợ, trung tâm đào tạo và Viện Nghiên cứu và Phát triển (R&D).
Đáng chú ý là hầu hết các hạng mục tại nhà máy xe máy điện và nhà máy ô tô đều được tự động hóa gần như 100%. Chẳng hạn, xưởng hàn thuộc nhà máy xe máy điện được tư vấn thiết kế bởi công ty tư vấn hàng đầu thế giới đến từ Đức là Durr và thi công lắp đặt bởi tổng thầu WELCOM với dây chuyền thiết kế với tiêu chuẩn châu Âu về môi trường lao động và mức độ an toàn của các trạm hàn khung.
Trong đó, 100% công đoạn hàn khung xe máy điện được hàn bởi Robots ABB, không gia công thủ công; 95% thiết bị dây chuyền được nhập khẩu từ châu Âu bởi các hãng nổi tiếng thế giới như ABB, Frorious, ItalMeg. Dây chuyền hàn có tổng số 25 robots hàn tự động với công nghệ hàn CMT ít bắn téo, ít xỉ hàn đảm bảo độ ngấu chất lượng mối hàn.
Hay như ở nhà máy ô tô, VinFast ứng dụng công nghệ 4.0 tại các nhà máy giúp cho các thiết bị và một phần/toàn thể dây chuyền ở một nhà máy được kết nối với nhau thông qua các cảm biến được kết nối qua mạng và/hoặc điện toán đám mây.
Trong đó, phần quan trọng nhất là máy móc, thiết bị sản xuất và hàng hóa được sản xuất trong nhà máy và những công nhân, kỹ thuật viên và quản lý sẽ được kết nối và liên tục tương tác để tự kiểm tra và tự điều chỉnh, từ đó liên tục nâng cao hiệu quả, tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất.
VinFast đang áp sát mục tiêu xuất xưởng các mẫu ô tô đầu tiên ra thị trường vào năm 2019.
“Các thông tin trong quá trình sản xuất sẽ được liên tục cập nhật, lưu trữ và phân tích. Các dữ liệu này sẽ là thông tin đầu vào quan trọng cho việc nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới với các thiết kế, nguyên liệu cũng như quy trình sản xuất mới phù hợp với các mong muốn ngày càng đa dạng và thay đổi nhanh chóng của khách hàng về nhu cầu sử dụng, kỹ thuật, mẫu mã, chất lượng, thời gian giao hàng và giá thành”, ông Shaun Calvert chia sẻ.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành giai đoạn 1, công suất sản xuất ô tô của VinFast sẽ đạt 250.000 xe/năm và nâng lên 500.000 xe/năm vào giai đoạn 2; đối với nhà máy xe máy điện, công suất của giai đoạn 1 cũng sẽ là 250.000 xe/năm; giai đoạn 2 tăng lên 500.000 xe/năm và có thể mở rộng 1 triệu xe/năm.
Cuối năm nay, VinFast sẽ đưa 2 mẫu ô tô đầu tiên của mình là Sedan và SUV ra mắt thị trường thế giới trong khuôn khổ triển lãm Paris Motor Show 2018, sánh vai cùng các thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới. Đến quý 2/2019, các mẫu xe này sẽ chính thức có mặt trên thị trường. Đến cuối năm 2019, VinFast sẽ tiếp tục đưa đến người tiêu dùng Việt Nam và thế giới một mẫu ô tô điện và một mẫu xe buýt điện.