Xây dựng NTM phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBMTTQ Hà Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các sở, ngành cùng dự tại điểm cầu Tỉnh ủy.
Tháng 4, mặc dù trong điều kiện cả tỉnh đang tập trung cao cho phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội nhưng Chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Một số địa phương đã có cách làm sáng tạo, phù hợp như: Tập trung chỉnh trang nhà ở, công trình phụ trợ, công trình chăn nuôi và vườn hộ tại hộ gia đình; các xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản; các sở, ngành soát xét, xây dựng Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM thuộc lĩnh vực, tiêu chí phụ trách; xây dựng các quy chế quản lý chất lượng, quy trình sản xuất đối với các sản phẩm OCOP…
Các địa phương cũng tập trung chỉ đạo, tổ chức sản xuất vụ xuân. Các hoạt động thương mại, dịch vụ nông thôn được duy trì; việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu đảm bảo…
Chánh Văn phòng NTM Hà Tĩnh Trần Huy Oánh: Một số địa phương đã có cách làm sáng tạo phù hợp trong điều kiện phòng chống dịch bệnh
Các địa phương: Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn đã có cách làm sáng tạo trong xây dựng KDC mẫu, vườn mẫu, như: Thực hiện đợt cao điểm chỉnh trang vườn hộ, nhà ở, công trình chăn nuôi, công trình vệ sinh với phương châm “vườn nhà nào, nhà nấy tự làm” đã đạt nhiều kết quả khá tích cực...
Trong tháng 4, các địa phương tiếp tục tuyên truyền và xét chọn ý tưởng sản phẩm tham gia OCOP, đến nay đã có 149 ý tưởng gửi Văn phòng NTM tỉnh thẩm định; hướng dẫn các cơ sở OCOP xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và niêm yết tại nơi sản xuất để thực hiện và giám sát (đến ngày 25/4/2020 hoàn thành).
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc: Đề xuất bổ sung nhóm hộ nghèo có thân nhân (con,anh, chị, em ruột) có điều kiện kinh tế là hộ có mức trung bình được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 179 của HĐND tỉnh.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội đã tiến hành rà soát, tổng hợp số hộ, khẩu nghèo, cận nghèo thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ về các giải pháp hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Theo đó, toàn tỉnh có 17.352 hộ nghèo và 19.374 hộ cận nghèo.
Xây dựng đề án tỉnh đạt chuẩn NTM sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân
Đại biểu tại điểm cầu Vũ Quang phát biểu
Thực hiện Thông báo số 319/TB-VPCP ngày 9/9/2019 về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ (nay là Bí thư Thành ủy Hà Nội), trong đó có nội dung chọn Hà Tĩnh làm tỉnh điểm xây dựng NTM, Văn phòng NTM tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng dự thảo Đề án tỉnh đạt chuẩn NTM.
Đề án đặt ra mục tiêu, lộ trình đến cuối năm 2023 có 100 số xã đạt chuẩn NTM; cuối năm 2024, toàn tỉnh có 100% huyện đạt chuẩn NTM, 100% thị xã, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, ít nhất 3 huyện đạt chuẩn huyện NTM nâng cao, huyện Nghi Xuân đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023 và đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu năm 2024; có tối thiểu 350 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 35 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao; xây dựng thành công tỉnh đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021 - 2025.
Giám đốc Sở TN&MT Hồ Huy Thành: Việc xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nhằm mục tiêu hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, hình thành được các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường
Góp ý cho đề án tỉnh NTM, đại biểu đồng tình cao với dự thảo đề án. Đại biểu cho rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mong muốn của người dân, việc Trung ương chọn Hà Tĩnh làm tỉnh điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM, là cơ hội tốt mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, là động lực quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trong xây dựng NTM của tỉnh.
Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo đề án bổ sung, sửa chữa một số nội dung trong các tiêu chí phù hợp thực tiễn như: giao thông, rãnh thoát nước khu dân cư…; xác định cụ thể lộ trình huyện đạt chuẩn để tập trung nguồn lực làm cuốn chiếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Xây dựng tỉnh đạt chuẩn mới nhằm đảm bảo việc xây dựng nông thôn mới được duy trì phát triển liên tục, bền vững, có sự đột phá.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận các ngành, cơ quan tham mưu chuẩn bị đề án tỉnh NTM khá đầy đủ, kỹ lưỡng; các ý kiến góp ý cho đề án tại hội nghị khá rõ, với tinh thần trách nhiệm cao; đề nghị Ban soạn thảo đề án tỉnh NTM tiếp thu tối đa các ý kiến đại biểu, đồng thời tiếp tục nhận các ý kiến góp ý vào đề án để hoàn thiện.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Xây dựng đề án tỉnh NTM phải đặt trong điều kiện của Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đề án phải tiệm cận với thực tiễn và có tính khả thi, không máy móc, cầu toàn.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định, việc xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM là chủ trương lớn và đã được Chính phủ đồng ý; được BTV, BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất đưa vào Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đây là cơ hội tốt mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, động lực quan trọng để tạo ra bước đột phá mới trong xây dựng NTM của tỉnh, đồng thời là tỉnh điểm đầu tiên để Trung ương rút kinh nghiệm nhằm chỉ đạo trên diện rộng. Vì vậy, cần tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, xây dựng đề án tỉnh NTM phải đặt trong điều kiện của Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đề án phải tiệm cận với thực tiễn và có tính khả thi, không máy móc, cầu toàn.
“Điểm khác của xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 là làm từ trong nhà ra đồng, đến ngõ xóm, lên đến đường xã, đường huyện. Lần này đề án của tỉnh chúng ta đi cả dưới lên, đi cả trên xuống. Nói cách khác, tỉnh đạt chuẩn NTM thì nguồn lực phải là nhiều chứ không phải ít. Vậy chúng ta vẫn phải huy động sức dân để đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, đô thị văn minh nhưng mà những cái lớn xây dựng kết cấu hạ tầng thì nhà nước làm chứ nhân dân không làm được. Đây là cái rất khác. Vừa dưới lên vừa trên xuống. Đây là thách thức trong điều kiện đang khó khăn. Vậy, cần có nguồn lực rất quan trọng đó là lồng ghép các nguồn lực” – Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Đối với Đề án xử lý chất thải rắn, đề án xây dựng đô thị văn minh là những vấn đề rất cần thiết, đề nghị các sở ngành tiếp tục bổ sung điều chỉnh, hoàn thiện để trình BTV Tỉnh ủy trong thời gian tới.
Trước mắt, yêu cầu các sở, ngành, địa phương dồn sức cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; chủ động phương án sản xuất hè thu. Đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, tỉnh sẽ đề nghị Chính phủ đưa Hà Tĩnh vào nhóm tỉnh nguy cơ thấp, tuy nhiên chúng ta không được phép chủ quan.