Bắt nhịp thời đại
Giới trẻ hiện nay trong thời đại mà nhu cầu thỏa mãn cá nhân ngày càng cao kéo theo yêu cầu cao về chất lượng cuộc sống của mỗi cá thể trong xã hội. Khi thời đại kỹ thuật số, công nghệ số lên ngôi, cách tiếp cận nghệ thuật cũng có sự thay đổi không nhỏ. Người trẻ không chỉ dừng lại nhìn ngắm nghệ thuật qua lăng kính “cửa sổ tâm hồn” mà còn có thể thông qua một màn hình điện thoại, màn hình máy tính. Theo báo cáo Digital Việt Nam 2024 của We Are Social & Meltwater, có 72,70 triệu người dùng mạng xã hội đang hoạt động tại Việt Nam vào tháng 01/2024, trong đó có tới 72,55 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam vào đầu năm 2024, tương đương với 99,2% tổng dân số từ 18 tuổi trở lên.
Em Nguyễn Thái Quốc Bảo, sinh viên ngành xã hội học của trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã có lời chia sẻ: “Theo em quan sát được, đa số các bạn trẻ chủ yếu tiếp cận nghệ thuật qua các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là thể loại âm nhạc. Thông qua các tương tác gợi ý của nhau, các bạn trẻ sẽ tìm đến một cách nhanh chóng.”
Chỉ một cú nhấp chuột, một thanh tìm kiếm, các bạn trẻ hiện nay có thể dễ dàng tiếp cận nghệ thuật, nắm bắt thông tin cơ bản về dòng nghệ thuật. Tuy nhiên, một số người thích đi xem trực tiếp khi vô tình thấy trên trang mạng xã hội. Họ sẽ tìm đến và cảm nhận trực tiếp vì thỏa mãn cái đẹp trước mắt hoặc cũng có thể vì theo trào lưu do mạng xã hội chi phối.
Về thể loại âm nhạc, giới trẻ hiện nay tiếp cận với thể loại âm nhạc chủ yếu thông qua hình thức trực tuyến với các nền tảng Spotify, Youtube,...Thị trường âm nhạc số ở Việt Nam hiện nay cũng ngày càng phát triển và các số liệu (lượt xem) trên các nền tảng giờ đây cũng được xem là “thước đo độ nổi tiếng” của người nghệ sĩ.
Tiếp cận gắn với chủ đích
Phần lớn giới trẻ hiện nay xem nghệ thuật với mục đích thuần giải trí, theo trào lưu. Quỳnh Nga, sinh viên năm 3 ngành Văn học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn chia sẻ: “Trong cuộc sống của giới trẻ hiện nay, sẽ có hai kiểu nhóm người tiếp cận nghệ thuật: Một là nhóm người có nhu cầu tìm hiểu sâu sắc về nghệ thuật, đối với họ, “Art is life” (nghệ thuật chính là cuộc sống) , là điểm tựa không gian để cùng tái tạo nhận thức về bản thân. Nhóm thứ hai, tiếp cận nghệ thuật theo trào lưu. Đối với nhóm này, “Art is just one thing” (Nghệ thuật chỉ là một phần), họ chỉ xem nghệ thuật với nhu cầu giải trí, đi theo trào lưu”.
Chủ đích của giới trẻ chỉ nằm ở thuần giải trí thì lựa chọn hình thức gián tiếp hay trực tiếp đều có thể đáp ứng. Tuy nhiên với nhu cầu đào sâu nội hàm nghệ thuật thì lựa chọn hình thức tiếp cận là yếu tố quan trọng. Trường hợp với nghệ thuật truyền thống, nếu chỉ thông qua màn hình điện thoại, việc nhìn nhận đa chiều, hay đi sâu vào chi tiết, nội hàm của tác phẩm nghệ thuật là một điều khó thực hiện. Tiếp nhận giá trị nghệ thuật truyền thống thông qua mạng xã hội hay công nghệ đều không thể lột tả hết tinh hoa, lớp sâu tinh túy của bộ môn nghệ thuật đó.
Theo Thùy Dương - tình nguyện viên của tổ chức nghệ thuật The Outpost, việc tiếp nhận nghệ thuật thông qua mạng xã hội hay trên Internet không thể cảm nhận đầy đủ lớp sâu, tinh túy của nghệ thuật. “Khi giới trẻ tiếp nhận nghệ thuật truyền thống, nếu chỉ xem qua mạng hay Internet, thì họ sẽ bị giới hạn về độ sâu của dụng ý nghệ thuật. Thông qua mạng xã hội, thứ mà giới trẻ tiếp nhận nhiều nhất là hình ảnh - đó là lớp bên ngoài của tác phẩm nghệ thuật đó. Còn lớp thứ hai, đó là nội dung bên trong bao gồm ý nghĩa câu từ, câu chuyện đằng sau. Ví dụ, trong ca trù, người trẻ sẽ không hiểu hết những chi tiết cảm xúc được lột tả trong từng câu hát (thậm chí là trong tiếng nấc, tiếng khóc) nếu chỉ ngồi xem qua màn hình”.
"Muốn tiếp cận có độ sâu, người trẻ cần lựa chọn hình thức xem trực tiếp và tìm đến người có kinh nghiệm truyền đạt nội hàm, dụng ý của từng tác phẩm nghệ thuật" - Thùy Dương chia sẻ thêm.