Thời gian gần đây, liên tiếp các chất ma túy mới được Viện Khoa học hình sự (KHHS), Bộ Công an giám định và phát hiện. Có những chất chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Mới đây nhất, Trung tâm giám định ma túy thuộc Viện KHHS còn phát hiện ra chất ma túy được hòa tan tinh vi trong những gói thuốc lào, dung dịch sử dụng cho thuốc lá điện tử.
Để hiểu rõ hơn về các chất ma túy mới, sự nguy hại của những chất này, Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện KHHS, Bộ Công an đã trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.
Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện KHHS, Bộ Công an
P.V: Thưa Trung tá, Tiến sĩ, Viện K HHS, Bộ Công an vừa giám định và phát hiện ra một số chất ma túy mới chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Đặc biệt, là ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lào. Trung tá có thể cho biết, các chất ma túy mới được phát hiện và tác hại của nó như thế nào?
Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn: Từ cuối năm 2018 đến nay, thông qua công tác giám định, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an đã phát hiện ra 9 chất ma túy mới lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Trong 9 chất ma túy mới này thì có tới 7 chất ma túy chưa có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Trong đó 6/7 chất này thuộc nhóm cần sa tổng hợp hay còn được gọi với tên lóng là “cỏ Mỹ”.
Về bản chất thì cỏ Mỹ được tạo ra bằng cách dùng các chất hóa học tổng hợp được mà các chất này có tính năng tác dụng tương tự như hoạt chất Delta 9 - THC có trong cần sa, sau đó pha thành dung dịch rồi phun, tẩm vào các loại cây cỏ, các mẫu thảo mộc khô (không phải là cây, thảo mộc có chứa chất ma túy mà đây là vật chứa chất ma túy), sau đó sấy khô tạo thành sản phẩm gọi là “cỏ Mỹ”. Đây là một loại ma túy có tác dụng gây ảo giác và kích thích thần kinh mạnh.
Cỏ Mỹ - chất ma túy gây ảo giác và kích thích thần kinh mạnh
Đặc biệt, thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát hiện ra một số thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm. Đó là chất hướng thần được các đối tượng cho vào dung dịch của thuốc lá điện tử mà dung dịch này vẫn giữ nguyên màu sắc, mùi vị, tem nhãn mác của dung dịch thuốc lá điện tử. Sau đó, các đối tượng sẽ sử dụng dụng cụ hút thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép các chất hướng thần.
Chúng tôi cũng đã phát hiện ra trường hợp sử dụng các chất hướng thần này phun vào các sợi thuốc lào (loại thuốc lào đang được bán sẵn trên thị trường của nước ta). Như vậy, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, đó là không sử dụng vật mang truyền thống như trước kia là các sợi cây cỏ, sợi cây thực vật mà đã chuyển sang dung dịch của thuốc lá điện tử hay như sợi thuốc lào vẫn thường được sử dụng hàng ngày và tôi nghĩ rằng hoàn toàn có thể được phun tẩm vào các loại vật mang khác như là sợi của thuốc lá điếu,...
Chất hướng thần được các đối tượng cho vào dung dịch của thuốc lá điện tử
Đặc biệt, qua giám định đã phát hiện thủ đoạn rất tinh vi của tội phạm ma túy là dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy. Ví dụ như tìm thấy chất Acetylpsilocine (không có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam) là dẫn xuất của Psilocine trong viên nén, khi uống vào cơ thể nó sẽ chuyển hóa và giải phóng ra chất Psilocine có tác dụng gây tác dụng ảo giác mạnh (Psilocine là chất có trong danh mục chất ma túy tại Việt Nam).
Trong tự nhiên, Psilocine và Psilocybine tìm thấy có đồng thời trong mẫu thực vật “nấm thức thần” chứa chất ma túy. Tuy nhiên, trong một số mẫu chỉ tìm thấy Psilocine mà không tìm thấy Psilocybine cũng như các thành phần thực vật. Như vậy, các viên nén ma túy không được sản xuất ra từ bột cây “nấm thức thần” mà có thể Psilocine được tách chiết ra từ “nấm thức thần” hoặc từ tổng hợp hóa học.
P.V: Ông có thể kể tên một vài chất và cho biết tác hại của các chất ma túy này như thế nào đối với người sử dụng. Cơ chế tác động của nó có khác với những chất ma túy đã từng phát hiện trước đó không?
Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn: Các chất ma túy tổng hợp ra nói chung hay như một số chất được phát hiện trong thời gian gần đây tại Việt Nam có cấu tạo và tên gọi rất phức tạp, bản thân những người làm chuyên môn như chúng tôi còn khó gọi thuộc tên. Tôi có thể kể ra một số chất ma túy đã phát hiện trong thời gian gần đây như: EMB-Fubinaca; 5F-MDMB-Pica; Fub-144; MMB-022 ; AMB-Fubinaca ,…. Đây là những chất có tác dụng kích thích thần kinh và gây ảo giác tương tự như hoạt chất Delta9-THC có trong cần sa thực vật, nhưng có tác dụng mạnh gấp nhiều lần.
Việc sử dụng các chất ma túy này rất nguy hiểm, gây ảo giác và kích thích thần kinh trung ương, có thể mất khả năng kiểm soát hành vi, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, gây nguy hiểm cho bản thân, cho những người xung quanh và cả những người thân trong gia đình và xã hội như một số trường hợp đã từng xảy ra do hiện tượng “ngáo ma túy, ảo giác” thời gian qua mà các phương tiện truyền thông đã từng đưa tin.
Điều đặc biệt nguy hiểm hơn nữa là các chất này được phun tẩm vào thuốc lào hay trong dung dịch thuốc lá điện tử với liều lượng không xác định, do vậy khi sử dụng có thể quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể, rất dễ bị ngộ độc, thậm chí khi dùng quá liều có thể gây tử vong.
Thuốc lào cũng có thể bị tẩm ma túy
P.V: Thưa Tiến sĩ, trước xu thế ngày càng nhiều loại ma tuý mới, công tác giám định gặp khó khăn như thế nào?
Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Sau khi danh mục các chất ma túy, tiền chất mới theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ ban hành có hiệu lực, số lượng chất ma túy hiện nay được quản lý tăng lên gấp hai lần so với trước (hiện có 515 chất). Vì vậy mà nguồn mẫu chuẩn ma túy là một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác giám định hiện nay, chỉ có Viện KHHS, Bộ Công an đáp ứng cơ bản được yêu cầu giám định các chất ma túy trong danh mục cần kiểm soát, kể cả những chất ma túy mới, còn hầu hết những chất ma túy nghi là ma túy mới, phức tạp đều vượt quá năng lực giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh do thiếu phương tiện, máy móc chuyên dụng cũng như chất chuẩn, tất cả các yêu cầu giám định này đều phải chuyển về Viện KHHS hoặc 02 Phân Viện KHHS tại TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng để giám định.
Ngoài ra, do ma túy mới liên tục được phát hiện nên trong cơ sở dữ liệu tàng thư chất ma túy rất nhiều chất chưa có, chưa được cập nhật, khó khăn này không riêng gì của Việt Nam chúng ta mà đối với các nước trong khu vực, trên thế giới cũng vậy, rất khó khăn.
Trên thế giới, theo số liệu của cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) thì cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày lại phát hiện thêm 1 chất hướng thần mới; như vậy có thể thấy xu hướng xuất hiện những loại ma túy mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này.
P.V: Vậy Viện KHHS, Bộ Công an đã khắc phục những khó khăn trên như thế nào để giám định và phát hiện ra những chất ma túy này?.
Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn: Được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Công an, Viện Khoa học hình sự (cơ quan giám định cao nhất của lực lượng Kỹ thuật hình sự CAND) đã được đầu tư các trang thiết bị, phân tích về hóa lý tương đối hiện đại, sánh ngang với các nước trong khu vực và tiệm cận được trình độ của một số nước tiên tiến trên thế giới như quang phổ hồng ngoại (FTIR), sắc ký khí ghép nối khối phổ kép (GC/MS/MS), sắc ký lỏng ghép nối khối phổ kép (HPLC/MS/MS), hệ thống phức hợp sắc ký khí, sắc ký lỏng hiệu năng cao khối phổ đo thời gian bay GC-HPLC-MS(ToF),...
Cùng với đó, chúng tôi có một đội ngũ cán bộ, giám định viên có chuyên môn giỏi, được đào tạo rất cơ bản. Song song với đó, với các hoạt động liên quan các lĩnh vực chuyên môn giám định, chúng tôi còn có sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị khoa học ngoài ngành. Ví dụ, trong một số trường hợp giám định ma túy mới, chúng tôi có sự phối hợp trong phân tích với các đơn vị như Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Khoa Hóa học, Trường Đại họa Khoa học Tự nhiên Hà Nội; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội,... Cùng đó, chúng tôi cũng có một kênh trao đổi thông tin khác nữa chính là công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống ma túy (ma túy là vấn đề toàn cầu cầu), đặc biệt là với các nước trong khu vực và trên thế giới liên quan đến vấn đề về ma túy. Trong đó có vai trò rất lớn của Cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp quốc (UNODC).
Tôi nghĩ rằng, đồng bộ các giải pháp như vậy thì Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an Việt Nam đủ năng lực, trình độ để giám định, định danh chính xác được các chất ma túy trong danh mục, cũng như các chất ma túy mới dự báo có thể được xâm nhập vào Việt Nam.
P.V: Như vậy cần giải pháp gì để ngăn chặn sự lan rộng của các chất ma tuý này cũng như nâng cao hiệu quả công tác giám định ma tuý tại Việt Nam trong tình hình hiện nay, thưa tiến sĩ?
Trung tá, TS. Đặng Văn Đoàn: Theo tôi, đầu tiên đó là phải kiểm soát chặt chẽ ngay từ trong nội địa các hóa chất, tiền chất cũng như các loại thuốc tân dược, thuốc thú y có liên quan mà tội phạm ma túy có thể lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội, điều này rất cần sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành: Công an, Quốc phòng, Công thương, Nông nghiệp, Y tế,.... Ngoài ra, cần tập trung đấu tranh ngăn chặn việc thẩm lậu các chất ma túy từ ngay biên giới (đường bộ, đường không và đường biển).
Thứ hai, đối với công tác giám định, cần bổ sung các chất chuẩn ma túy (nhập khẩu hoặc tinh chế các mẫu chuẩn) để phục vụ công tác giám định. Đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất. Đối với các chất ma túy mới chưa có trong danh mục cần sớm được bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát tại Việt Nam.
Thứ ba, trang bị bổ sung các phương tiện thiết bị máy móc hiện đại phục vụ giám định ma túy tại Viện KHHS cũng như tại Phòng KTHS Công an các tỉnh. Tập huấn, đào tạo cho Công an các địa phương trên cả nước về các phương pháp phát hiện, giám định các chất ma túy mới.
Thứ tư, tuyên truyền về tác hại của ma túy, đặc biệt là các loại ma túy mới đối với người sử dụng vì nó rất độc hại, khi dùng có thể bị ngộ độc, ảnh hưởng đến tính mạng để giáo dục và phòng ngừa chung, đặc biệt là trong giới trẻ.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong giám định ma túy, tội phạm ma túy mang tính toàn cầu, tội phạm ma túy còn là một trog những nguyên nhân chính làm phát sinh các loại tội phạm khác, ngoài ra, hợp tác quốc tế để còn kịp thời cập nhập, chia sẻ thông tin liên quan đến tình hình ma túy trên thế giới, đặc biệt là các chất ma túy mới, bổ sung cơ sở dữ liệu về các chất ma túy mới, từng bước xây xây dựng cơ sở dữ liệu chung để truy nguyên nguồn gốc ma túy.
P.V: Trân trọng cảm ơn Trung tá, Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn.